Ông Huỳnh Văn Sen (nông dân ấp Rò Leng, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) nhận định về mô hình nuôi ba ba giống đang được ông áp dụng thời gian qua.
Nghề nuôi ba ba ở xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) được hình thành cách đây khoảng 20 năm. Trước đây, trên địa bàn xã có nhiều nông dân tham gia mô hình nuôi ba ba này. Tuy nhiên, sau nhiều vụ làm ăn không hiệu quả, việc chăn nuôi không mang lại lợi nhuận nên nông dân chuyển sang mô hình sản xuất khác.
Hiện nay, tại ấp Rò Leng, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) chỉ còn hộ ông Huỳnh Văn Sen còn gắn bó với mô hình nuôi ba ba này.
Hơn 20 năm gắn bó với mô hình nuôi ba ba, ông Sen cho biết, đây là loài động vật dễ nuôi, ít bị bệnh và có thể tận dụng được lao động nông nhàn.
Tuy nhiên, để thành công với mô hình nuôi ba ba, đòi hỏi nông dân phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo năng suất, hạn chế thất thoát trong quá trình chăn nuôi. Đồng thời, phải không ngừng học tập kinh nghiệm nuôi ba ba, áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật mới cho hiệu quả kinh tế cao.
Để nuôi ba ba, bể nuôi phải đảm bảo kiên cố, vách tường cao, vững chắc để hạn chế ba ba bò ra ngoài. Bể nuôi ba ba có diện tích 18m2, nuôi khoảng 50 con ba ba bố mẹ.
Mực nước trong bể nuôi ba ba được duy trì khoảng 30cm, phía dưới đáy bể phủ 1 lớp đất bùn hay cát để tránh trầy xước phần bụng. Trong bể, cần đặt tàu dừa hay vỉ bằng cây để loài ba ba có chỗ phơi nắng, nên hạn chế thay nước thường xuyên để tạo sự ổn định cho môi trường sinh sống của ba ba.
Thức ăn cho ba ba rất đa dạng và dễ tìm như: ốc, cá tạp băm. Tuy nhiên, khẩu phần ăn cần đảm bảo vừa phải, không nên cho ăn quá nhiều để tránh thức ăn dư thừa sẽ làm ô nhiễm môi trường nước, dễ phát sinh bệnh trên ba ba.
“Nuôi ba ba rất ít khi bị dịch bệnh, thường chỉ là bệnh nấm da, rất dễ chữa trị. Tuy nhiên, cần phải thường xuyên theo dõi tình trạng thức ăn, môi trường cũng như tình trạng sức khỏe để có sự điều chỉnh hợp lý” - ông Sen thông tin thêm.
Ba ba sau thời gian nuôi khoảng 15-16 tháng là có thể sinh sản. Để đảm bảo chất lượng con giống, ông Sen lựa chọn con ba ba bố mẹ ở những cơ sở uy tín, đồng thời lựa chọn con không cùng huyết thống để tránh giao phối cận huyết, gây ảnh hưởng đến chất lượng con giống sau này.
Để tạo môi trường thuận lợi cho ba ba sinh sản, ông Sen xây một bãi trống nối liền với bể nuôi, phía trên có lợp máy tole, bên trong phủ 1 lớp cát dày.
“Ba ba đẻ quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm từ tháng 4-5 âm lịch, khi mùa mưa bắt đầu là ba ba đẻ nhiều nhất, tháng 10-11 bắt đầu ngơi đẻ. Để đạt tỷ lệ cao nên chọn ba ba bố mẹ đồng đều, khỏe mạnh, không bị trầy xước hay dị tật” - ông Sen chia sẻ.
Theo ông Sen, ba ba thường đẻ trứng vào ban đêm, dùng chân bới cát tạo thành hố sâu để làm ổ đẻ. Mỗi lần ba ba đẻ từ 7-20 trứng (tùy thời điểm). Sau khi đẻ, trứng ba ba phải được di chuyển đến chỗ khác và lấp cát phủ kín để ấp. Cứ khoảng 3 ngày, ông Sen thu hoạch trứng ba ba 1 đợt, số lượng khoảng 100 trứng.
Trứng ba ba được ấp khoảng 2 tháng sẽ nở. Con ba ba mới nở được để ở bên ngoài, sau thời gian 3 ngày sẽ tiến hành đưa ba ba trở lại bể nuôi.
Hiện nay, nhu cầu về ba ba thịt thương phẩm khá lớn, nghề nuôi ba ba sinh sản cũng phát triển theo. Theo ông Sen, ba ba giống đang được nông dân trong và ngoài huyện tìm mua nên luôn đảm bảo đầu ra.
“Ba ba giống được bán với giá 4.000-5.000 đồng/con. Bình quân mỗi năm, từ nguồn cung cấp ba ba giống đem lại nguồn thu nhập cho gia đình tôi khoảng 100 triệu đồng. Hiện nay, số lượng con giống ba ba không đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng” - ông Sen chia sẻ
Ngoài nuôi ba ba sinh sản, ông Huỳnh Văn Sen còn đang phát triển mô hình nuôi cua đinh, càng đước sinh sản để cung ứng con giống cho thị trường.
Theo ông Sen, cũng giống như ba ba, cua đinh và càng đước dễ nuôi, thức ăn dễ tìm kiếm ở địa phương. Hiện nay, ông Sen đang xây dựng thêm bể để cung cấp nhu cầu về con giống cho thị trường.