Dân Việt

Vẫn nghi ngại chất lượng, “đường lưỡi bò”, ô tô Trung Quốc sẽ "bật bãi" khỏi Việt Nam?

Thanh Phong 10/08/2020 13:16 GMT+7
Các thương hiệu ô tô Trung Quốc phổ biến tại Việt Nam như: Haima, Geely, Baic và Zotye,… từng rất thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau nhiều năm, các thương hiệu này vẫn chưa giải tỏa được những mối nghi ngại về chất lượng, “đường lưỡi bò” trong phần mềm,….

Từ những năm 80, 90 một số thương hiệu xe ô tô Trung Quốc như Lifan, Dongfeng, Chery đã gia nhập thị trường xe Việt Nam. Tuy nhiên, với thị phần nhỏ bé, chỉ đến đầu những năm 2000, hàng loạt mẫu xe nhỏ gồm hatchback, sedan của các hãng trên rời bỏ Việt Nam vì không được lòng người tiêu dùng.

Cho tới gần đây, đến đầu những năm 2015, các thương hiệu gồm Haima, Geely, Baic và Zotye... của Trung Quốc đổ bộ sang Việt Nam lần thứ 2. Thâm nhập thị trường Việt Nam lần này, các các hãng xe nội địa Trung Quốc gây chú ý với mẫu mã đẹp, phong phú nội thất trang bị đầy đủ, đặc biệt là giá thành rất rẻ so với các mẫu xe tương tự trên thị trường.

Cụ thể, giá bán các mẫu xe sedan, SUV hay Crossover của Trung Quốc mẫu mã khá bắt mắt, giống với những thương hiệu nổi tiếng như Audi, Jaguar, Land Rover,… có giá khoảng 800 triệu đồng. Trong khi xe của các thương hiệu nói trên có thể lên tới hàng tỷ đồng.

Vẫn nghi ngại chất lượng, “đường lưỡi bò”, ô tô Trung Quốc sẽ "cuốn gói" khỏi Việt Nam? - Ảnh 1.

Các thương hiệu ô tô đến từ Trung Quốc luôn có trang bị "chiều lòng" khách hàng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nghi ngại cố hữu về chất lượng xe, đường lưỡi bò được cài cắm trong phần mềm.

Tuy nhiên, sau thời gian "gây sốt" thị trường đầu tiên, các mẫu xe Trung Quốc lần lượt "rơi rụng" vì không chiếm được thị trường. Nguyên nhân được đánh giá là do thuế nhập khẩu của các mẫu ô tô Trung Quốc ở mức từ 70% trở lên. Do đó, giá các mẫu xe này ở mức phổ thông, không phải dòng xe siêu rẻ.

Ngoài ra, theo nhận định của giới chuyên môn, việc các mẫu xe nội địa Trung Quốc đều có kiểu dáng giống các mẫu xe nổi tiếng thế giới, như Audi, Jaguar, Land Rover… đã tạo hiệu ứng ngược.

Cụ thể, tâm lý hầu hết người tiêu dùng Việt không muốn bỏ tới gần 1 tỷ đồng chỉ để mua những mẫu xe hàng nhái mẫu mã thương hiệu xe sang với chất lượng còn nhiều mối hoài nghi.

Nói về mối nghi ngại cố hữu liên quan đến chất lượng xe hơi Trung Quốc, một số chuyên gia về ô tô cho rằng, sự chắp vá máy móc, kiểu dáng, công nghệ và đa phương tiện có thể khiến xe Trung Quốc nhìn rất đẹp.

Tuy nhiên, người tiêu dùng luôn phải đặt câu hỏi về chất lượng các mẫu xe trên có thực sự tốt khi mà nhà sản xuất không đi từ cỗi lõi, chưa phân phối độc quyền. Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết, ngay tại thị trường nội địa, xe hơi Trung Quốc cũng chỉ có thị phần ít ỏi.

Vẫn nghi ngại chất lượng, “đường lưỡi bò”, ô tô Trung Quốc sẽ "cuốn gói" khỏi Việt Nam? - Ảnh 2.

Vụ việc chiếc Volkswagen Touareg V6 3.0L lắp ráp tại Trung Quốc bị phát hiện trang bị hệ thống dẫn đường dùng bản đồ có "đường lưỡi bò" gây bức xúc trong dư luận thời gian cuối năm 2019.

Với thị trường 1,2 tỷ dân, chính quyền Trung Quốc luôn yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài bắt tay liên kết với hãng xe trong nước hoặc chuyển giao dần công nghệ.

Do đó, các hãng xe nội địa Trung Quốc dần đưa ra các mẫu xe nội địa hoặc theo kiểu "máy hãng" vỏ gia công, đa phương tiện lai tạo... Điều này lý giải nguyên nhân tại sao nhiều dòng xe của các hãng Haima, Baic, Zotye "giống hệt" nhiều mẫu xe lớn trên thế giới.

Cũng theo nhận định từ giới chuyên môn, trong năm 2019, hàng loạt mẫu xe lắp ráp hoặc sản xuất tại Trung Quốc bị phanh phui cài cắm bản đồ chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Cụ thể, ngày 19/10/2019, thương hiệu ô tô Trung Quốc là Zotye và BAIC bị người tiêu dùng phát hiện ứng dụng dẫn đường có hình ảnh "đường lưỡi bò". Đến ngày 27/10/2019, tại Triển lãm ô tô Việt Nam diễn ra ở Tp Hồ Chí Minh, một chiếc Volkswagen Touareg V6 3.0L lắp ráp tại Trung Quốc bị phát hiện trang bị hệ thống dẫn đường dùng bản đồ có "đường lưỡi bò". Đây là một trong hai chiếc xe được nhập khẩu phục vụ triển lãm.

Sau đó, khi vụ xe Volkswagen cài cắm bản đồ phi pháp chưa lắng xuống thì lực lượng hải quan lại phát hiện 7 chiếc ô tô thương hiệu Hanteng của Trung Quốc có bản đồ "đường lưỡi bò". Trước tình trạng trên, các doanh nghiệp và người tiêu dùng e dè, thậm chí quay lưng hoàn toàn với ô tô Trung Quốc.