Tầm nhìn xa
Vào năm 2017 dự án xây dựng cầu Cát Lái (nối Đồng Nai và TP.HCM) để thay thế cho phà Cát Lái được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Đến tháng 8/2019, Thủ tướng cũng đã quyết định giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh này.
Mục đích xây dựng cầu Cát Lái là để tạo điều kiện cho người dân được đi lại, giao thông, giao thương thuận lợi hơn. Bởi theo thống kê thì số lượng người dân có nhu cầu đi lại bằng phà Cát Lái giao động từ 50.000 - 100.000 lượt/ngày (tùy vào cao điểm và thấp điểm).
Do đó rất nhiều năm qua người dân hai bên sông đều ước muốn có được một cây cầu “nối bờ vui” để đi lại thuận lợi hơn. Nhầm kết nối hai địa phương với nhau tạo điều kiện ổn định đời sống người dân lẫn phát triển kinh tế.
Theo đó, dự kiến cầu Cát Lái và các hạng mục liên quan sẽ được khởi công trong năm 2020 có chiều dài 3.782m, phần cầu chính dài 650m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp (tổng mức đầu tư 7.200 tỷ đồng).
Khi đi vào hoạt động, cầu Cát Lái sẽ kết nối hệ thống giao thông TPHCM - Đồng Nai - Vũng Tàu, giúp cho giao thông sẽ được thông suốt, thuận lợi.
Trước những động thái mà Đồng Nai đang thực hiện liên quan đến dự án xây dựng cầu Cát Lái thì người dân tỏ ra phấn khởi, an tâm vì nay mai cây cầu này và các hạng mục liên quan sẽ được “khởi động”.
Đến nay việc “khởi động” dự án xây dựng cầu Cát Lái là điều trong tầm tay và đây là thông tin được người dân TP.HCM và Đồng Nai rất mong đợi.
Vẫn đợi chờ
Tuy nhiên từ đầu tháng 8 đến nay trên một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội và cả một số tờ báo đã rộ lên thông tin là lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai thông tin là tiến độ triển khai xây dựng cầu Cát Lái đang bị chậm so với kế hoạch vì nhà đầu tư đã rút khỏi dự án.
Thông tin này nêu rõ theo dự kiến thì phần chính của cầu Cát Lái sẽ được triển khai xây dựng sau năm 2025. Riêng giai đoạn 2020 - 2025 là tập trung làm tuyến đường dẫn của dự án.
Tuy nhiên để cầu Cát Lái phục vụ được đủ nhu cầu giao thông, giao thương,… thì theo nghiên cứu cầu này phải có độ tĩnh không là 55m. Do đó Sở Xây dựng Đồng Nai cũng đề xuất độ tĩnh không cầu Cát Lái phải 55m thì nhà đầu tư đã rút lui. Hiện Đồng Nai đang kêu gọi nhà đầu tư hợp tác làm cầu Cát Lái tuy nhiên tiến độ thực hiện cũng đang chậm.
Ngoài ra thông tin lan tràn cũng nói rằng có quá nhiều nhà đầu tư bất động sản đã săn đón, triển khai mua đất ở nhiều vị trí vì thông tin xây dựng khu đô thị ở xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) để đón cầu Cát Lái sau khi hoàn thành.
Nhưng khi nghiên cứu cây cầu độ tĩnh không 55m cộng với đường dẫn thì cầu Cát Lái sẽ xuống xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) chứ không phải ở xã Phú Hữu. Lúc này xã Phú Hữu sẽ nằm dưới gầm cầu nên không thể làm đô thị như thông tin đang lan truyền.
Trước thông tin này, khoảng 1 tuần trở lại đây người dân Nhơn Trạch cũng như người đầu tư bất động sản tại Nhơn Trạch tỏ ra khá hoang mang lo lắng. Do đó để nắm bắt thông tin, xác thực sự việc này ra sao thì lãnh đạo sở ngành tại Đồng Nai đã lên tiếng về sự việc này.
Theo đó Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho hay thông tin chủ đầu tư rút lui khỏi dự án xây dựng cầu Cát Lái vì độ tĩnh không 55m là không chính xác. Bởi vì trên thực tế thì hiện nay phía TP.HCM vẫn chưa thống nhất được việc xây dựng đường dẫn cầu ra sao cho phù hợp. Vì vậy chưa thể xác định nhà đầu tư trong việc xây dựng dự án cầu Cát Lái do đó thông tin nhà đầu tư rút lui là thiếu thực tế.
Chia sẻ với báo chí, ông Từ Nam Thành - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai - nói rằng: "Phía TP.HCM vẫn chưa thống nhất đường dẫn cầu. Vì vậy chưa thể xác định nhà đầu tư trong việc xây dựng dự án cầu Cát Lái.
Chúng tôi vẫn chưa có quyết định thống nhất thì làm gì có chuyện đã chọn nhà đầu tư mà để họ rút lui. Các nhà đầu tư chỉ mới gửi hồ sơ đề xuất và mong muốn tham gia vào dự án”.
Còn lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định là trong cuộc gặp với các doanh nghiệp thuộc CLB Bất động sản Việt Nam và CLB Bất động sản TP.HCM mới đây; đại diện Sở này có nói rằng Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đề xuất độ tĩnh không cầu Cát Lái phải 55 m. Và không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến nhà đầu tư hay các vấn đề bất động sản như một số trang tin đã đưa.
Chị Nguyễn Hoàng Như, Giám đốc một công ty bất động sản tại Nhơn Trạch, cho biết: “Nhơn Trạch là khu vực liên tục xảy ra sốt đất và ngưng sốt nên khiến cho nhiều nhà đầu tư bất động sản cảm thấy khá lo lắng. Có những người trúng lớn nhờ đất, có người lại ôm nợ vì đất.
Hơn chục năm qua, mỗi dự án xây cầu Cát Lái đã làm biết bao người đầu tư, chi tiền quá lớn vào Nhơn Trạch, nhưng đến bây giờ dự án xây dựng cầu vẫn chưa được thực hiện. Thời điểm này ai có vốn sẵn để chờ, thì khá an tâm. Ai vay mượn ngân hàng để đầu tư thì đang gánh nợ; vì đất đang đứng, người đầu tư cũng điêu đứng”.