Dân Việt

Điện một giá: Người giàu cũng "kêu trời" vì lo hoá đơn tiền điện tăng vọt

Thanh Phong 12/08/2020 09:00 GMT+7
Trước đề xuất về cách tính điện một giá tương đương 2.704 - 2.890 đồng/kWh, nhiều người dân bày tỏ lo lắng có thể phải trả số tiền điện nhiều hơn hiện tại. Thậm chí, cả người có thu nhập cao cũng "kêu trời" vì hoá đơn tiền điện có thể tăng vọt vào những ngày nắng nóng khi chọn phương án điện một giá.

Cụ thể, theo dự thảo Quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất cách tính điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân.

Theo số liệu từ phía Bộ Công Thương, hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.864,44 đồng một kWh. Như vậy, điện một giá tương đương 2.704 - 2.890 đồng mỗi kWh, chưa gồm 10% thuế VAT.

Khách hàng dùng điện có thể chọn giữa phương án một giá điện và 5 bậc thang, thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá (hoặc ngược lại) là một năm (12 kỳ hóa đơn thanh toán).

Ngay lập tức, đề xuất này nhận được nhiều phản hồi từ phía người dân, đối với những người thu nhập thấp, phương án điện bậc thang vẫn được ủng hộ. Theo anh Nguyễn Văn Long (Mỹ Đình, Hà Nội) đánh giá, với cách tính tiền điện giảm từ 6 bậc xuống còn 5 bậc số hộ dùng điện năng dưới 400 số sẽ phải nộp ít tiền hơn.

Đề xuất tính điện một giá, người giàu, nghèo đều lo ngại - Ảnh 1.

Cách tính điện một giá nhiều khả năng chỉ có lợi cho người dùng vào các tháng mùa Hè nắng nóng.

"Do điều kiện 2 vợ chồng thu nhập thấp, khoảng 15 triệu/tháng nên chúng tôi sử dụng điện rất hạn chế. Không tính những tháng hè cao điểm, trung bình chúng tôi sử dụng khoảng hơn 200 kWh, xấp xỉ 300.000 đồng/tháng, với cách tính 6 bậc như cũ. Nếu áp dụng cách tính bình quân một giá là 2.704 đồng/kWh thì với mức sử dụng như chúng tôi sẽ phải trả thêm tới khoảng 200.000 đồng/tháng.

Theo tôi, cách tính điện một giá chỉ phù hợp với nhóm người có điều kiện kinh tế, thường xuyên sử dụng điện năng trên 700 kWh/tháng. Nếu tính theo phương thức bậc thang như cũ sẽ phải chi trả trên 5.000 đồng/kWh, nếu như chọn cách tính một giá họ sẽ chỉ phải chi trả với mức giá 2.890 đồng/kWh", anh Long cho hay.

Không chỉ những người thu nhập thấp như anh Long lo ngại, ngay cả những gia đình có điều kiện cũng bày tỏ quan điểm trái chiều với cách tính điện một giá.

Theo chị Nguyễn Hương Trà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đánh giá, cách tính biểu giá điện lũy tiến có thể khiến giá điện tăng vọt nhưng chỉ tập trung vào những tháng cao điểm nắng nóng. Trong khi đó, với cách tính điện một giá lại khiến người dùng lúc nào cũng phải trả giá cao hơn.

"Do có con nhỏ nên gia đình tôi thường xuyên sử dụng điều hòa, các thiết bị điện như máy giặt, bình nóng lạnh,… Tuy nhiên, thời gian sử dụng điện lớn nhất vẫn tập trung vào mùa hè nắng nóng. Mùa hè ở miền Bắc đặc biệt nóng gay gắt, nhưng thời gian cũng chỉ có vài tháng.

Nếu sử dụng điện một giá vào thời gian này, thì tôi rất ủng hộ, nhưng thời gian tối thiểu thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá là một năm. Như vậy, nếu chọn cách tính điện một giá sẽ có rất nhiều thời gian, chúng tôi sử dụng rất ít điện mà phải trả với mức cao hơn trước", chị Trà băn khoăn.

Ông Bùi Xuân Hồi (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nhận định, sự lo lắng của người dân về cách tính điện một giá là có cơ sở. Cụ thể, theo tính toán của ông Hồi với việc áp dụng điện một giá, khoảng 70% số hộ dùng điện sẽ phải trả chi phí cao hơn nếu chọn phương án này.

"Phương án đồng giá điện có ưu điểm về cách thức tính toán, nhưng nhược điểm trong thực thi khi người nghèo lại "bù chéo" cho người giàu. Thực tế biểu giá điện lũy tiến theo bậc thang không lỗi thời và người dùng ít điện sẽ được lợi về giá", ông Hồi đánh giá.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết thêm nếu duy trì phương án điện một giá có thể khiến những người dùng nhiều điện lựa chọn, không đảm bảo mục tiêu tiết kiệm điện.

Do đó, ông Ngãi đề nghị với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh như hiện nay thì điện một giá phải ở mức trên 2.000 - 2.200 đồng/kWh để khuyến khích tiêu dùng điện hợp lý, ngành điện có nguồn cho tái đầu tư.