Dân Việt

Thanh Hóa: Vì sao nông dân trồng rau màu lại phải ngày đêm canh chừng tàu hút cát?

Hữu Dụng 17/08/2020 07:30 GMT+7
Tình trạng hút cát gần bờ làm sạt lở bờ sông Mã ở hai thôn Yên Tôn Hạ và Phù Lưu (xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) làm ảnh hưởng đến diện tích đất trồng rau màu của nông dân, khiến họ bức xúc, liên tục cầu cứu đến các cơ quan chức năng, nhưng chưa được giải quyết ổn thỏa.

Ngày đêm "canh" tàu hút cát

Thời gian vừa qua, người dân hai thôn Yên Tôn Hạ và Phù Lưu (xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) "kêu cứu" vì nhiều diện tích đất nông nghiệp dọc bờ sông Mã bị sạt lở nghiêm trọng.

Người dân xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) bức xúc vì sạt lở ở đất nông nghiệp do tàu hút cát gần bờ. 

Diện tích đất canh tác, rau màu của người dân dọc bờ sông Mã đang bị sạt lở mỗi ngày do tình trạng khai thác cát đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đất sản xuất của nhân dân nơi đây.

Theo phản ánh của gia đình anh Mai Văn Tuấn (thôn Yên Tôn Hạ, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) thời gian qua, tình trạng tàu khai thác cát hoạt động suốt ngày đêm đã gây sạt lở nhiều diện tích rau màu của gia đình anh ở ven sông Mã.

"Gia đình tôi đã đấu thầu lại gần 2ha đất cơ bản bãi bồi sông Mã để trồng mía và cỏ. Nhưng thời gian gần đây, lợi dụng việc thủy điện xả nước, nhiều tàu hút cát cả ngày cũng như đêm, liên tục chạy sát mép bờ sông rồi dựng vòi hút cát khiến diện tích đất nông nghiệp của gia đình bị sạt lở nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến cây trồng của gia đình tôi" - anh Tuấn nói.

Thanh Hóa: Người dân ngày đêm “canh” tàu cát hút cát để cứu hoa màu - Ảnh 2.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) bị sạt lở do tình trạng hút cát gần bờ. Ảnh chụp lúc 14 giờ, ngày 10/8/2020.

Anh Mai Văn Tuấn bức xúc cho biết thêm: "Hiện hơn 1km đất canh tác của gia đình tôi dọc bờ sông Mã bị sạt lở vào khoảng từ 7 - 10m, toàn bộ mía và cỏ cũng bị cuốn trôi xuống sông Mã. Hiện hôm nào cũng có từ 2 - 3 tàu thay nhau hút cát cả ngày lẫn đêm".

Cũng theo anh Tuấn, tình trạng các tàu thay nhau hút cát diễn ra rầm rộ từ đầu tháng đầu tháng 8 vừa qua. Các tàu hút cát này đều thuộc công ty cổ phần thương mại Đức Lộc, sau khi hút xong họ tập kết tại mỏ cát số 30.

Để ngăn chặn các tàu hút cát sát bờ sông làm sạt lở đất nông nghiệp và cuốn trôi hoa màu của gia đình, anh Tuấn và vợ phải liên tục thay nhau để xua đuổi các tàu hút cát nhưng không thể gác 24/24 được.

"Nhiều đêm tôi phải cùng vợ ra bãi để túc trực không cho tàu tiến sát bờ để hút cát. Có hôm các tàu tiến lại gần bờ hút cát, tôi phải dùng đá ném để xua đuổi nhưng chỉ được chốc lát thì các tàu quay lại hút tiếp. Để tránh tình trạng các tàu hút cát làm sạt lở đất và hoa màu của gia đình, tôi đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn ngang nhiên tái diễn"  - anh Tuấn cho biết thêm.

Tình trạng các tàu hút cát làm sạt lở đất nông nghiệp và hoa màu của người dân xã Vĩnh Yên không riêng gì gia đình anh Tuấn. Cùng chung tình cảnh trên gia đình bà Ngô Công Lương (người cùng thôn Yên Tôn Hạ, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) có gần 1ha đất trồng mía cũng trong tình trạng tương tự kể trên.

Thanh Hóa: Người dân ngày đêm “canh” tàu cát hút cát để cứu hoa màu - Ảnh 3.

Anh Mai Văn Tuấn (thôn Yên Tôn Hạ, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) búc xúc vì các tàu ở mỏ số 30 hút cát gần bờ làm đất nông nghiệp của gia đình bị sạt lở. Ảnh chụp lúc 14 giờ, ngày 10/8/2020.

Bà Ngô Công Lương than thở: "Gia đình tôi chỉ có nguồn thu chính từ trồng mía và cỏ ở bãi bồi sông Mã, nhưng từ khi cát giữa lòng sông ít dần, các tàu hút cát liên tục lợi dụng lúc nước cao tiến sát vào bờ sông để hút. Khiến tình trạng sạt lở đất nông nghiệp ở đây trở nên nghiêm trọng hơn. Tình trạng này chính quyền địa phương không giải quyết dứt điểm, thì chẳng mấy chốc nữa, người dân ở đây hết đất để canh tác".

Chính quyền có "buông lỏng"?

"Mỗi ngày tàu tiến sát, đưa vòi rồng vào sát bờ hút cát. Bờ bị hút rỗng chân, đất sạt lở ầm ầm xuống sông, trong nhà còn nghe rõ tiếng. Người dân ra đuổi thì bị những người trên tàu cát đe dọa. Khi báo cơ quan chức năng đến thì các tàu lại nhổ neo bỏ đi, không bắt được" - bà Ngô Công Lương nói.

Thanh Hóa: Người dân ngày đêm “canh” tàu cát hút cát để cứu hoa màu - Ảnh 4.

Tàu hút cát ở mỏ số 30 ngang nghiên tiến sát bờ sông Mã để hút cát. Ảnh chụp lúc 14 giờ, ngày 10/8/2020.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân Việt, vào lúc 14 giờ, ngày 10/8/2020, vào thời điểm này xuất hiện hai tàu đang tiến sát vào bờ để đạt ống hút cát, ở khu vực đất canh tác của gia đình anh Mai Văn Tuấn (thôn Yên Tôn Hạ, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Sau khi nhận thấy có người quay phim, chụp hình một tàu đã chạy đi nơi khác, chiếc tàu hút cát còn lại từ từ tiến ra xa bờ sông Mã để tiếp tục hút cát. Nơi hai tàu hút cát không hề thả phao, làm mốc giới định vị khu vực được phép hút cát theo quy định. 

Sau khi cùng người dân chứng kiến việc các tàu cát của công ty cổ phần thương mại Đức Lộc, tiến sát bờ sông Mã ở thôn Yên Tôn Hạ, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, làm sạt lở đất nông nghiệp của người dân trong thôn.

Phóng viên báo Dân Việt đã trao đổi tình trạng sạt lở trên với ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Nhưng theo ông Minh hiện không có chuyện tàu cát khai thác làm sạt lở đất nông ở thôn Yên Tôn Hạ, mà trước đây ở thôn Phù Lưu thì có tình trạng trên.

Thanh Hóa: Người dân ngày đêm “canh” tàu cát hút cát để cứu hoa màu - Ảnh 5.

Ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa).

Để chứng thực những phản ánh trên của người dân ở thôn Yên Tôn Hạ, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) là đúng. Phóng viên báo dân Việt đã đưa những hình ảnh, video ghi lại cảnh các tàu đang khai thác tại mỏ số 30 tiến sát vào bờ khai thác cát, làm sạt lở đất và hoa màu của người dân, thì ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) mới nhớ ra đã có phản ánh của gia đình anh Mai Văn Tuấn. Nhưng bận các công tác phòng chống dịch Covid-19 ở địa phương nên chưa giải quyết.

Theo ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) cho biết: "Hiện tại xã đã nắm được tình trạng này và đang giao cán bộ địa chính cùng lực lượng công an xã tiến hành rà soát kiểm tra lại. Trên địa bàn xã có mỏ cát số 30 của công ty cổ phần thương mại Đức Lộc được cấp phép khai thác. Tới đây, xã sẽ làm việc với người dân có đất thầu canh tác khu vực bãi bồi sông Mã và công ty Đức Lộc để có phương án xử lý".

Trước thực trạng sạt lở bờ sông Mã trên địa bàn xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, (Thanh Hóa) đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, thời gian tới nếu chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt, chỉ trong thời gian ngắn nữa đất canh tác của người dân sẽ mất trắng.