Theo ông Trần Công Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NNPTNT), toàn quốc có tổng số 9.080km đê (đê sông, đê cửa sông 6.890km; đê biển 1.150km); trên 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ diện tích lớn, dân số tập trung đông và nhiều khu vực trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng tập trung ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tuy nhiên, hệ thống đê điều ở nhiều địa phương đang bị xuống cấp do những tác động của thiên tai và con người.
Theo thống kê, các tuyến đê từ cấp III trở lên còn 399km đê thiếu cao trình; 683km đê mặt cắt còn nhỏ; 160km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 482 cống cũ, hư hỏng; 158km kè sạt lở, hư hỏng. 230 trọng điểm xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão.
"Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 23 sự cố; đặc biệt, trong những đợt mưa lũ vừa qua, có một số sự cố nghiêm trọng, uy hiếp đến an toàn đê" - ông Tuyên cho biết.
Cụ thể, sự cố nứt dọc mặt đê, chân đê tả Đáy từ K130+096 - K130+365, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam với tổng chiều chiều dài khoảng 500m, nứt dọc giữa mặt đê và chân mái hạ lưu, chiều rộng vết nứt từ 1-3cm.
Tổng cục Phòng chống thiên tai đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xử lý, tỉnh đã ban hành quyết định tình huống khẩn cấp khắc phục sự cố, tuy nhiên, việc triển khai xử lý sự cố vẫn chưa được thực hiện.
Ngoài ra, sự cố nứt đê đoạn K123+920 - K123+980 đê tả Hồng, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên cũng rất nghiêm trọng. Theo đó, ngày 03/8/2020, xuất hiện vết nứt dọc mặt đê dài khoảng 60m, bề rộng vết nứt 1-2cm.
Địa phương đã xử lý giờ đầu, đào vết nứt hình nêm, đắp và đầm chặt. UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành tình huống khẩn cấp khắc phục sự cố, hiện đang tiến hành khảo sát, lập phương án xử lý triệt để sự cố.
Trong khi đó, do mưa lũ phức tạp cộng với việc Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng khiến mực nước ở nhiều hệ thống đê vượt mức báo động và gây ra những sự cố nghiêm trọng.
Cụ thể, tại tỉnh Phú Thọ xảy ra sự cố sạt mái đê phía đồng tại K87+200, K95+100 đê tả Thao, huyện Lâm Thao vào ngày 19/8/2020, xuất hiện 3 cung sạt mái đê phía đồng, tổng chiều dài 50m.
Ngoài ra, bờ sông tại K1+200 đê hữu Thao (đê chưa phân cấp), huyện Hạ Hòa bị sạt lở với chiều dài cung sạt 30m, cách chân đê 100m. Hiện địa phương đang tiến hành xử lý giờ đầu bằng giải pháp thả đá hộc hộ chân.
Tại TP.Hà Nội, xảy ra sự cố sụt, sạt cống trạm bơm Tảo Khê, trên đê hữu Đáy (đê cấp IV), xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức. Đây là cống xây dựng năm 1986, khẩu độ (1,8x2)m, tường xây đá hộc, trần bê tông cốt thép.
Ngày 19/8/2020, thượng lưu cống và một phần thân cống bị sạt, sụt. Đến 10h30 ngày 20/8/2020, toàn bộ thân đê hữu Đáy phía trên cống bị sụt thành hố sâu 8m, đường kính 10m. Ngoài ra, còn có sự cố sạt lở bờ sông tương ứng K23+450 - K24+000 đê hữu Hồng, huyện Ba Vì...
Theo đánh giá của ông Tuyên, những sự cố đê điều này là vô cùng nghiêm trọng, vì vậy, các địa phương cần huy động nguồn lực, tập trung xử lý các sự cố đê điều đã xẩy ra, đảm bảo chống lũ.
Thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu theo phương châm "bốn tại chỗ", bảo đảm thông tin liên lạc và báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra.
"Phải tiếp tục kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, trang thiết bị theo phương án được duyệt để kịp thời xử lý khi có tình huống. Tăng cường thông tin truyền thông để các cấp, các ngành và người dân chủ động, tích cực tham gia bảo vệ đê điều, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là" - ông Tuyên nhấn mạnh.