Những ngày tháng 8 khi Hà Nội bắt đầu vào thu thì có cốm sữa vỉa hè. Tuy nhiên ở các bản làng của Cao Bằng thời điểm này lại là mùa trám đen chín.
Trám đen Cao Bằng được trồng ở hầu hết các bản làng và khu vực vùng núi của người dân nơi đây. Đây là loài cây thân mộc, cao to khoảng 15-20m, quả hình thoi. Những quả trám thường chín và cho thu hoạch vào tháng 8 đến cuối tháng 9 âm lịch.
Chính bởi đang mùa trám nên chị Trần Mai, 31 tuổi ở Từ Liêm, Hà Nội tuần nào cũng rao bán trám trên facebook. Chị Mai kể rằng, quê ngoại chị ở Cao Bằng. Vì thế mùa trám đen chín, người nhà chị hái trám đen và gửi xuống Hà Nội để chị bán cho những khách có nhu cầu mua thứ quả núi rừng bình dị này.
"Trám nhà mình là trám nếp ăn rất thơm, bùi, ngậy và bở tơi. Đặc biệt vì là trám của nhà nên gom đơn xong trên mình mới chuyển xuống nên là những mẻ trám mới, không có hàng tồn", chị Mai nói.
Người phụ nữ này cũng chia sẻ, trám đen Cao Bằng nổi tiếng thơm ngon và làm được nhiều món ăn. Chẳng hạn như mua trám về, khách mua chỉ cần bỏ hạt và nấu xôi nếp nương với trám. Vị bùi của trám xen lẫn gạo nếp nương dẻo quẹo ăn rất đã miệng.
"Ngoài ra người mua có thể chế biến những món ăn khác nhau như: Trám đen xào thịt, canh trám nấu gà, trám đen kho thịt, cá, trám muối, trám dầm tương, trám đen nhồi thịt... ăn ngon và bùi lắm", chị Mai khẳng định.
Nếu muốn tích trữ trám ăn dần, khách mua có thể cho trám vào để ngăn đá: "Mua trám chín về, có thể lấy hạt rồi hút chân không cho trám và bỏ vào ngăn đá. Hoặc dùng dao nhỏ sắc khoanh tròn cắt đôi cùi trám tách vỏ, bỏ hạt. Sau đó, ngâm cùi trám trong dầu ăn để được khá lâu ăn dần".
Vì trám đen ngon hơn hẳn trám trắng nên 1kg trám đen Cao Bằng được chị Mai bán với giá 170 ngàn đồng/kg: "Trám có hai loại, trám trắng và trám đen. Nhìn bề ngoài hai giống trám này rất giống nhau vì thân cây đều vươn cao và thẳng, lớp vỏ ngoài đều màu trắng xám, gỗ xốp. Nhưng quả trám trắng khi chín chuyển từ màu xanh lá mạ sang màu vàng rơm và tự rụng. Còn trám đen màu xanh nhạt sẽ dần ngả sang màu tím rồi tím đen và không tự rụng mà phải trèo lên dùng sào đập rụng. Hơn nữa, những cây trám đen không sai quả như trám trắng, cây lại cao nên năng suất có sự chênh lệch rõ. Tuy nhiên do trám đen có mùi vị lạ bùi thơm ngon nên được nhiều người ưa thích hơn hẳn trám trắng".
Từng đến Cao Bằng vào giữa mùa trám, cô Phạm Thị Quý, 50 tuổi ở Nguyễn Quý Đức, Hà Nội được ăn nhiều món ăn của người dân tộc Tày chế biến từ trám như xôi trám, trám om cá, om tép, trám rang thịt, gỏi trám.
"Bản thân cô đã thích ăn trám rồi, mùa trám đều mua trám xanh về kho thịt, kho cá. Vậy mà lên Cao Bằng, cô được thưởng thức trám đen theo cách rất khác biệt. Đó là xôi trám có vị thơm dịu dàng không thể quên được. Cô vẫn nhớ như in mùi thơm của nếp nương hòa với mùi thơm ngai ngái bùi bùi, mằn mặn của quả trám rừng, ăn ngậy mà không ngấy", cô Quý nhớ mãi.
Từ đó trở đi, năm nào mùa trám đen Cao Bằng, cô Quý cũng gọi điện lên đặt mua: "Do quen chị bán hàng nên chị ấy lúc nào cũng chọn cho những quả trám nếp rất mềm và cùi không rắn… Khi trám mang về Hà Nội, cô rửa sạch rồi đem ngâm đun âm ỉ tầm 30 phút. Khi chín rồi tách hạt ra lấy cùi. Sau đó xào trám cho săn đến ra tinh dầu rồi đem trộn đều với xôi. Đây là cách làm xôi trám theo như chị người Tày mách. Khi chín, màu trám phai ra hồng nhạt cực ngon và bắt mắt".
Ngoài chế biến cùng với xôi, quả trám đen cô Quý còn đem kho thịt khiến bữa cơm gia đình cô cũng thêm lạ miệng, đậm đà hơn.
Do rất thích loại quả này nên năm nào mùa trám đen, nhà cô Quý đều mua cả 4-5kg. Tính ra cả gần triệu tiền trám để tủ lạnh ăn dần. Và để tiện lợi, mua xong, cô toàn nhờ người bán tách hạt luôn.