Dân Việt

Trung Quốc dừng mua long nhãn của 3 doanh nghiệp, Tham tán thương mại Trung Quốc khuyên gì?

Khương Lực 05/08/2020 14:09 GMT+7
Ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho biết, trong 3 ngày qua, một số bạn hàng phía Trung Quốc đã dừng thu mua sản phẩm long nhãn của 3 doanh nghiệp lớn tại địa phương, trong khi đó, thời vụ thu hoạch nhãn chính vụ đang diễn ra.

Ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đã có buổi làm việc cùng ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Phòng Tham tán Kinh tế thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam về việc tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, trước mắt là mặt hàng nhãn lồng Hưng Yên đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ.

Long nhãn Hưng Yên gặp khó vì bạn hàng Trung Quốc dừng nhập - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh và ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Phòng Tham tán Kinh tế thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam trao đổi về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản giữa hai nước.

Tại cuộc gặp, ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua bị giảm, nhưng chưa ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng. Trong 7 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng thương mại giữa hai nước vẫn giữ ở mức độ cao, đạt 80 tỷ USD, trung bình mỗi tháng đạt hơn 10 tỷ USD.

Đáng chú ý, Việt Nam đang có 9 loại hoa quả được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít và măng cụt, xếp vị trí thứ hai sau Thái Lan với 21 loại.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao sự phối hợp của Tham tán và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nhất là trong việc xúc tiến, tiêu thụ vải thiều tại Bắc Giang, năm nay đạt hơn 7.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và kéo dài nên đề nghị tham tán và Đại sứ quán tiếp tục hỗ trợ, tác động đến hải quan và các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho phía Việt Nam, nhất là đối với nhãn tươi và sản phẩm long nhãn đang vào vụ thu hoạch.

Tại buổi làm việc, ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, vụ nhãn ở tỉnh Hưng Yên năm nay có năng suất cao, với tổng sản lượng khoảng 50.000 tấn. Để tiêu thụ nhãn cho nông dân, tỉnh Hưng Yên đã có các giải pháp để kết nối cung cầu giữa các nhà vườn với một số kênh tiêu thụ. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêu thụ được khoảng 18.000 tấn trên tổng số 50.000 tấn, tương đương khoảng hơn 30%.

Long nhãn Hưng Yên gặp khó vì bạn hàng Trung Quốc dừng nhập - Ảnh 2.

Nông dân Hưng Yên đang vào chính vụ thu hoạch nhãn trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát nên việc xúc tiến, tiêu thụ đang gặp khó khăn.

Hiện đang vào thời điểm chính vụ thu hoạch nhãn, nhưng do dịch Covid-19 tái bùng phát nên các kế hoạch dự kiến triển khai tiêu thụ nhãn tại Hưng Yên đang gặp khó khăn. 

"Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khả năng tiêu thụ cũng như việc bán hàng ở các địa điểm sẽ gặp khó khăn do chúng ta phải thực hiện cách ly. Chính vì vậy, giải pháp đưa ra cho tỉnh Hưng Yên năm nay là thúc đẩy xuất khẩu và hướng đến chế biến sâu để kéo dài thời gian tiêu thụ sản phẩm nhãn" – ông Bùi Thế Cử nói.

Hiện nay, có một số hợp đồng mà đối tác phía Trung Quốc đang tạm dừng nhập vì lý do dịch Covid 19. Chúng tôi mong muốn thông qua Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, đặc biệt là Tham tán Thương mại kinh tế của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẽ hỗ trợ cho một kênh bán hàng cũng như tiếp cận đến các đối tác bạn hàng khác của Trung Quốc để thông quan được lượng long nhãn của tỉnh Hưng Yên.

Ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên

Ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên nêu dẫn chứng cụ thể: "Trong 3 ngày qua, một số bạn hàng phía Trung Quốc đã dừng thu mua sản phẩm long nhãn của 3 doanh nghiệp lớn tại địa phương. Chúng tôi làm việc với đại diện 2 doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp nói bên phía bạn đang có thông tin dịch Covid-19 nên tạm thời dừng lại".

Vì thế, ông Thơ kiến nghị tham tán Hồ Tỏa Cẩm xem xét xử lý giúp, đồng thời kết nối với các đối tác, bạn hàng để tăng thu mua nhãn tươi và sản phẩm long nhãn của Hưng Yên. 

Liên quan đến thông tin này, ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết chưa nhận được thông tin và sẽ tìm hiểu cụ thể. Ông lưu ý, nếu doanh nghiệp, đối tác này không nhập thì phải khai thác doanh nghiệp khác.

Một trong những giải pháp mà hai bên thống nhất đưa ra để thúc đẩy xuất khẩu tiêu thụ nhãn và sản phẩm long nhãn là hai bên tăng cường kết nối trực tuyến, thậm chí tổ chức hội nghị trực tuyến để thúc đẩy nhanh việc tiêu thụ sản phẩm nhãn tươi cũng như long nhãn của Hưng Yên và Sơn La.

Ông Hồ Tỏa Cẩm khen nhãn lồng Hưng Yên quả to, thịt dày, hạt nhỏ và ăn rất ngon. 

"Tôi biết nhiều đầu mối của Trung Quốc thích nhập hàng nông sản của Việt Nam. Minh chứng vừa rồi chúng tôi đã phối hợp với chính quyền tỉnh Bắc Giang tiêu thụ được hơn 60.000 tấn vải thiều; thực hiện 2 cái được của đồng chí Vương Đình Huệ (Bí thư Thành ủy Hà Nội) giao cho chúng tôi là được mùa và lại được giá.

Long nhãn cũng vậy, năm nay phẩm chất long nhãn tốt, tôi nghĩ người tiêu thụ Trung Quốc thích. Quan trọng là động viên các đầu mối tiêu thụ nhanh hơn và hiệu quả hơn. Hoa quả tươi cũng có thời gian để giữ tươi thì phải khẩn trương hơn" – ông Cẩm nhấn mạnh.

Theo ông Cẩm, để thúc đẩy tiêu thụ nhãn sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát, tỉnh Hưng Yên cần tăng cường xúc tiến thương mại trực tuyến.

"Thương mại trực tuyến là một kênh, biện pháp hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay. Bởi có nhiều điểm cầu, có thể làm sao động viên trước cho các doanh nghiệp, đầu mối lớn cùng tham gia trực tuyến, coi là trước mặt. Người không đến được, nhưng có thể cập nhật thông tin, trao đổi ngay".

Cùng với đó, ông Hồ Tỏa Cẩm cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung xuất khẩu nhãn và sản phẩm nhãn lồng qua cửa khẩu Bằng Tường (Trung Quốc).

"Bằng Tường là một cửa khẩu, một đầu mối truyền thống quan trọng gần về mặt địa lý, cho nên tôi thấy là một lựa chọn hợp lý, hiệu quả hơn. Ở Bằng Tường có phố chuyên hoa quả và phân phối. Nếu vào Bằng Tường có thể tiếp xúc nhiều đầu mối ở bên đó, họ đang chờ đón nhiều xe tải, thương lái cũng rất đông" - ông Cẩm nói. 

Trao đổi về nội dung này, ông Cừ cho biết, ông vừa giao Sở Công Thương triển khai kết nối sớm với các nhà vườn để có kế hoạch cụ thể, nắm bắt mong muốn của các nhà vườn để có nội dung chuẩn bị cho hội nghị xúc tiến thông qua điểm cầu trực tuyến với các đối tác Trung Quốc, dự kiến trước ngày 10/8. Qua đó, năm nay tỉnh Hưng Yên dự kiến sẽ kết nối, xúc tiến xuất khẩu được khoảng 30.000 tấn nhãn tươi.