Dân Việt

Tiêu thụ nông sản thời kỳ Covid-19: Cần gắn sản xuất với tìm kiếm thị trường

Hoàng Quý 20/08/2020 15:06 GMT+7
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều địa phương đã phối hợp với các doanh nghiệp, các ngành liên quan đưa ra nhiều giải pháp liên kết, thúc đẩy phát triển sản xuất, tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản.

Tiêu thụ nông sản thời kỳ Covid-19: Cần gắn sản xuất với tìm kiếm thị trường - Ảnh 1.

Vườn nhãn trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP tại xã Chiềng Khoong (Sông Mã).

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sụt giảm 4,1% trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực thúc đẩy tiêu thụ nông sản bền vững, tái cơ cấu lại sản xuất, tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất… đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông - lâm- thủy sản của nước ta đạt 42 tỷ USD tính đến tháng 7/2020, cao nhất từ trước đến nay.

Hòa chung vào niềm vui của người nông dân trên cả nước, những người trồng nhãn ở huyện Sông Mã (Sơn La) đang rất phấn khởi vì các sản phẩm quả nhãn đã có thị trường tiêu thụ. Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc, đại diện cho các HTX sản xuất nhãn ở Sông Mã (Sơn La) chia sẻ: "Trước khi bước vào niên vụ sản xuất, các HTX đều họp bàn, dự báo sản lượng, tiêu chuẩn hàng hóa đưa ra thị trường, thống nhất phương án liên kết. Đồng thời, chúng tôi cũng phát huy tốt vai trò cầu nối, hỗ trợ các HTX thành viên trong việc giao thương, tìm kiếm đối tác, hỗ trợ nhau tiêu thụ và trao đổi sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định".

Được biết, diện tích nhãn của Sơn La chiếm khoảng 17 nghìn ha, sản lượng ước đạt 70 nghìn tấn. Trong đó, riêng vùng trồng nhãn huyện Sông Mã đã có diện tích lớn nhất, với trên 7 nghìn ha, sản lượng đạt 38 nghìn tấn. Riêng chuỗi liên kết của HTX Hưng Lộc đã có thể tiêu thụ được 1/5 tổng sản lượng nhãn của huyện Sông Mã với giá khoảng 15 nghìn đồng/kg.

Cũng như Sơn La, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ với thị trường ổn định, giúp người nông dân hình thành các vùng chuyên canh, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN&PTNT Lai Châu cho biết: Không chỉ chủ động liên kết với các đối tác, đơn vị có liên quan, tỉnh Lai Châu còn thường xuyên cập nhật và cung cấp các thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh để có kế hoạch, phương án sản xuất phù hợp với tình hình thực tế; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GMP, HACCP nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn được chứng nhận, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.