Mỗi năm ông thu lãi hơn 70 triệu đồng từ bán ché. Tuy số tiền thu từ chè không lớn, nhưng bước đầu đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông.
Ông Chu cho hay, khi tham gia lớp tập huấn, ông được giới thiệu về giá trị kinh tế lớn từ việc trồng chè, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây chè Shan Tuyết, cách bón phân, cách hái chè làm sao không bị dập nát... Nhờ đó, ông Chu đã thu được nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp tại quê nhà.
Sau đó, ông lên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) mua cây giống về trồng trên nương. Vườn chè được chăm sóc tốt, lại có khí hậu và đất đai thổ nhưỡng thích hợp nên phát triển xanh tốt. Khoảng 1 thời gian ngắn, cây chè Shan Tuyết đã cho thu hoạch, bước đầu đã mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình ông Chu.
Chia sẻ với phóng viên, ông Sùng A Chu nói: "Sau lớp tập huấn, tôi mạnh dạn đầu tư trồng chè trên diện tích 1.800m2. Nhờ cây chè, gia đình tôi đã thoát nghèo và ổn định hơn. So với trồng ngô, sắn, bí trước đây, tôi thấy cây chè mang lại nguồn thu nhập cao gấp 3 - 4 lần. Tôi cảm thấy rất may mắn vì đã được Hội Nông dân tạo điều kiện cho học nghề để phát triển kinh tế".
Để cây chè phát triển tốt, cho năng suất cao và sống được bằng nghề trồng chè, từ kiến thức thu nhận được ở lớp tập huấn, ông Chu luôn tập trung chăm sóc, đốn tỉa, trồng dặn và thu hái đúng cách, nên sản phẩm chè của gia đình ông luôn cho năng suất và chất lượng cao. Hàng năm cứ đến vụ thu hoạch, các thương lái và nhà máy chè đóng trên địa bàn xã Pà Cò đến thu mua, nên gia đình ông không lo sản phẩm ế ẩm và rớt giá.
"Sau nhiều năm trồng chè, tôi thấy rất nhàn, chi phí ít hơn trồng các loại cây công nghiệp khác mà tôi từng biết đến. Một năm tôi chỉ cần làm cỏ cho nương chè khoảng 2 lần, không phải chăm sóc tỉ mỉ như cây ngô, cây lúa... bởi cây chè ít bị dịch bệnh rất phù hợp với khí hậu ở đồi núi này" - ông Chu nói.
Mỗi năm gia đình ông Chu thu hoạch được 5 lứa chè tươi, mỗi lứa hơn 5 tấn cho thu lãi 15 triệu đồng. Tính ra mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 70 triệu đồng từ bán chè. Ông dự định thời gian tới sẽ phát quang diện tích nương rẫy đang bỏ hoang để mở rộng diện tích trồng chè Shan Tuyết.
Ông Sùng A Chênh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Châu cho biết: "Tại xã Pà Cò có đa số là người dân tộc Mông sinh sống, trước kia bà con chủ yếu trồng ngô, sắn, đời sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Nắm bắt được tình hình đó, chúng tôi luôn tuyên truyền đến người dân thay đổi tư duy trong làm nông nghiệp để nâng cao mức thu nhập cho bà con.
Cùng với đó, chúng tôi phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hòa Bình tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho hội viên trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó mà nhận thức của hội viên nông dân đã dần thay đổi, người dân ký hợp đồng liên kết sản xuất và bán sản phẩm cho các nhà máy... Các cây trồng mới, nhất là chè đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế ổn định và là hướng đi mới xóa nghèo cho người dân vùng cao".
Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo