Cao Bằng là một tỉnh miền núi nghèo, dân số chỉ hơn 500.000 người mà đến nay đã có khoảng 7.000 người xuất nhập cảnh trái phép được đưa đi cách ly, không phân tích thêm cũng đủ thấy sự khó khăn bề bộn ra sao.
Sự xả thân, vượt khó, cảnh lom dom ánh đèn dầu chốt chặn 6 tháng ròng nơi biên ải không điện nước, không sóng điện thoại, đường xá hễ mưa là đi bộ nửa ngày mới đến nơi đồn trú… - quả là đáng cảm kích, trân trọng.
Với những khó khăn của tình hình dịch bệnh, hơn bao giờ hết, Cao Bằng cần sự đồng tâm nhất trí để vượt qua thách thức để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng nơi tuyến đầu: Ngăn chặn “sóng dữ” tràn vào nước ta, bảo vệ đồng bào mình. Và hơn lúc nào hết, Cao Bằng cần sự hỗ trợ nhiều hơn của Trung ương, của đông đảo bà con cả nước.
Trò chuyện với Dân Việt, thiếu tá Đàm Xuân Hội - Phó Trung đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Trung đoàn 852, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng cho biết: Trung đoàn 852 được giao nhiệm vụ tổ chức, quản lý Khu cách ly lớn nhất tỉnh Cao Bằng. Hầu hết người xuất nhập cảnh trái phép được lực lượng biên phòng đưa về đây (như đã phản ánh ở các kỳ trước của loạt bài "Biên cương nóng giữa mùa dịch Covid-19"). Thiếu tá Hội đã chia sẻ với Dân Việt biết nhiều câu chuyện “hậu trường” đáng suy ngẫm trong cuộc trò chuyện cởi mở này.
Hàng nghìn người bị buộc phải hồi hương do bên kia biên giới phía Bắc là điểm nóng trên toàn thế giới về sự bùng phát của đại dịch Covid-19, thì đã đành. Vậy cớ sao hàng nghìn người lại phải chấp nhận rủi ro, bất chắc theo chân các đối tượng nguy hiểm vượt biên sang chính vùng mà hàng vạn người khác phải vật lộn để “hồi hương”? Họ làm gì ở bên kia biên giới? Cuộc sống của họ ra sao trong khu cách ly trước khi công an bắt giữ?
Giải đáp các câu hỏi này, thiếu tá Đàm Xuân Hội ôn tồn giải thích: "Ở chỗ chúng tôi có một đợt, khoảng gần 1 tháng là số lượng người có giảm đi. Còn lại thì vẫn đều đều từ 200 - 300 người đến cách ly. Chúng tôi tận dụng hội trường kia có khi lên đến gần 500 người. Số lượng bà con qua trạm để cách ly theo quy định về phòng dịch Covid-19, tính đến giờ, cũng khoảng 5.000 người".
Thiếu tá Hội nói thêm, với ngần ấy người nhập cảnh trái phép, ở đây như một xã hội thu nhỏ, đủ các đối tượng cướp của, giết người, buôn người, buôn bán ma túy, những kẻ trốn truy nã, gái mại dâm hoặc chị em làm các nghề “nhạy cảm” khác… Đúng là hầu như không thiếu một thành phần nào của xã hội.
"Bọn tôi quán triệt chiến sĩ đi vào tiếp xúc với các đối tượng, phải có cán bộ đi kèm. Không khéo lúc mình dọn dẹp nhà vệ sinh, có “chị em” đi vào “vồ” từ sau lưng mà mình không biết. Có thể không có ý gì, nhưng cũng có thể họ định “chơi xỏ” mình không chừng. Từng có vụ người dân bị vu khống hiếp dâm ở đây rồi. Thế nên nhiều cán bộ nam ở đây khi đi dọn dẹp phục vụ những người trên, không dám đi một mình, cứ phải 2-3 người đi cùng nhau cho chắc ăn", anh Hội cười.
Với các đối tượng nguy hiểm, các anh quản lý ra sao?
- Có không ít đối tượng nghiện ma túy, nhiễm HIV, lại dính dáng đến các đường dây buôn người nguy hiểm như đối tượng ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Anh ta vào đây chúng tôi phải có phòng cách ly riêng. Trại giam chắc chắn có tường cao dây thép gai, vọng gác có lính gách có súng phạm nhân còn trốn được, huống hồ ở đây. Cơ bản vẫn là tuyên truyền để họ nhận thức được chính sách nhân đạo của nhà nước ta.
Có đối tượng người nước ngoài bị cách ly ở đây, hỏi gì anh ta cũng run nhong nhóc. Hóa ra ở “bên kia” anh ta nghe nói là về đây sẽ bị cách ly 14 ngày và “xử lý” nghiêm vì cái tội nhập cảnh trái phép. Thế nên ngày nào, chúng tôi cũng phải tuyên truyền trên loa phóng thanh để họ hiểu.
