Hội thảo quốc tế trực tuyến "Việt Nam – ASEAN: 25 năm qua và chặng đường phía trước" diễn ra ngày 19/8 tại Hà Nội có sự tham dự của các vị nguyên lãnh đạo cấp cao Chính phủ, các quan chức và chuyên gia của Việt Nam qua các thời kỳ, đại diện đại sứ quán các nước ASEAN và đối tác, đại diện các tổ chức khu vực, quốc tế tại Hà Nội, một số quan chức cao cấp và học giả từ Brunei, Indonesia, Lào, Singapore…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, khẳng định trong 25 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã chứng kiến những biến chuyển quan trọng của Hiệp hội từ một khởi đầu khiêm tốn, từng bước lớn mạnh, trở thành tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất, hạt nhân của đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, là đối tác quan trọng của nhiều cường quốc và trung tâm chính trị-kinh tế trên thế giới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong suốt chặng đường đó, Việt Nam luôn là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đóng góp hết mình vì sự phát triển của ASEAN, nhất là trong những thời khắc quan trọng, tạo ra những dấu mốc của ASEAN như hoàn tất ý tưởng ASEAN-10, thúc đẩy và cụ thể hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, xây dựng Hiến chương ASEAN, góp phần phát huy vai trò trung tâm và vị thế quốc tế của ASEAN.
"Sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau và lòng tin chiến lược ASEAN đã tạo dựng được những thập kỷ qua sẽ tiếp tục là nền tảng quan trọng để các nước thành viên tiếp tục thúc đẩy đối thoại, hợp tác cùng có lợi và xây dựng lòng tin thiết thực nhằm kiến tạo một môi trường hòa bình, thuận lợi cho tăng trưởng bền vững ở khu vực" – Phó Thủ tướng nói.
Trong phần tham luận, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định quyết định gia nhập ASEAN 25 năm trước đã đưa đến kết quả "cùng thắng" cho cả Việt Nam và ASEAN. Với ASEAN, đó là bước khởi đầu để quy tụ toàn bộ 10 nước Đông Nam Á, mở đường xóa bỏ nghị kỵ, đối đầu, chuyển sang hòa bình, hợp tác. Với Việt Nam, đây là nấc thang đầu tiên để Việt Nam "tập dượt" hội nhập với thế giới.
Các tham luận tại hội thảo chia sẻ đánh giá cho rằng ASEAN đã phát triển vượt bậc sau 53 năm thành lập, trở thành mái nhà chung của khoảng 650 triệu người dân, có một nền kinh tế năng động với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 3.200 tỉ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.800 tỉ USD. ASEAN đã đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực và góp phần duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Trong 25 năm qua, Việt Nam đã giữ vai trò nòng cốt trong ASEAN, với nhiều dấu ấn, nổi bật là hiện thực hóa ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á, tạo dựng văn hóa đối thoại và hợp tác trong khu vực, mở rộng sự tham gia của các đối tác bên ngoài vào xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Đồng thời, Việt Nam còn tham gia xây dựng, củng cố và phát triển các quy tắc ứng xử, quy định về hành vi của các nước khi tham gia hợp tác khu vực.
Nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội để ASEAN phát triển trong bối cảnh nhiều thách thức đa dạng nảy sinh như biến động địa-chiến lược, cạnh tranh nước lớn, khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải…và hiện nay là sự lan rộng của đại dịch COVID-19. Trước tình hình đó, ASEAN cần tận dụng những cơ hội thông qua xử lý các thách thức. Gắn kết trong hành động, chủ động trong tiếp cận, linh hoạt trong ứng xử là chìa khóa để ASEAN duy trì vai trò trung tâm, xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, phồn vinh.
Trong định hướng phát triển sắp tới, ASEAN cần thích ứng với sự thay đổi về sản xuất, thương mại và đầu tư cũng như sự chuyển dịch chuỗi cung ứng trước áp lực cạnh tranh nước lớn đặc biệt là cạnh tranh Mỹ – Trung. Để thực hiện được mục tiêu này, ASEAN cần hỗ trợ phát triển hợp tác trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, đẩy mạnh cung cấp bảo hiểm y tế toàn dân, cải thiện mạng lưới an ninh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quan tâm phục hồi kinh tế xanh…
Đồng thời, cần tiếp tục khẳng định sự độc lập trong cách tiếp cận, cân bằng trong quan hệ, hài hòa trong giải quyết các lợi ích đa dạng của các bên khi tham gia hợp tác khu vực. Đáng chú ý, một số đại biểu cũng cho rằng tạo ra một thị trường thống nhất dựa trên nền tảng sản xuất chung chính là công cụ phù hợp để ASEAN đón đầu, thích ứng, tận dụng những cơ hội mới do thay đổi môi trường khu vực.