Mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã thành lập đoàn công tác để khảo sát việc sản xuất lúa vụ thu đông 2020 tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
800.000ha cho vụ thu đông
Trước đó, tại hội nghị đánh giá kết quả chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ hè thu 2020 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2020 các tỉnh, thành phố vùng Nam Bộ tổ chức tại Đồng Tháp hồi tháng 5, Bộ NNPTNT đã có kế hoạch mở rộng sản xuất lúa thu đông 2020 lên 800.000ha. Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã thống nhất thực hiện.
Theo Cục Trồng trọt, trên cơ sở kế hoạch sản xuất lúa thu đông, các tỉnh đã rà soát, xác định diện tích và thực hiện triển khai kế hoạch sản xuất lúa thu đông 2020 ước đạt tối đa 800.000ha, tăng hơn 76.000ha so với vụ thu đông 2019; sản lượng ước đạt hơn 4 triệu tấn.
Tính đến thời điểm này, tiến độ sản xuất lúa thu đông 2020 ước khoảng 450.000ha, đạt 56% so với kế hoạch. Theo khảo sát và đánh giá sơ bộ của các tỉnh, thành phố, các trà lúa hiện nay sinh trưởng và phát triển tốt. Bà con nông dân đang tăng cường thâm canh và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, như: "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM...
Cơ cấu giống lúa vụ thu đông 2020 là giống lúa thơm, đặc sản (chiếm 25-30%), như: Jasmine 85, nhóm giống ST, Nàng hoa 9, VD20, Đài thơm 8... Giống lúa chất lượng cao (chiếm 45-50%), gồm: OM5451, OM6976, OM18, OM7347, OM4900... Giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình IR50404, OM576 (khoảng 15-20%).
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), do thời vụ thu đông 2020 cần kết thúc vào ngày 30/8, nếu xuống giống trễ hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến bố trí sản xuất vụ đông xuân 2020-2021, nên khả năng nâng diện tích lên trên 800.000ha là khó khả thi.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện cho biết, nếu xuống giống lúa vụ thu đông ở khu vực Đồng Tháp Mười (thuộc Long An) thời điểm này là hơi trễ do lo lũ về. "Chỉ có huyện Thủ Thừa là còn khả năng xuống giống vụ thu đông, nhưng diện tích cũng không lớn, khoảng 5.000ha. Nhưng nếu làm vụ thu đông tại Thủ Thừa lại lo ảnh hưởng vụ đông xuân tới do nước mặn xâm nhập" - ông Thiện chia sẻ.
Cũng theo ông Thiện, các huyện ở Đồng Tháp Mười đã xuống giống vụ thu đông từ tháng 6. Hiện, một số huyện chuẩn bị thu hoạch các trà lúa vụ thu đông.
Có thiếu nước sản xuất?
Việc gia tăng diện tích lúa thu đông cũng đang khiến nông dân và nhà khoa học lo lắng. Bởi với việc gia tăng này, các tỉnh ở cuối nguồn, sát biển, như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau sẽ chịu ảnh hưởng trong mùa hạn mặn ra sao?
Theo một lãnh đạo ngành nông nghiệp của một tỉnh ở ĐBSCL, trước đây, nông dân vùng ĐBSCL chỉ sản xuất khoảng 300.000ha lúa thu đông. Vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười thường hạn chế diện tích làm lúa thu đông. Hai vùng này là "hai túi chứa nước" khi lũ về, khoảng 1,2 triệu ha, có chức năng điều hòa nước cho ĐBSCL. Nếu tăng diện tích vụ thu đông, đồng nghĩa tăng lượng nước ngọt cho sản xuất lúa.
Thực tế cho thấy, những tác động của hạn mặn năm 2020 là rất lớn, từ cây ăn trái, hoa màu, lúa bị thiệt hại đến tình trạng thiếu nước ngọt tràn lan và kéo dài ở các tỉnh hạ nguồn.
Ông Nguyễn Văn Tiên -nông dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, giá lúa hè thu năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái nên người trồng lúa có lãi khá.
"Trà lúa của tôi năm nay năng suất cao, lại gặp giá cao nên bán có lời. Tôi có nghe ngành nông nghiệp khuyến cáo tăng diện tích làm lúa thu đông ở ĐBSCL. Nếu vậy, các tỉnh cuối nguồn, sát biển không biết có còn nước để làm vụ đông xuân không?" - ông Tiên lo lắng nói.
Ông Tùng trấn an, lượng nước cho nhu cầu sản xuất lúa chiếm rất ít trong tổng lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bộ NNPTNT đã có kế hoạch phân bổ nước cho các vùng sản xuất. "Lượng nước sông Mekong đổ vào Việt Nam khoảng 500 tỷ m3/năm, nhưng việc sử dụng cho các vụ lúa trong năm chỉ khoảng 50 tỷ m3 nước, tức chiếm 10%. Chưa kể, vụ lúa thu đông còn có mưa nên không lo thiếu nước, dù là các tỉnh cuối nguồn" - ông Lê Thanh Tùng cho biết.