Nghe nói vẫn có người rắp tâm leo tường bỏ trốn, bất chấp hệ thống canh gác cùng hệ thống camera an ninh trong khu cách ly của Trung đoàn?
- Vẫn có những đối tượng rất ương bướng. Giờ nghỉ trưa là bộ đội phải thức để đi tuần, chứ tầm ấy, nếu mình buồn ngủ là các đối tượng tìm cách chuồn ngay. Đã có những đối tượng tìm cách trốn khỏi khu cách ly bằng cách bò lên sau dãy nhà kia, nhưng rồi lại bị bắt lại.
Có đối tượng nghiện ma túy cũng tìm cách “đào tẩu”. Ở đây, mình có bộ đội còn gác canh được, chứ đúng nguyên tắc thì công an phải đảm bảo việc đó. Có nhiều đối tượng nguy hiểm vừa về đến khu cách ly đã có xe công an chờ sẵn.
Vậy các nhóm đối tượng phải sống trong khu cách ly 14 ngày, họ phản ứng ra sao?
- Thành phần các đối tượng là gái bán dâm nhập cảnh trái phép giữa mùa dịch Covid-19 đã bị lực lượng biên phòng ngăn chặn cũng vào đây nhiều. Thái độ của họ cũng bình thường, chỉ có trang phục thì rất hở hang, chúng tôi phải nhắc nhở nhiều.
Ở đây còn có nhiều người đang mang thai, vào cách ly rồi trở dạ, sinh con. Các bà mẹ trẻ đem theo con nhỏ đang cho bú sữa cũng có. Có cả đoàn những đứa bé choai choai. Bọn buôn người, các đối tượng bị khởi tố vào đây thì vẫn cách ly bình thường, sau 14 ngày thì công an sẽ bắt luôn. Trừ những trường hợp tội phạm quá nguy hiểm, lực lượng chức năng mới đến đưa đi luôn.
Chúng tôi rất bất ngờ khi nghe thông tin nhiều trường hợp hết cách ly được đưa về quê, nhưng chỉ vài ngày sau, họ lại bị bắt lại khi tìm cách xuất cảnh trái phép.
- Sau 14 ngày cách ly, chúng tôi và các lực lượng phải dùng ô tô, đưa họ ra bến xe khách; rồi động viên, hỗ trợ cả kinh phí cho họ về quê. Xưa là chúng tôi cứ thật thà hỏi: “Ai chưa có tiền đi xe thì cho biết?”, thế là họ giơ tay hết lên. Người có tiền của cũng cứ xin thêm tiền hỗ trợ đi xe khách về quê.
Bây giờ, đưa ra bến xe rồi cho họ lên xe hết, bao giờ cơ quan chức năng cũng “theo dõi” xem có biểu hiện gì không rồi mới hỗ trợ, nếu họ thực sự không có tiền lên xe mới cho tiền.
Có một đối tượng hết cách ly, được về nhà rồi, mình vận động về quê, anh ta “dạ dạ vâng vâng”, nhưng chỉ 3 ngày sau lại mò lên biên giới để vượt biên. Bị bắt lại, thế là lại vào đây cách ly tiếp 14 ngày.
Có nhiều trường hợp vừa mới cách ly do xuất cảnh trái phép thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn, sau đó ít ngày, lại vượt biên ở khu vực trạm biên phòng khác của Cao Bằng và lại bị… cách ly tiếp.
Mỗi người mỗi cảnh éo le, giận đấy mà cũng thương lắm. Có nhiều người tâm sự họ không muốn sang bên kia nữa, nhất là giữa mùa dịch đầy rủi ro, bất chắc. Nhưng bây giờ tiền công của họ đang bị giữ, đang làm thuê cả tháng, có dịch là bị “dồn đẩy” về, chủ lao động cũng lợi dụng sự bát nháo để quỵt lương.
Thế là về nước xong, nhiều người phải quay ngược sang bên kia biên giới để đòi lại tiền công. Nhưng tiền chưa thấy đâu đã bị đưa vào khu cách ly thêm… 14 ngày nữa.
Nhiều chị em phụ nữ trẻ nhập cảnh trái phép, khi về đến biên giới trên người chỉ còn một bộ quần áo, không có cả dép đi. Chúng tôi phải lấy quần áo lót quân nhu, dép rọ, quần áo ấm các loại cho họ dùng. Họ tâm sự thì ra đi làm “nghề nhạy cảm” theo dạng vượt biên trái phép, lúc bị truy quét thì co cẳng chạy, vứt lại tất cả không kịp mang gì, kể cả quần áo lót...
Ông Hội kể tiếp: "Có trường hợp về đến trạm, thấy họ đói khát, chúng tôi bảo nấu mì tôm cho ăn vì lúc đó cũng 3h sáng rồi. Nhưng họ lắc đầu bảo không cần, cứ mang mì tôm sống lên để em ăn luôn. Tay cầm miếng mì tôm mà run run bởi đã 3 ngày họ chỉ có uống nước chứ không kịp ăn. Các "đối tượng” bên kia thường thả bà con mình cách đường biên giới với Cao Bằng khoảng 8km. Rồi cứ mặc họ chạy, đi bộ, leo núi, tìm đường mòn mà về quê. Còn quay ngược lại nước họ là sẽ bị nhốt. Có người kể, suốt 3 tháng chỉ ăn cháo loãng. Nhiều bà con kể, họ đi làm thuê còn bị đánh đập, mãi mới trốn về được".
Nhiều người khi vượt biên nhập cảnh trái phép trong người không có giấy tờ, vậy lực lượng biên phòng làm sao để xác minh?
- Lúc đầu họ khai lý lịch giả, chỉ là tháng đầu thôi còn về sau cơ bản kê khai thật. Chúng tôi tuyên truyền và nói rõ: Những trường hợp không khai đúng thì lúc cấp giấy "hoàn thành công tác cách ly 14 ngày”, đem về địa phương những giấy đó không có tác dụng gì hết. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với cả công an để xác minh tại địa phương với những đối tượng khả nghi.
Có những đợt bà con ở bên kia về kể bị nhốt 3 tháng liền. Vừa nói vừa rơi nước mắt. Hành trình từ bên kia về đến Việt Nam quá khổ ải. Về đến khu cách ly, được bộ đội phục vụ cơm nước hằng ngày, lúc đó họ mới thấy giá trị nhân văn của Chính phủ chúng ta như thế nào…
- Xin cảm ơn Thiếu tá về cuộc trò chuyện này và chúc cho lực lượng biên phòng Cao Bằng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!
Từ khi dịch bệnh Covid-19 (đầu năm 2020) xuất hiện ở Việt Nam, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép diễn biến rất phức tạp. Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã trải qua khoảng 6 tháng "căng mình" chốt chặn ở các khu vực trọng yếu.
Cơ sở vật chất tại các vị trí chốt đều là nhà bạt tạm ở nơi hiểm trở, xa xôi nên cán bộ chiến sỹ tham gia chốt chặn gặp nhiều khó khăn. Mùa đông thì rét mướt, sương mù dày đặc ẩm ướt, mùa hè thì nắng nóng kinh khủng mà không có điện. Nhưng anh em vẫn phải duy trì lực lượng. Có những chốt, anh em phải đi lấy nước rất xa, phải sinh hoạt trong ánh đèn dầu.
Chưa hết, sau khi ngăn chặn quyết liệt thì các đối tượng lợi dụng đêm tối và đi xuyên rừng vòng qua các tổ trại kiểm soát của ta nên gây nhiều khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi đã bố trí nhiều điểm, nhiều lớp để ngăn chặn tối đa tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, gây ra hiểm họa lây truyền dịch bệnh Covid-19.
Sau khi dịch tạm lắng (đợt 1), các lực lượng khác cơ bản rút về, riêng bộ đội biên phòng vẫn chốt chặn từ khi có dịch đến nay, thậm chí còn được tăng cường thêm lực lượng. Bộ Chỉ huy chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường trực 24/24, nhằm ngăn chặt tuyệt đối xuất nhập cảnh trái phép, nhất là khi đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát như hiện nay. Đã có 114 điểm chốt chặn và duy trì lực lượng cơ động tuần tra kiểm soát.
Cao Bằng có đường biên giới dài hơn 333km. Có cửa khẩu quốc tế, song bà con hầu như không "hồi hương" theo đường chính thức đó. Rất nhiều bà con, hầu hết người dân nghèo, lại có đường dây móc nối đón sang bên kia để làm ăn.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều tội phạm, các đối tượng bị truy nã. Giữa lúc cao điểm dịch Covid-19, sang đó, bà con không tìm được việc lại bị đẩy đuổi về. Có người trốn về bị cách ly, lại trốn đi, bị giữ lại và vào khu cách ly đợt 2 luôn. Đói quá thì người ta phải đi làm ăn, họ nghĩ đơn giản có đường dây dắt đi là đi thôi. Áp giải về, có thể bà con không về nhà mà lộn lại, vượt biên đi làm ăn tiếp.
Hiện giờ chúng ta chưa có chế tài xử phạt việc xuất nhập cảnh trái phép, mà có phạt nhiều bà con cũng không có tiền mà nộp.
(Còn nữa)