Dân Việt

Mới hơn 1 tháng dịch Covid-19 trở lại, doanh nghiệp đã “ngấm đòn”

Thanh Phong 14/08/2020 14:29 GMT+7
Theo chia sẻ của đại diện một số doanh nghiệp (DN), dịch Covid – 19 quay trở lại với nhiều yếu tố khó lường, các kế hoạch kinh doanh, ứng phó với đại dịch gần như không thể triển khai.

Sau hơn 1 tháng, từ ngày 22/7/2020 số ca nhiễm Covid-19 mới đã tăng mạnh. Việt Nam đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 2. Sau 190 ngày có lây nhiễm Covid-19 không ghi nhận ca tử vong, hiện tại đã có hơn 20 chết vì dịch bệnh này. Đáng chú ý, theo nhận định của giới chuyên môn, chưa thể dự báo thời điểm làn sóng lây nhiễm Covid - 19 lần thứ 2 ở Việt Nam đạt đỉnh.

Dịch Covid-19 trở lại, một số ít DN sản xuất, kinh doanh khẩu trang, thiết bị y tế… có cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, đa phần các DN đều thấp thỏm chờ diễn biến kiểm soát dịch.

Anh Tuấn Anh, quản lý nhà hàng bia Hải Xồm ở đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) cho biết, với với đợt dịch lần 2, chỉ tiêu chỉ tiêu kinh doanh được hạ đến mức thấp nhất để duy trì thương hiệu. Tuy nhiên, việc lên kế hoạch ứng phó với đợt dịch lần này và chuẩn bị kịch bản phục hồi sau dịch là gần như không thể.

"Bán hàng online được nói đến như một tia sáng cho dịch vụ ăn uống, tuy nhiên, chúng tôi không thể áp dụng cách đó. Bắt buộc phải chờ đợi diễn biến và kết quả dập dịch", anh Tuấn Anh nói.

Mới hơn 1 tháng dịch Covid – 19 trở lại, doanh nghiệp đã “ngấm đòn” - Ảnh 1.

Diễn biến dịch Covid - 19 lần 2 phức tạp khiến các doanh nghiệp khó tính toán phương án ứng phó.

Về thị trường ô tô, tuy có rất nhiều chính sách ưu đãi nhằm kích cầu nhưng anh Mạnh, chủ một showroom ô tô tại Mỹ Đình vẫn bày tỏ sự lo lắng về doanh số ô tô thời gian tới. Nguyên nhân là do, dịch Covid – 19 lần 2 diễn biến phức tạp, ngoài ra, tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch) tới gần khiến nhu cầu mua ô tô giảm.

"Ngoài tác động từ dịch Covid-19 tháng 7 ngâu sẽ trùng với nửa cuối tháng 8 này. Theo thông lệ, tâm lý khách hàng sẽ rất e ngại khi mua xe thời gian này. Vì vậy, để kích thích sức mua không còn cách nào khác là hãng, đại lý phải giảm giá sâu, tăng cường khuyến mại. Tuy nhiên, với việc kinh tế bị ảnh hưởng từ đợt dịch lần trước, khả năng doanh số tăng là rất thấp", anh Mạnh chia sẻ.

Không chỉ những ngành, dịch vụ nói trên ảnh hưởng trực tiếp, khó thay đổi chiến lược kinh doanh mà những DN có đối tác tại những vùng dịch Đà Nẵng, Quảng Nam… cũng như ngồi trên đống lửa với hàng loạt đơn hàng bị hủy.

Chị Thúy, chủ xưởng mây tre đan ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đang phải loay hoay tìm thị trường mới khi số lượng đơn hàng bị hủy, hoãn lên tới 80% tại những điểm du lịch, nhất là tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Trước đó, đợt dịch đầu, doanh thu của xưởng đã giảm hơn 50%, số công nhân cũng phải cắt giảm từ 30 - 40% vì không đủ việc làm.

"Hàng đã chất đầy xưởng, nếu không tìm được đầu ra, không những DN tiếp tục chịu tổn thất nặng mà nhiều lao động lại rơi vào cảnh thất nghiệp", chị Thúy cho biết.

Mới hơn 1 tháng dịch Covid – 19 trở lại, doanh nghiệp đã “ngấm đòn” - Ảnh 2.

Hoạt động của các DN thuộc mọi ngành đều ít nhiều ảnh bởi đợt dịch Covid - 19 lần 2.

Nhận định về tình hình hiện tại, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa vào 3 lĩnh vực chính là xuất khẩu, FDI và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, hiện tất cả những lĩnh vực này đều bị tác động của dịch Covi-19 dẫn đến triển vọng kinh tế của chúng ta trong thời gian tới sẽ rất khó khăn.

Đối với thị trường trong nước, kích cầu nội địa vẫn chưa tăng lên, dư địa khó khăn từ thời điểm dịch cúm bùng phát đợt 1 còn kéo dài, người dân chưa hồi phục nguồn lực thì đợt dịch lần 2 lại xuất hiện, kéo theo những lo sợ về thu nhập giảm sút, giãn cách xã hội, mất việc làm, giảm thu nhập...

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trong thời điểm hiện tại, cả người dân và DN không nên quá cực đoan về tình hình sắp tới. Cần chủ động phòng, chống dịch, tập trung nguồn lực hỗ trợ cho Chính phủ trong cuộc chiến này, bởi đến thời điểm hiện tại, ít nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được diễn ra bình thường.

Ts, Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, với kinh nghiệm từ trận chiến chống dịch trong 6 tháng đầu năm, DN, người dân đã có sự chuẩn bị tốt hơn về các biện pháp chống dịch cũng như biện pháp duy trì sản xuất kinh doanh trọng điều kiện bình thường mới.