Sáng 12/8, bệnh nhân 445 mắc Covid-19 được Bệnh viện Phổi Đà Nẵng công bố khỏi bệnh sau 4 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Như vậy, tính từ ngày 24/7 đến sáng nay (12/8), trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã có tổng cộng 5 ca mắc Covid-19 được chữa khỏi.
Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy, người được giao nhiệm vụ thiết lập, chịu trách nhiệm chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Đà Nẵng cho biết, hiện nay, khu chăm sóc tích cực (ICU) tại Bệnh viện Phổi đang điều trị cho 14 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, trong đó có 2 bệnh nhân phải chạy ECMO (Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể); 4 bệnh nhân lọc máu và 8 bệnh nhân còn lại phải thở oxy.
Nhận định về các ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, nhìn chung các bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại Đà Nẵng đều có bệnh nền (suy tim, suy thận mạn, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim…) và đa số là người lớn tuổi (đa phần là trên 60 tuổi), nên gặp nhều khó khăn trong việc điều trị.
"Mặc dù, ngành Y tế đã xây dựng hệ thống ICU tương đối hoàn chỉnh từ máy móc đến trang thiết bị, cũng như sự chuẩn bị ngay từ đầu của Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Đà Nẵng, các y bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi…, nhưng do bản thân bệnh nền của những bệnh nhân này đã có tỷ lệ tử vong rất cao nên khi nhiễm SARS-CoV-2, kèm thêm tổn thương phổi, bệnh lý trở nên nặng hơn, gây nhiều khó khăn cho các y bác sĩ trong việc chữa trị. Nhiều bệnh nhân có nguy cơ tiên lượng tử vong cao", bác sĩ Trần Thanh Linh thông tin.
"Người hùng" của bệnh nhân 91 người Anh còn cho biết so với đợt trước, tình hình dịch hiện tại phức tạp hơn rất nhiều.
"Trước đây, những bệnh nhân mắc Covid-19 đa phần là mắc bệnh ở cộng đồng, không có bệnh lý mãn tính và bệnh nhân còn trẻ, sức đề kháng tốt, do đó khi nhiễm virus SARS-CoV-2, cơ hội tự hồi phục rất cao. Nhiều bệnh nhân thậm chí không có triệu chứng. Còn lần này, F0 dù chưa xác định được, tuy nhiên có thể thấy xuất phát từ môi trường bệnh viện nên bệnh nhân đa số đã có nhiều bệnh mạn tính cộng thêm mắc Covid-19, nên hầu hết các ca bệnh đều rất nặng. Chính vì vậy đã có nhiều bệnh nhân tử vong trong thời gian qua", bác sĩ Trần Thanh Linh nói.
"Nhiều người hỏi tại sao bệnh nhân 91 người Anh bệnh nặng như vậy mà mình có thể điều trị thành công. Thật ra bệnh nhân 91 tuổi còn trẻ (43 tuổi) và chỉ béo phì, không có bệnh mạn tính, các chức năng gan, thận hay các hệ thống cơ quan khác rất khỏe mạnh. Trong quá trình nằm viện, bệnh nhân xuất hiện nhiều đợt nhiễm trùng, chúng tôi lập tức kiểm soát được. Còn các bệnh nhân hiện tại có bệnh nền rất phức tạp, nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn so với trước đây", Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy lý giải.
Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, đến thời điểm hiện tại, các cơ chế bệnh sinh, nghiên cứu trên thế giới về virus SARS-CoV-2 đã khá rõ ràng. So với lần điều trị các ca mắc Covid-19 trước, hiện nay, Bộ Y tế, cũng như Tiểu ban điều trị phải thường xuyên cập nhật phác đồ điều trị cho các ca nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt là những ca nặng.
"Dưới sự chỉ huy của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các ê kíp của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur… đều tập trung những lực lượng tinh nhuệ. Họ đã có những kinh nghiệm trong việc điều trị các trường hợp Covid-19 nặng, từ đó sẽ giúp cho đội ngũ y bác sĩ có nhiều hướng, phương pháp xử lý, điều trị cụ thể hơn trong thời gian tới", bác sĩ Trần Thanh Linh nhận định.