Dân Việt

Tiền lương tăng ca có tính thuế thu nhập cá nhân không?

Hạ Anh 13/08/2020 15:28 GMT+7
Khi người lao động làm thêm giờ (tăng ca) sẽ nhận được một khoản tiền làm thêm giờ tương ứng với thời gian làm việc. Khoản tiền lương tăng ca có tính đóng Bảo hiểm xã hội và tính thuế thu nhập doanh nghiệp hay không?

Bảo hiểm xã hội

Khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:

Từ ngày 1 tháng 1 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Như vậy, kể từ ngày 1/1/2018, các khoản thu nhập của người lao động tính đóng BHXH bắt buộc bao gồm:

Tiền lương.

Phụ cấp (phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự).

Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong trường hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Tiền lương tăng ca có tính đóng BHXH và tính thuế TNCN không? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.IT

Bên cạnh đó, tại Điều 21 Nghị định 05/2015/NĐ-CP về tiền lương có quy định:

Tiền lương theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 90 của Bộ luật Lao động được quy định như sau: Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định.

Nó bao gồm, mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Ngoài ra, Khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH quy định về tiền lương và các chế độ, phúc lợi khác ghi trong hợp đồng lao động.

Cụ thể:

Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Theo đó, đối với tiền làm thêm giờ, tiền tăng ca không được xác định được mức tiền cụ thể vì trên thực tế người lao động làm nhiều thì được hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không phải khoản trả thường xuyên nên sẽ thuộc Điểm b Khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Như vậy, tiền làm thêm giờ, tăng ca là các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động, cho nên sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC về các khoản thu nhập được miễn thuế, thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.

Cụ thể, phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.

Căn cứ vào quy định trên, khi người lao động làm thêm giờ vào ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, làm thêm giờ vào ban đêm, được trả mức lương cao hơn so với tiền lương làm việc vào giờ làm việc bình thường, thì phần thu nhập trả cao hơn sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.