Có 51 trường hợp công chức thuộc quản lý của Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM hết thời hạn bổ nhiệm từ ngày 1/7/2020.
Trong đó có 10 người làm việc trực tiếp tại Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố đã được bổ nhiệm lại trong cùng ngày 30/6 ở các phòng chuyên môn như Phòng Kế hoạch Tài chính, Phòng Kiểm Tra, Phòng Kỹ thuật địa chính, Phòng Lưu trữ, Phòng Đăng ký và Cấp giấy chứng nhận.
Trong khi đó, các Giám đốc, Phó Giám đốc tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở 24 quận, huyện vẫn đang bị "ngâm" một cách khó hiểu. Đáng chú ý, tại một số Chi nhánh có 3 chức danh Giám đốc và 2 Phó Giám đốc đều nằm trong danh sách chờ bổ nhiệm lại.
Theo quy định, các công chức trong thời gian chưa có quyết định bổ nhiệm sẽ không được ký các văn bản, hồ sơ liên quan đến công tác quản lý chuyên môn do mình đảm trách.
Trong thời gian chờ bổ nhiệm, công chức không được ký các văn bản liên quan đến công tác quản lý nhà nước. Hệ luỵ là việc ký tá các giấy tờ liên quan tại các văn phòng này bị chậm trễ, công việc bị "đóng băng".
Đại diện Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7 cho biết, chưa hề nhận được quyết định bổ nhiệm lại. Trong khi chờ quyết định bổ nhiệm lại, Giám đốc đơn vị này đã chuyển việc ký duyệt hồ sơ cho người khác có quyền ký.
Trong khi đó, tại một số nơi khác thì Giám đốc các chi nhánh vẫn ký giấy tờ dù thời gian bổ nhiệm đã hết hạn.
Đơn cử vào ngày 3/7 vừa qua, ông Đoàn Công Duy Phong, mặc dù hết thời điểm bổ nhiệm lại từ ngày 1/7 vẫn giải quyết hồ sơ với tư cách Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 2.
Lý giải về việc bổ nhiệm lại chậm trễ, bà Bùi Thị Bích Tuyền, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, cho biết: Theo quy định trước 3 tháng phải làm quy trình bổ nhiệm lại (tức vào ngày 1/4) nhưng do dịch COVID-19 nên không tổ chức hội nghị triển khai việc lấy ý kiến quy trình bổ nhiệm, không bỏ phiếu được và phải đến giữa tháng 5/2020 mới lấy được ý kiến nên có chậm trễ.
Về quy trình bổ nhiệm lại, Bùi Thị Bích Tuyền cho biết, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố sẽ có văn bản gửi Sở TNMT TP.HCM về việc bổ nhiệm lại, sau đó Sở sẽ gửi các quận huyện để Ban Thường vụ quận huyện hiệp y.
Sau khi hiệp y, các quận huyện gửi văn bản về lại cho Sở và Sở sẽ có văn bản chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai bổ nhiệm.
Theo luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư TP.HCM, căn cứ vào Quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo có thể hiểu: Sau khi hết thời gian bổ nhiệm lần đầu thì cán bộ, viên chức lãnh đạo là người được bổ nhiệm đó không còn có thẩm quyền đối với chức vụ của mình và không có thẩm quyền ký chứng từ mà mình phụ trách.
"Trong trường hợp các hồ sơ được ký trong thời gian cán bộ, viên chức chờ nghỉ hưu hay đợi tái bổ nhiệm lại mà có khiếu nại hay tranh chấp thì công dân có thể khiếu nại theo Luật khiếu nại tố cáo hoặc khởi kiện hành chính ra tòa án theo thủ tục được quy định tại Luật Tố tụng Hành chính 2015", luật sư Thường nói.
Khoản 3 Điều 41 Nghị định 24/NĐ-CP năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thì chậm nhất 90 ngày trước thời hạn bổ nhiệm, cơ quan quản lý công chức phải tiến hành quy trình bổ nhiệm lại để quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý. Quyết định bổ nhiệm lại công chức chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được ban hành ít nhất trước 1 ngày làm việc, tính đến ngày hết thời hạn bổ nhiệm.