Nhiều thách thức với doanh nghiệp Việt
Cam kết SHTT trong EVFTA được quy định ở chương 12 của Hiệp định với 63 điều và hai phụ lục với mục tiêu bảo hộ đầy đủ và hiệu quả quyền sở SHTT.
Việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT phải đóng góp vào việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển giao và phổ biến công nghệ, vì lợi ích chung của các nhà sản xuất và người sử dụng kiến thức công nghệ, theo cách thức có lợi cho phúc lợi xã hội và kinh tế, vì sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, nhìn chung, đa số các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu là phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, Hiệp định cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, trong đó có thể kể đến như bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU với mức độ bảo hộ cao như mức độ mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh; hay việc gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng 2 năm, kể từ khi hiệp định này có hiệu lực…
Ngoài ra, nhiều quy định, khái niệm pháp luật có trong EVFTA chỉ sử dụng ở các nước châu Âu, còn tại Việt Nam lại chưa dùng đến bao giờ. Chẳng hạn, trong EVFTA có quy định về các căn cứ yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu của Việt Nam nếu nhãn hiệu đó chưa được "sử dụng thật sự". Tuy nhiên, khái niệm "sử dụng thật sự" chưa tồn tại ở nước ta khiến công tác thực thi bảo hộ SHTT trong tương lai sẽ gặp trở ngại.
Hơn nữa, quy định về SHTT còn rất nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt, như sản phẩm mang nhãn hiệu, sáng chế công nghiệp đến từ Việt Nam cần tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền tại EU với mức chi phí khá cao và thủ tục đăng ký phức tạp.
Cũng theo ông Đinh Hữu Phí, các cam kết về sở hữu trí tuệ cũng mang lại những thách thức nhất định cho tổ chức, cá nhân của Việt Nam: việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn (hay nói cách khác chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ hà khắc hơn) có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ như kiểm soát tại biên giới), đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Lơ là các quy định về SHTT có thể thua ngay trên sân nhà
Theo đánh giá của các chuyên gia, với mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi luật trong nước. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhận thức chung về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn thấp trong khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ rất quan trọng.
Trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu; từ đó giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao.
Để tháo gỡ những thách thức đó, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, hiện đơn vị này đang phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài Bộ KH&CN rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, cụ thể là xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Thực hiện Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện EVFTA, Cục Sở hữu trí tuệ đang phối hợp xây dựng để trình Bộ trưởng ban hành Kế hoạch của Bộ KH&CN triển khai nội dung sở hữu trí tuệ trong EVFTA.
"Bên cạnh đó, ngay từ khi Hiệp định được ký kết, Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ động đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA thông qua các hoạt động như: tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm cũng như triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá khác về các cam kết liên quan đến sở hữu trí tuệ trong EVFTA cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước", ông Phí nói.
Được biết, từ nhiều năm nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với một số cơ quan, đặc biệt là các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các địa phương, qua đó góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại cho nông sản Việt Nam trên cả thị trường trong nước và ngoài nước.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020, năm vừa qua Chương trình đã hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý và công tác kiểm soát nguồn gốc, quản lý chất lượng và khai thác, phát triển quyền sở hữu trí tuệ sau khi được bảo hộ cho 20 sản phẩm chủ lực, đặc thù của các địa phương trong cả nước, trong đó có thể kể đến như cam Cao Phong; tôm sú Cà Mau; chuối ngự Đại Hoàng; dầu tràm Huế; gạo Điện Biên, gạo Séng Cù v.v..
"Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thị trường rộng lớn này, tận dụng cơ hội về mở cửa thị trường mà EVFTA mang lại, cần sự quan tâm sát sao hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương và nhất là của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động và tích cực hơn trong việc tìm hiểu quy định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU nhằm bảo đảm sản phẩm có thể vượt qua được những tiêu chuẩn đó để vào thị trường EU", ông Phí nhấn mạnh.
Hiệp định EVFTA chính thức đi vào thực thi, với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đã chuẩn bị sẵn sàng cho cơ hội lớn này bằng việc nhập khẩu máy móc thiết bị hiện đại, nguồn nguyên liệu đạt chuẩn… nhưng còn ít doanh nghiệp xúc tiến các giải pháp SHTT.
EVFTA là sân chơi lớn, rộng mở, nếu doanh nghiệp lơ là các quy định về SHTT, có thể sẽ bị thua ngay chính trên sân nhà.