Ông Lâm Hoàng Quốc Khôi, chuyên gia thị trường của Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam đưa ra đánh giá như vậy xung quanh những đề nghị mới đây từ phía Ấn Độ liên quan việc nhập khẩu tiêu đen nhẹ của Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, hội người trồng tiêu tại các bang phía Nam Ấn Độ đã đề nghị lên Hiệp hội Gia vị Ấn Độ nhanh chóng điều tra xem liệu "hạt tiêu đen nhẹ" – light black pepper (mã HS 09041120) của Việt Nam có đáp ứng hàm lượng piperine tối thiểu 6% hay không.
Nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân Ấn Độ, từ năm 2018, việc nhập khẩu hạt tiêu Việt Nam có hàm lượng piperine dưới 6% sẽ không được cho phép.
Hôm 11/8/2020, Bộ Công Thương Việt Nam cũng phát đi cảnh báo việc Ấn Độ có khả năng siết chặt tiêu chuẩn đối với hồ tiêu nhập khẩu, nhất là với tiêu Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Lâm Hoàng Quốc Khôi, đó chỉ mới là đề nghị của Hội nông dân trồng tiêu Ấn Độ chứ Chính phủ Ấn độ chưa có động thái nào.
Việc tiêu nhẹ có hàm lượng tinh dầu thơm (volatile oil) cao nhưng tinh dầu cay (pepperine) thấp là chuyện đương nhiên. Lâu nay Ấn Độ vẫn nhập tiêu nhẹ về để chưng cất tinh dầu thơm.
Theo ông Khôi, nếu Chính phủ Ấn Độ cấm hoặc hạn chế thì chính ngành chưng cất tinh dầu thơm nước này sẽ thiệt hại và phản đối trước vì họ không có tiêu nhẹ để sản xuất.
Đồng thời, nếu chính phủ Ấn Độ cấm nhập tiêu nhẹ thì Sri Lanka cũng sẽ phản đối kịch liệt vì người dân Sri Lanka chuyên hái tiêu nhẹ bán qua Ấn Độ để chưng cất tinh dầu thơm.
"Xuất khẩu tiêu nhẹ của Việt Nam lâu nay vẫn lấy tiêu chết dây để xuất bán nên nếu có cấm thì cũng không gây ảnh hưởng nhiều", ông Khôi nói.
Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cũng đồng tình chia sẻ quan điểm này.
Hạt tiêu nhẹ là loại tiêu lép, tiêu non lúc chỉ mới có vỏ bên ngoài mà chưa hình thành hạt bên trong. Hơn 90% lượng tinh dầu thơm (volatile oil) là nằm ở vỏ tiêu.
Nói cho dễ hình dung, 100kg tiêu già (có hạt) có thể cho 3 lít tinh dầu thơm nhưng với tiêu lép (không hạt), 100 kg tiêu lép có thể cho vài chục lít tinh dầu.
Theo ông Bính, Ấn Độ là quốc gia hàng đầu thế giới sản xuất và xuất tinh dầu hồ tiêu. Việc Chính phủ Ấn Độ ra quyết định hạn chế hoặc cấm nhập khẩu tiêu nhẹ ít có khả năng xảy ra, và nếu có cũng không gây nhiều ảnh hưởng.
Những nội dung trên đây cũng được thể hiện khá cụ thể trong trong bài báo đăng trên trang The Hindu Business Line của Ấn Độ – nơi phát đi thông tin ban đầu về đề nghị kiểm tra hàm lượng pepperine trong hạt tiêu đen nhẹ Việt Nam.
Theo đó, do lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh đã khiến cho Hiệp hội nông dân trồng tiêu Ấn Độ lên tiếng phản đối.
Hồ tiêu của Sri Lanka có giá khoảng 300 Rupee/kg trong khi tiêu Việt Nam chỉ 175 Rupee/kg. Vì giá rẻ và chỉ bằng nửa giá tiêu của Sri Lanka, do đó tiêu nhẹ của Việt Nam được ưa chuộng cho công nghiệp chế biến dầu và oleoresins (nhựa dầu tiêu).
Trang The Hindu Business Line cũng dẫn lời ông Rajiv Palicha - Chủ tịch Diễn đàn các nhà xuất khẩu gia vị toàn Ấn Độ (AISEF) cho biết, ngành công nghiệp khai thác dầu tiêu của Ấn Độ đang dẫn đầu, chiếm gần 65% thị phần toàn cầu.
Theo ông ông Rajiv Palicha, với bất kỳ ai nói rằng Việt Nam không sản xuất hạt tiêu đen với 6% peperine là hoàn toàn thiếu hiểu biết.
Sri Lanka, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ sản xuất nhiều loại tiêu với hàm lượng piperine dao động từ 4-10%. Điều quan trọng là phải biết khi nào nên mua và mua từ đâu.
Với những giải thích như trên, ông Bính đánh giá động thái của Hội nông dân Ấn Độ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu tiêu đen nhẹ của Việt Nam vào nước này.