Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán HAG) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM công bố thông tin về việc bị Cục thuế tỉnh Gia Lai xử phạt vi phạt hành chính về thuế.
Theo quyết định của Cục thuế tỉnh Gia Lai đề ngày 23/6, Cục thuế tỉnh Gia Lai cho biết, doanh nghiệp của bầu Đức đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính là: Khai sai nhưng không dẫn đến thiếu thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp năm 2019; Khai sai nhưng không dẫn đến thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2017, 2018, 2019; Khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế GTGT phải nộp năm 2017, 2018 và khai sai dẫn đến thiếu số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp trong niên độ kế toán từ năm 2017 đến năm 2019.
Điều đáng nói, mặc dù trong năm 2019, hành vi khai sai không dẫn đến thiếu thuế TNDN phải nộp nhưng theo xác định của cơ quan thuế thì doanh nghiệp của bầu Đức lại có tình tiết tăng nặng là "vi phạm nhiều lần", không có tình tiết giảm nhẹ.
Do đó, Cục thuế phạt tiền Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức hơn 120 triệu đồng đối với hành vi kê khai sai.
Trong đó, với hành vi khai sai nhưng không dẫn đến thuế thuế GTGT phải nộp năm 2019 và khai sai nhưng không dẫn đến thiếu thuế TNDN phải nộp năm 2018, 2019 là 6,72 triệu đồng.
Các hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế GTGT phải nộp và thiếu thuế TNCN phải nộp bị phạt tiền lần lượt là 99,65 triệu đồng và 14,2 triệu đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp của bầu Đức bị truy thu hơn 566 triệu đồng tiền thuế, trong đó chủ yếu là truy thu thuế GTGT (495,28 triệu đồng) và phải nộp 135,63 triệu đồng tiền chậm nộp.
Như vậy, tổng cộng tập đoàn của bầu Đức bị xử phạt và truy thu hơn 820 triệu đồng.
Biện pháp khắc phục của Hoàng Anh Gia lai là giảm số lỗ chuyển sang kỳ sau trên tờ khai quyết toán thuế TNDN tổng số tiền 294,5 tỷ đồng. Trong đó, giảm số lỗ của năm 2017 là 131,2 tỷ đồng, năm 2018 là 115,2 tỷ đồng và năm 2019 là 47,9 tỷ đồng.
Văn bản của cơ quan thuế nêu rõ doanh nghiệp của bầu Đức phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt, nếu quá thời hạn mà công ty không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính mới nhất của Hoàng Anh Gia Lai, doanh thu thuần quý II/2020 của doanh nghiệp tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 636 tỷ đồng.
Theo giải trình của doanh nghiệp, mức tăng này chủ yếu do diện tích thu hoạch trái cây tăng lên so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, do biên lãi gộp của mảng trái cây giảm từ mức 37,4% về mức gần 27%, khiến cho biên lãi gộp của Hoàng Anh Gia Lai co về mức 19,6% trong quý II/2020, thấp hơn nhiều so với mức 29,5% cùng kỳ năm trước. Chốt quý, lợi nhuận gộp của HAG chỉ còn 124 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 151 tỷ đồng.
Doanh thu vẫn không đủ bù đắp chi phí, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức báo lỗ 62 tỷ đồng trong quý này. Dù vậy, đây vẫn là kết quả tích cực nếu so với số lỗ lên đến 704 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đã chuyển từ âm 547 tỷ lên dương 10,5 tỷ đồng tính trong quý II/2020.
Luỹ kế nửa đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức ghi nhận 1.483 tỷ doanh thu - tăng gần 61%. Trong đó, doanh thu tăng mạnh chủ yếu đến từ doanh thu bán trái cây, tăng gấp đôi cùng kỳ lên 1.220 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, Công ty còn lỗ sau thuế 132 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số 706 tỷ nửa đầu năm ngoái.
Cùng với kết quả khả quan, dòng tiền kinh doanh trong quý II/2020 dương gần 221 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 9 tỷ đồng. Tính cả 6 tháng đầu năm, Hoàng Anh Gia lai có dòng tiền kinh doanh dương 690 tỷ đồng.
Về dòng tiền kinh doanh, tính chung 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp của bầu Đức có dòng tiền kinh doanh dương 690 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, Hoàng Anh Gia Lai vẫn phải vay thêm nợ để đảm bảo dòng tiền cho các hoạt động đầu tư. Ghi nhận đến thời điểm 30/6/2020, dư nợ vay tăng từ 14.698 tỷ lên 17.874,5 tỷ đồng.
Trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 4.959 tỷ đồng, tăng 32% và vay dài hạn tăng 18% lên 12.915 tỷ đồng so với đầu năm.
Đáng chú ý, tổng nợ vay ngân hàng Hoàng Anh Gia Lai giảm, ngược lại vay nợ cá nhân, tổ chức khác tính chung với trái phiếu tăng mạnh. Trong đó, phần lớn lượng nợ mà Hoàng Anh Gia Lai vay thêm trong nửa đầu năm là từ nhóm công ty liên quan đến tỷ phú Trần Bá Dương, bao gồm Nông nghiệp Thadi (gồm 563 tỷ vay ngắn hạn và 2.185 tỷ dài hạn); ô tô Trường Hải (1.769 tỷ dài hạn).