Ngày 4/8, UBND TP.Đà Nẵng chính thức thông báo hoãn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19.
Sau khi nhận được thông báo này, nhiều học sinh và phụ huynh trên địa bàn thành phố tỏ ra lo lắng. Nhiều trường hợp thậm chí không đồng tình với quyết định này.
Trước tình hình đó, thầy giáo Nguyễn Đình Hòa - Giáo viên dạy Ngữ văn tại Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) đã có tâm thư gửi các học trò của mình.
Trong thư thầy Hòa viết: "Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức cho phép học sinh Đà Nẵng và một số huyện của tỉnh Quảng Nam dời lại ngày thi THPT năm 2020. Nhiều em nhắn tin hỏi thầy dời lại là dời đến khi nào? Quả thật, thầy cũng không thể trả lời chính xác trước tình hình dịch bệnh phức tạp như thế này.
Các em cần nhận thức được rằng đây là giải pháp bất khả kháng được đưa ra trong một tình huống hiểm nghèo nhằm mục đích trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của các em và của cả cộng đồng.
Có nhiều em ý kiến: Tại sao không hủy (bỏ) thi, chỉ xét tốt nghiệp? Hiện nay, Luật Giáo dục vẫn yêu cầu học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình học phải thi tốt nghiệp, có những trường hợp đặc cách nhưng luật chưa tính đến tình huống phải bỏ thi trên diện rộng như hiện nay. Thầy cũng muốn an toàn, cũng muốn không phải đi coi thi, chấm thi... nhưng nhiều quy định liên quan chưa cho phép bỏ kỳ thi này. Chưa kể đến, nhiều bạn học sinh có năng lực, đã ngày đêm nỗ lực ôn luyện để có điểm thi cao xét vào các trường đại học danh giá. Giờ đây, nếu xét tốt nghiệp chứ không thi, bao nhiêu công sức của các bạn ấy đổ sông đổ biển như dã tràng xe cát.
Các bạn hoang mang vì không biết dời đến khi nào? Như các cấp lãnh đạo đã nói, khi nào hết dịch, xã hội an toàn mới tổ chức thi. Thay vì hoang mang trước một thời gian vô định, các em hãy nhìn bao bác sĩ, chiến sĩ, tình nguyện viên đang vững tâm đi vào tâm dịch, chiến đấu với những nguy hiểm vô hình đang rình rập xung quanh.
Nỗi đau của em có so bằng nỗi đau mất đi người thân mà không được nhìn mặt lần cuối, chỉ nhận được hũ tro cốt từ người khác. Nỗi khổ tâm của các em có bằng người mẹ chưa hề chuẩn bị đã phải dứt sữa cho đứa con mấy tháng tuổi để vào vùng cách ly làm nhiệm vụ? Vậy thì tại sao ta không coi việc ở yên tại nhà, nỗ lực ôn bài, luyện tập thể thao, giữ vệ sinh, đảm bảo sức khỏe là một nhiệm vụ giữa mùa dịch?
Các em lo về việc học đại học? Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường đại học phải có phương án tuyển sinh, để dành chỉ tiêu hoặc xin tăng thêm chỉ tiêu cho học sinh vùng dịch. Đại học Đà Nẵng đã sớm công bố phương án tuyển sinh cho học sinh Đà Nẵng, Quảng Nam. Theo thầy biết, còn nhiều trường đại học khác sẽ có phương án phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Các em lo không vào được ngành mà mình yêu thích? Khi không có cái mình yêu, phải biết yêu cái mình có. Biết bao người quyết tâm chọn ngành yêu thích để rồi ra đời phải làm những việc trái ngành mà vẫn thành công. Thầy vốn chuyên toán, cuộc đời đưa đẩy thầy đi dạy Vă, vẫn có thể dạy tốt đó thôi.
Sự thay đổi tập cho chúng ta khả năng thích nghi, giải phóng những năng lượng tiềm ẩn mà ta chưa khám phá được. Ca dao ngày xưa có câu: "Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc còn chồi nảy cây!"
Thầy muốn nhắn nhủ các em hãy ngừng than vãn, sống lạc quan, tích cực để chúng ta lan tỏa một nguồn năng lượng tích cực giúp đẩy lùi những năng lượng tiêu cực trên thành phố Đà Nẵng xinh đẹp này!".
Trao đổi với PV Dân Việt về những lời chia sẻ này, thầy Hòa tâm sự: "Do năm nay, mình chủ nhiệm lớp 12, theo các em 3 năm liền nên mình rất quan tâm tới những thông tin liên quan đến kỳ thi quan trọng cuối cùng của đời học sinh. Khi dịch bắt đầu bùng phát, các em rất lo lắng, mình phải tìm mọi cách động viên các em. Khi có thông tin hoãn thi, các em nhắn tin hỏi, đăng bài thể hiện sự hoang mang. Sau 2 ngày suy nghĩ, mình viết một mạch bài viết để các em được đả thông tư tưởng, yên tâm ở nhà chống dịch và ôn thi. Mình là giáo viên nên chỉ góp được phần nhỏ như vậy".