Máy móc thay nhân lực
Hiện, ông Đức có 3 máy cày, 6 máy cấy mạ khay, 1 máy gặt; 2 giàn sấy lúa công suất 20 tấn/ngày và máy nghiền, trộn đất. Không những phục vụ 63 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) ruộng của gia đình (trong đó có 60 mẫu thuê), ông Đức còn làm dịch vụ cho bà con.
Tổng cộng vụ xuân cấy 800 - 900 mẫu, vụ mùa 400 mẫu. Mỗi máy gặt bình quân gặt được170 -180 mẫu/vụ.
"Với việc đầu tư cơ giới hóa đồng bộ cấy, cày, thu hoạch, sấy lúa, từ A đến Z, một năm 2 vụ, thu nhập bình quân đạt 1 tỷ đồng/năm. Song, việc tái đầu tư cho máy móc, trang thiết bị cũng phải nâng cao thường xuyên".
Ông Phạm Minh Đức
Ông Đức cho biết, cấy máy có nhiều ưu điểm hơn cấy tay: Giảm 15 - 20kg thóc/sào (máy cấy thưa); giảm sâu bệnh, hạ giá nhân công 50%. Song, cơ giới hóa đồng bộ phụ thuộc vào đồng đất. Máy cấy chỉ thích hợp chân ruộng cao; mặt khác, xử lý sâu bệnh cũng không hiệu quả. Do vậy, HTX chỉ nhận cấy thuê ở những ruộng cao.
Cũng như ông Đức, ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thắng (xã Đại Thắng) cho biết, HTX có 151 thành viên. Bắt tay vào cơ giới hóa nông nghiệp, HTX có những thuận lợi như: Được hỗ trợ một phần kinh phí mua máy nông nghiệp; có sự liên kết 4 nhà khi đưa cơ giới vào sản xuất.
Để thực hiện đề án cơ giới hóa nông nghiệp, ngay từ năm 2012, Phú Thắng đã thành lập 3 tổ dịch vụ: Tổ làm đất; tổ sản xuất giá thể, làm mạ khay; tổ máy gặt.
Tổ sản xuất giá thể, làm mạ khay: Có 10 máy cấy và 18.000 khay mạ, giàn gieo hạt liên hoàn 800 khay/giờ, xưởng sản xuất giá thể trên 600m2. Duy trì cấy máy cho bà con từ 30% diện tích trở lên/vụ; ngoài ra, còn làm dịch vụ cho các đơn vị bạn. Tổ máy gặt xây dựng mức giá phù hợp, vụ chiêm xuân 2020, trung bình 85.000 đồng/sào.
Về sản xuất giá thể gieo mạ khay, giá 200.000 đồng/sào cấy máy hoàn chỉnh. Riêng thóc giống 1kg/sào, giá tiền tùy loại giống. Về dịch vụ giá thể, HTX được đầu tư xưởng 600m2, hỗ trợ dây chuyền sản xuất, kỹ thuật sản xuất giá thể. HTX đã làm chủ công nghệ sản xuất giá thể, cung cấp ra thị trường trên 500 tấn/vụ.
Ưu điểm cấy mạ khay là giảm chi phí công lao động; mật độ cấy thưa, giảm sâu bệnh; lúa trổ tập trung, số nhánh hữu hiệu nhiều hơn, năng suất bằng hoặc cao hơn 5 - 10% so cấy tay. Cấy mạ khay 5.540.000 đồng/ha; cấy truyền thống 9.640.000 đồng/ha, giảm 4.100.000 đồng/ha.
Hỗ trợ của ngành chức năng
Được biết, Hà Nội đã ưu tiên số 1 cho đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa, trong đó, cơ giới hóa khâu gieo cấy được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, chi phí sản xuất giảm 2,5 - 3,5 triệu đồng/ha, năng suất tăng 10 - 15% so với cấy truyền thống; giúp giải phóng sức lao động. Song, thực tế, diện tích cấy máy toàn thành phố còn khá khiêm tốn, chỉ hơn 2%.
Riêng Phú Xuyên đạt gần 14%, và có một số mô hình mạ khay, cấy máy được nhiều địa phương trong và ngoài thành phố tới tham quan, học tập, ví như mô hình HTX Phú Thắng, xã Đại Thắng… Đặc biệt, huyện và các xã, HTX rất quan tâm và có nhiều chính sách khuyến khích, phát triển mô hình mạ khay, cấy máy như hỗ trợ kinh phí mua máy, diện tích cấy máy…
Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cho rằng: "Để mở rộng diện tích khâu gieo cấy, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ mỗi huyện, thị xã thành lập 1 - 2 trung tâm sản xuất mạ khay, đồng bộ ở tất cả các khâu. Đối với các địa phương, cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân thấy được hiệu quả việc cơ giới hóa khâu gieo cấy".
Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: "Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông cần tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu, hướng dẫn người sử dụng máy móc; sửa chữa máy, thiết bị nông nghiệp nói chung, máy cấy lúa, dây chuyền gieo mạ khay tự động nói riêng. Các huyện cần chỉ đạo các xã tạo điều kiện bố trí mặt bằng cho các HTX nông nghiệp phát triển mạ khay. Có cơ chế chính sách riêng của từng huyện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất mạ khay, để mở rộng diện tích lúa cấy máy".