Gạo, gỗ vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng
Dù đối diện với nhiều biến động do dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu gạo, đồ gỗ vẫn giữ được tăng trưởng dương trong 7 tháng năm 2020.
Bộ NNPTNT tiếp tục đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ. Đối với những thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nghiên cứu xác định thời điểm có thể đẩy mạnh xuất khẩu.
Cụ thể, xuất khẩu gạo có hơn 1 tháng nhiều biến động hồi tháng 4 sau quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo để đánh giá lại nguồn cung trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Tuy vậy, 7 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo vẫn đạt 1,9 tỷ USD (3,9 triệu tấn), tuy giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam cũng đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Thái Lan.
Cuối quý I/2020, khi dịch Covid-19 lan tới châu Âu, buộc các nước EU phải tạm đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh, các cuộc hủy giao hàng, chậm giao hàng liên tục bay đến với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ; trong số hơn 150 doanh nghiệp được hỏi thời điểm đó, chỉ có khoảng 7% vẫn hoạt động bình thường.
Nhưng kết thúc 7 tháng năm 2020, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ vẫn đạt 6,09 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2020 đạt 4,38 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu cà phê đạt 1,06 triệu tấn và 1,8 tỷ USD, giảm 0,1% về khối lượng và giảm 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu rau quả giảm mạnh nhất do thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Theo đó, xuất khẩu rau quả ước đạt gần 2 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong báo cáo của Bộ NNPTNT gửi Bộ KHĐT về kịch bản tăng trưởng, một số cân đối vĩ mô và các nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) khẳng định, trong 7 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 22,3 tỷ USD, tuy giảm 2,8% so với cùng kỳ nhưng bù lại thặng dư thương mại rất lớn, tới 5,2 tỷ USD (tăng hơn 3,8% so cùng kỳ).
"Nếu các ngành chức năng, doanh nghiệp và người dân cố gắng, nỗ lực hơn nữa và không có biến động lớn của tình hình thế giới do dịch Covid-19, khả năng cao ngành nông nghiệp vẫn đạt được kế hoạch xuất khẩu nông sản khoảng 40- 41 tỷ USD" - ông Việt nói.
Nỗ lực vượt khó
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Việt, ngành nông nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do những bất ổn liên quan đến dịch Covid-19; xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước khiến nhiều thị trường nhập khẩu nông sản siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp chứng thư xuất khẩu…
Để "gặt" đủ 41 tỷ USD xuất khẩu nông sản trong bối cảnh còn muôn vàn khó khăn, ông Việt cho biết, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục nâng cao năng lực chế biến, xác nhận xuất xứ và nguồn gốc sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm nông sản chính ngạch sang các thị trường, nhất là Trung Quốc.
Phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để tăng cường xuất khẩu những nhóm hàng có lợi thế và phù hợp trong bối cảnh Covid-19, phối hợp khai thác tốt thị trường nội địa.
Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc cấp mã số vùng nuôi, trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý; chuyển đổi phương thức kinh doanh và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.
Bộ NNPTNT cũng sẽ phối hợp Bộ Công Thương, các cơ quan, nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Đẩy mạnh truyền thông quảng bá giới thiệu sản phẩm, địa chỉ bán nông sản an toàn, nhất là theo phương thức bán hàng online; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các địa phương theo chuỗi liên kết...
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết khó khăn trong giao thương, thông quan, kiểm dịch hàng hóa nông sản qua các cửa khẩu chính ngạch...