Dân Việt

Kể chuyện làng: Ông Biền

Nhất Mạt Hương 22/08/2020 08:00 GMT+7
Ông Biền có vấn đề về thần kinh, người lúc nào cũng nhếch nhác, áo quần bẩn thỉu, lang thang khắp làng trên xóm dưới. Trẻ con trong làng sợ ông Biền hơn cả sợ ma.

Làng tôi có cái tên rất hay: Nguyệt Cầu, thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Tôi từng thấy bố tôi ghi vào cuốn sổ của ông cái địa chỉ đặc biệt như sau: Thôn Trăng Tròn, xã Ba Sông, huyện Im Gió.

Kể chuyện làng: Ông Biền - Ảnh 1.

Ngày bé, hàng ngày lũ trẻ chúng tôi chỉ đi học một buổi, buổi còn lại sẽ giúp bố mẹ (lúc mùa vụ) hoặc không thì tha hồ lang thang chơi ở làng trên, xóm dưới với đủ các trò. Khu dưới nhà bác Đen rậm rạp, mát mẻ vì được bao bọc bởi mấy cái ao và những bụi tre xanh tốt; hàng phần đen quả tím ăn hăng hăng, chát chát mà thú vị; xuyên qua Cống Nải là tới làng Vọng. Quanh chùa Vọng cũng đầy cây cối và những góc có thể chơi rất lâu. Hay khu đồng trước đình làng tôi, sân vật nối với những  ô ruộng nho nhỏ để tát ao, cấy rau… bắt chước người lớn. Đi hết làng Ngọt thì tới bến đò. Sát bến đò là cái quán nhỏ chênh vênh của một chú thọt chân. Thôn Đông, thôn Đoài thì xa hơn nên ít đến. Nhưng chỉ cần mấy khu ấy thôi đã kín đặc những chuỗi ngày tuổi thơ rong ruổi.

Kể chuyện làng: Ông Biền - Ảnh 2.

Đi chơi thì thích nhưng là lúc đông vui, còn những khi chỉ có một mình, tôi chả dám bén mảng đến đâu. Không hẳn là chán mà còn vì sợ. Sợ gì ư? Sợ gặp 2 nhân vật là… Biền và Chiến. 

Đó là 2 người đàn ông chắc cũng khá tuổi, nhưng chẳng ai bận tâm tuổi tác và cũng chẳng gọi kèm danh xưng bao giờ, nhắc đến chỉ mỗi cái tên. 

Chú Chiến chắc trẻ hơn nhưng thân hình gầy giơ xương, hai mắt trũng sâu và cánh tay thì khòng khòng trông rất hãi. Chú hay ngồi ở cổng nhà ngay rìa đường, chỉ ngồi không thôi thì những người nhát gan đi qua đã thấy sợ, nhất là trẻ con. Nhưng thỉnh thoảng hứng chí, chú lại khật khưỡng bước ra đường chòng ghẹo mọi người. Bài của chú là beo cho người ta phát khóc. Lũ trẻ chúng tôi khi đi qua nhà ông ấy luôn phải cùng người lớn hoặc lấy đà từ xa để chạy thật nhanh.

Ông Biền thì nhiều tuổi hơn, không bị dị tật và cũng không ngồi một chỗ. Nhưng ông có vấn đề về thần kinh. Người lúc nào cũng nhếch nhác, quần áo bẩn thỉu, râu, tóc lồm xồm và rớt dãi chảy liên tục. Ông lang thang khắp làng trên xóm dưới bất chấp sớm, trưa, tối hay nắng mưa, gió, bão… Giữa trưa nắng, đang đi đường mà bất thần thấy xuất hiện một dáng người lù lù, lếch thếch tiến tới thì trẻ con có mà khóc thét. Dù ông chỉ giương đôi mắt đờ dại lên không hiểu chuyện gì.

Vì thế, trẻ con trong làng lười ăn hay có điều gì làm phật ý bố mẹ là y như rằng bị dọa: Này, Biền đến này, cho ở với Biền nhé. Chỉ thế thôi mà hình ảnh đáng sợ kia đã xuất  hiện ngay trong đầu lũ trẻ khiến chúng thun thút thực thi các yêu cầu.  

