Cụ thể, theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, đến ngày 7/8, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore, của RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình 44,21 USD một thùng. Ngoài ra, giá xăng RON 95 là 45,44 USD một thùng, giảm khoảng 1-2% so với kỳ điều hành trước.
Theo đó, giá xăng trên thế giới thời gian qua không biến động nhiều, có ngày đi ngang nên nếu không trích thêm quỹ bình ổn. Do vậy, trong kỳ điều chỉnh ngày mai, nếu nhà quản lý sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng sẽ được giữ nguyên. Nếu quỹ bình ổn không được sử dụng giá xăng có thể giảm khoảng 100 đồng/lít.
Trước đó, tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 28/7, trừ xăng RON 95, mỗi lít xăng E5 RON 92 và các mặt hàng dầu đều tăng nhẹ 150-280 đồng. Sau điều chỉnh, E5 RON 92 lên mức tối đa 14.409 đồng, dầu hỏa không cao hơn 10.279 đồng mỗi lít; dầu diesel tối đa 12.397 đồng và madut là 11.183 đồng một kg.
Cùng với việc tăng giá, cơ quan quản lý chi Quỹ bình ổn với E5 RON 92 về 900 đồng một lít, giảm 61 đồng so với kỳ điều hành ngày 13/7. Chi quỹ với RON 95 giảm 47 đồng, về 479 đồng một lít. Với các mặt hàng dầu, mức chi Quỹ bình ổn ở kỳ này tăng 12-154 đồng mỗi lít, kg, riêng dầu madut ngừng chi sử dụng quỹ.
Về diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, trong phiên giao dịch sáng nay (11/8 theo giờ Việt Nam), giá dầu thô có xu hướng tăng nhờ sự lạc quan về kích thích kinh tế của Hoa Kỳ. Sự lạc quan này đến từ việc các trường hợp nhiễm Covid-19 đã có dấu hiệu giảm và có thể thúc đẩy tiêu dùng.
Cụ thể, dầu thô WTI tăng 0,13 USD/thùng tương ứng 0,31% lên mức 42,07 USD/thùng; Dầu Brent tăng 0,03 USD/thùng tương ứng 0,07% lên mức 45,02 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu thô tăng liên tiếp 2 phiên đầu tuần, đưa mức giao dịch lên mốc tăng trưởng cao nhất trong tuần khi tăng hơn 1,8% vào phiên hôm qua và tiếp tục tăng cao hơn 0,3% vào đầu phiên hôm nay.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết, trong một số lĩnh vực, Hoa Kỳ sẽ có thể thỏa thuận về một dự luật viện trợ lớn và một số "thỏa thuận công bằng" cũng có thể được đưa ra cho một số vấn đề khác.
Trong khi đó, sự phục hồi ở Mỹ đang có một số động lực như: Các trường hợp nhiễm Covid-19 mới đã giảm tốc nhiều nhất từ trước đến nay và đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch.
Hơn nữa, quan điểm lạc quan của Saudi Aramco về triển vọng phục hồi thị trường khi tuyên bố nhu cầu dầu thô của châu Á gần như trở lại mức bình thường trước đại dịch cũng đã góp phần thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực để bứt phá, dầu thô cũng đang bị đè nặng bởi sự nghi ngờ nền kinh tế phục hồi không bền vững khi dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế.