Tháng 7/2021, TP.HCM sẽ quản lý cư trú theo số định danh cá nhân

Quang Phương Thứ năm, ngày 06/08/2020 07:44 AM (GMT+7)
Dự kiến, tháng 7/2021, TP.HCM sẽ áp dụng phương thức quản lý cư trú mới thông qua số định danh cá nhân, thay vì bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như hiện nay.
Bình luận 0

Kết quả thực hiện pháp luật về cư trú trên địa bàn TP.HCM, ngày 6/8, UBND TP.HCM cho biết: Dự kiến lộ trình áp dụng phương thức quản lý cư trú mới thông qua số định danh cá nhân, sẽ được triển khai thực hiện thống nhất theo hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Công an.

Công việc trên sẽ áp dụng, sau khi hoàn thành cấp số định danh cá nhân, thông qua việc cấp đổi từ giấy chứng minh nhân dân sang căn cước công nhân cho toàn công dân trên địa bàn TP.HCM (dự kiến thực hiện xong trước tháng 7/2021).

Tháng 7/2021, TP.HCM sẽ quản lý cư trú theo số định danh cá nhân - Ảnh 1.

Tình hình gia tăng dân số cơ học tại TP.HCM đang gây khó khăn lớn về hạ tầng nhà ở. Trong ảnh, Bí thư Thành ủy TP.HCM đi kiểm tra thực tế tình hình xây nhà không phép tại huyện Bình Chánh - Ảnh: Quang Phương.

UBND TP.HCM cho biết: Việc thực hiện các thủ tục hành chính yêu cầu bắt buộc phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, trên thực tiễn gây khó khăn cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. 

Bởi đòi hỏi công dân phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mới tiếp nhận xem xét giải quyết, là chưa thực sự cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ, chưa thực sự giảm thời gian chi phí, đi lại, gây phiền hà, dễ lợi dụng phát sinh tiêu cực. Nhiều thủ tục hành chính hiện nay yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như: Nhà đất, bảo hiểm y tế, giáo dục...

Dự kiến phương án thực hiện các thủ tục này, khi không có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, mà thực hiện quản lý cư trú bằng phương thức quản lý dân cư theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú theo dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Liên quan đến vấn đề quản lý cư trú trên địa bàn, ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng: "Đối với việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, UBND TP.HCM nhận thấy về lâu dài, nên bỏ các quy định này. Vì trên thực tế, hơn 6 năm kể từ khi thực hiện Luật Cư trú được sửa đổi, bổ sung, tình trạng dân số cơ học tại TP.HCM vẫn không giảm (dù không đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng người dân vẫn đến sinh sống, học tập, lao động).

Hiện tại TP.HCM đang gặp rất nhiều thách thức từ tình trạng gia tăng dân số. Vì vậy, nếu bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương, theo dự thảo Luật Cư trú sửa đổi sẽ dẫn đến tình trạng tăng đột biến lượng công dân vào cư trú tại thành phố, làm gia tăng thêm áp lực về cơ sở hạ tầng nhà ở, giao thông đô thị, y tế, giáo dục… 

Phát biểu tại buổi làm việc của đoàn công tác Ủy ban pháp luật của Quốc hội với UBND TP.HCM về khảo sát việc thực hiện Luật Cư trú vào tuần cuối tháng 7 vừa qua, ông Ngô Minh Châu - cho rằng: "Việc xóa sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là cần thiết.  Nhưng để đảm bảo không gây xáo trộn cho cuộc sống người dân, do vẫn còn quá nhiều thủ tục hành chính cần đến các loại giấy tờ này, nên tiếp tục giữ lộ trình sử dụng song song việc quản lý hộ khẩu giấy và quản lý bằng số định danh cá nhân. Sau khi đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động khoảng 1 năm, sẽ tùy tình hình thực tế để quy định thời hạn xóa bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú".

Đến nay, TP.HCM gồm 19 quận, 5 huyện; 259 phường, 5 thị trấn và 58 xã. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có hơn 1,5 triệu hộ, với hơn 6,4 triệu nhân khẩu đăng ký thường trú; hơn 1 triệu hộ với 3,6 triệu nhân khẩu đăng ký tạm trú. Hàng ngày có khoảng 500 nghìn lượt người đến lưu trú; hơn 85 nghìn hộ với hơn 195 nghìn nhân khẩu là người nước ngoài được cấp thẻ thường trú, tạm trú. Từ năm 2014 đến tháng 6 năm nay, TP.HCM đã xử lý hơn 169 nghìn trường hợp vi phạm hành chính về cư trú, phạt tiền hơn 40 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem