Xuất thân từ vùng quê nghèo thuộc xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà), anh Triệu Phúc Vầy, Giám đốc HTX quế hữu cơ Nậm Đét cho biết, từ 2015 đổ về trước, Nậm Đét là một xã nghèo, đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà, người dân sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Vầy nói tiếp, xã Nậm Đét được mệnh danh là vùng phát triển cây quế đầu tiên của huyện Bắc Hà, tuy nhiên việc phát triển vẫn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, việc phát triển khoa học kỹ thuật chưa được coi trọng, tỷ lệ chế biến thấp khiến sản phẩm quế chủ yếu chỉ được bán ở dạng vỏ tươi, giá trị không cao.
"Hạ tầng giao thông yếu kém, chủ yếu vận chuyển bằng sức người, sức gia súc nên quá trình thu hoạch quế gặp nhiều khó khăn, nhiều sản phẩm phụ từ cây quế như cành, lá, gỗ quế không thể vận chuyển ra khỏi nương để tiêu thụ, gây thất thoát và lãng phí lớn" - anh Vầy chia sẻ.
Để phát triển cây quế, mang lại nguồn thu cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Nậm Đét. Theo đó, huyện Bắc Hà đã đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông nông thôn, từ đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân đi lại thuận tiện, các hoạt động giao thương hàng hóa diễn ra sôi động.
"Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết với các doanh nghiệp, công ty để xuất khẩu quế ra các thị trường quốc tế" - anh Triệu Phúc Vầy, Giám đốc HTX quế hữu cơ Nậm Đét.
Tiếp đó, năm 2016, được sự hỗ trợ của Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai về hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc quế, sơ chế các sản phẩm từ quế. Cùng với đó là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được Hội Nông dân tỉnh Lào Cai phát động đã tạo động lực rất lớn để nông dân trong xã Nậm Đét phát triển cây quế, xác định đưa cây quế thành cây mũi nhọn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo anh Vầy, năm 2018, HTX quế hữu cơ Nậm Đét đã được thành lập, HTX đã xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu quế hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn và hợp tác với các công ty, doanh nghiệp để chế biến sản phẩm từ quế xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài với giá trị kinh tế cao.
Đến nay, HTX quế hữu cơ Nậm Đét có 6 thành viên tham gia. Bên cạnh việc sản xuất quế, HTX còn triển khai nhiều ngành nghề khác như buôn bán nông - lâm sản nguyên liệu, trồng cây gia vị, trồng và chăm sóc rừng.
Hiện, xã Nậm Đét đã xây dựng và vận hành 2 xưởng sơ chế quế, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của gần 50% sản lượng quế của xã, sản lượng vỏ quế tươi đạt gần 800 tấn/năm, trên 40 tấn tinh dầu và gần 500m3 gỗ quế.
"Quế sau khi sơ chế có giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với quế thô đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân", anh Vây nói và cho biết, riêng năm 2019 giá quế tươi tăng 27%, giá quế thô tăng 86,6% so với năm 2018.
Theo số liệu của UBND xã Nậm Đét, hiện tại, diện tích quế của xã đạt trên 1.800ha. Trong đó, khoảng 1.200ha đang cho thu hoạch, trên 500ha rừng quế được cấp chứng nhận quế hữu cơ.
"HTX đã xây dựng thành công chứng nhận Quế hữu cơ Quốc tế. Đây được xem là giấy thông hành để các sản phẩm quế Nậm Đét vươn xa, chinh phục các thị trường khó tính trong nước và quốc tế" - anh Vầy chia sẻ.
Hiện tại, sản phẩm quế của HTX quế hữu cơ Nậm Đét được xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, một số nước Trung Đông và các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản...
Không chỉ hướng dẫn, tìm đầu ra cho sản phẩm quế đối với các thành viên trong HTX, HTX quế hữu cơ Nậm Đét còn liên kết sản xuất với gần 100 hộ gia đình trong và ngoài xã. "Đây được coi là động lực để các hộ gia đình yên tâm trồng quế và bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu quế hữu cơ của địa phương".
Từ hiệu quả kinh tế cây quế mang lại, theo số liệu của UBND xã Nậm Đét, năm 2019, thu nhập từ cây quế đã mang lại cho người dân trên địa bàn xã trên 67 tỷ đồng.
Anh Vầy cũng tiết lộ, thu nhập từ trồng quế đã mang lại nguồn nhập thu ổn định cho gia đình anh. Sau khi đã trừ chi phí, mỗi năm anh Vầy có thu nhập 400 triệu đồng. "Gia đình tôi có 3 nhân khẩu, tính bình quân thu nhập của mỗi người là 11 triệu đồng/người/tháng" - anh Vầy nói.
"Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX quế hữu cơ Nậm Đét, HTX sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, vận động các hộ trồng quế tham gia gắn kết với HTX và thay đổi phương thức sản xuất; Tổ chức trồng, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo quy trình khép kín theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao" - anh Triệu Phúc Vầy, Giám đốc HTX quế hữu cơ Nậm Đét.