Có lẽ, chúng tôi sợ ông Biền hơn cả sợ ma. Vì ma chưa từng bắt gặp, có chăng chỉ trong những câu chuyện kể của mấy bà, mấy cô trong xóm. Còn Biền thì chẳng ngày nào không thấp thoáng thấy đôi lần. Chiến thì biết rõ nhà cửa, địa điểm có thể tránh, Biền thì biết đường nào mà tránh.

Thi thoảng, mấy đứa trẻ ngồi tụ tập lại thắc mắc, Biền có nhà không nhỉ? Có người thân không? Tối ngủ đâu? Sao hôm nào cũng  thấy lang thang từ sáng sớm đến tối mịt? Ăn uống thì, đi đường cứ gặp gì ăn nấy, cái gì cũng nhặt cho lên mồm. Thế mà không đau bụng nhỉ, có đứa tự hỏi. Và đám cỗ nhà nào cũng thấy Biền xuất hiện. Gia chủ sẽ chuẩn bị mấy bát, đĩa đồ ăn mang ra góc cổng. Biền ngồi bốc ngon lành, thức ăn rơi lả tả. Xung quanh, lũ trẻ chúng tôi quây vòng trong, vòng ngoài như xem màn biểu diễn nào đó. Nếu chẳng may đứa nào bị đùn đẩy mạnh quá ngã xoài ra ngay cạnh "nhân vật chính" thì cuống quýt bò dậy thật nhanh, cứ như sợ nhân vật kia sẽ vồ lấy nó mà ăn tươi, nuốt sống vậy. Nhân vật đang ngồi ăn thì nghệt ra, bốc một miếng đồ ăn nào đó chìa ra đầy thiện chí làm cả lũ lại ré lên, nháo nhác.

Nhưng hình như chỉ có trẻ con chúng tôi sợ Biền, còn người lớn thì không. Bởi có lần, tôi thấy bác Khải kéo Biền ra cầu ao Cống Nải và cắt tóc, cạo râu cho. Xong xuôi lại còn tắm và lấy cho bộ quần áo lành lặn thay. Lúc đó, chúng tôi không nhận ra Biền thường ngày nữa. Tưởng như một người xa lạ, dù rãi rớt vẫn chảy không ngừng. Và thốt nhiên, sao tôi thấy gương mặt sạch sẽ kia lại toát lên nét già nua đến thế. Hình như hằng ngày lem luốc, bẩn thỉu đã che giấu hết nét dãi dầu, tuổi tác của con người này.  Biền khi đó giống như một ông già trong làng chứ không phải một hình tượng đáng sợ của lũ trẻ con.

Lớn dần lên, bớt sợ hơn thì chúng tôi lại thấy Biền ít xuất hiện. Thắc mắc với mẹ, mẹ bảo Biền nhiều tuổi, giờ yếu hơn, chịu ở nhà hơn. Ô, thế hóa ra Biền có nhà ư? Có chứ, mẹ kể rành rọt nhà cửa và người thân  của Biền, cả căn bệnh ngẩn ngơ dẫn đến thói quen lang thang, thơ thẩn.

Có nghĩa, Biền có tuổi, có gia đình, người thân, có lúc yếu, lúc khỏe…

Và cũng có nghĩa, đến một ngày  Biền không xuất hiện nữa. Chúng tôi nhận ra điều đó một cách chậm chạp. Khi rất nhiều thời điểm trong ngày, rất nhiều địa điểm trong làng chúng tôi không gặp bóng dáng lôi thôi, bất thần xuất hiện.

Không còn nỗi sợ, ám ảnh, hiếu kì khi đi trên những con đường làng kể từ khi ông Biền rời nhân thế. Các bà bảo nhau rằng, âu cũng một kiếp người. Nhưng trong lòng những đứa trẻ chúng tôi, một điều gì nặng nề trĩu xuống, chứ không phải là nhẹ nhõm. Tại sao?

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Kể chuyện làng: Xóm nhà chồ bên phá Tam Giang