Dân Việt

Dịch Covid-19: Nước ép xoài tồn kho, bưởi giảm giá vẫn ế, còn "nữ hoàng" bơ giá thấp kỷ lục

Nhóm PV 24/08/2020 18:26 GMT+7
Nhiều sản phẩm nông nghiệp không xuất khẩu được, thị trường tiêu thụ trong nước lại khó tiêu thụ do dịch Covid-19, từ đó đã khiến cuộc sống người dân khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên... trở nên vô cùng khó khăn.

Nước ép xoài tồn kho

Hiện nay, một số người dân ở An Giang và TP.Cần Thơ đang kêu gọi "giải cứu" sản phẩm nước ép xoài đóng lon của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). 

Theo đó, người dân cho biết, do Covid-19 nên sản phẩm trên không bán được cho các điểm du lịch (không có khách tham quan) và cũng không xuất khẩu được nên nhờ cộng đồng mạng hỗ trợ mua với giá gốc.

Nông sản lại loay hoay đầu ra vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Giá bưởi ở xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) xuống thấp do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Huỳnh Xây

"Giá bưởi ở Mỹ Hoà mua tại vườn giảm chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg. Nguyên nhân bị ảnh hưởng do không xuất đi được sang thị trường châu Âu, châu Á như trước đây vì dịch Covid-19".

Ông Trương Ngọc Trọng - Giám đốc HTX bưởi Năm Roi xã Mỹ Hòa (Vĩnh Long)

Liên quan đến thông tin trên, phóng viên NTNN đã liên hệ với ông Hồ Văn Bé Sáu - Phó Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới. Ông Sáu cho hay, cuối năm 2019, HTX sản xuất được 6.000 lon nước ép xoài và bán hết vào dịp Tết Nguyên đán 2020.

Sau đó, do phát sinh dịch Covid-19 nên HTX không sản xuất. Tới tháng 4/2020, tưởng hết dịch nên HTX sản xuất gần 11.000 lon nước ép xoài. "Sau khi sản xuất xong và mới bán được chút ít sản phẩm thì dịch Covid-19 tới nữa nên không bán được" - ông Sáu nói.

Phó Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới cho biết: "Đúng ra có đối tác bên Campuchia ký kết thu mua nhưng do dịch Covid-19 nên không xuất được. HTX còn phân phối sản phẩm qua các khu du lịch ở Phú Quốc nhưng giờ họ cũng từ chối nhận".

Bưởi giảm giá vẫn ế

Hiện nay, nhiều nhà vườn trồng bưởi Năm Roi và bưởi da xanh ở tỉnh Hậu Giang cũng đang rơi vào cảnh khó khăn do đầu ra và giá bán giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Cụ thể, bưởi Năm Roi được thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg (cân xô), giảm hơn cùng kỳ từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. 

Do không tiêu thụ được nên thương lái không đi thua mua, nhiều nhà vườn đành thu hoạch những trái chín quá lứa đem bán lẻ tại các chợ. Đối với bưởi da xanh, giá bán cũng chỉ còn 25.000 đồng/kg, giảm phân nửa so với cùng kỳ.

Ông Trần Thanh Bình (ngụ ở ấp 7, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) nói: "Gia đình tôi có 7.000m2 bưởi đang trong giai đoạn thu hoạch. Với giá bưởi 25.000 đồng/kg thì nhà vườn coi như huề vốn chứ không có lời. Hy vọng, giá bưởi trong thời gian tới được cải thiện hơn để nông dân có được nguồn lợi nhuận mà đầu tư cho loại cây đặc sản này của địa phương".

Nông sản lại loay hoay đầu ra vì dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Bưởi Năm Roi được thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg (cân xô), giảm hơn cùng kỳ từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), trong 7 tháng đầu năm, toàn vùng ĐBSCL có hơn 5.000 doanh nghiệp thành lập mới, gần 2.000 DN quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, có hơn 1.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 2.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hơn 1.000 doanh nghiệp đã giải thể.

Về nguyên nhân giá bưởi giảm, ông Hoàng Trọng Nhất - một thương lái mua bưởi cho nông dân ở huyện Châu Thành nói: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường xuất khẩu của mặt hàng bưởi gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, thị trường tiêu thụ trong nước đang chiếm chủ yếu nhưng nhu cầu cũng không lớn, từ đó kéo theo giá thu mua tại vườn giảm mạnh trong lúc này".

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trương Ngọc Trọng - Giám đốc HTX bưởi Năm Roi xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) nói: "Giá bưởi ở Mỹ Hoà mua tại vườn giảm chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg. Nguyên nhân bị ảnh hưởng do không xuất đi được sang thị trường châu Âu, châu Á như trước đây vì dịch Covid-19. Trung bình trước đây, mỗi ngày HTX bán được hàng chục tấn bưởi nhưng hiện nay chỉ ở mức từ 3-7 tấn/ngày để bán trong nước, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc".

Cây chủ lực giá thấp kỷ lục

Cây bơ đang là sản phẩm chủ lực ở thời điểm hiện tại của các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên hiện nay loại trái cây này đang có giá thấp kỷ lục so với những năm trước đây. Nếu đã có lúc giá 1kg bơ Booth được đẩy lên tới 110.000 đồng thì hiện nay giá thu mua xô tại vườn chỉ còn 7.000 đồng.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, giá bơ xuống thấp có một nguyên nhân đó chính là diện tích tăng đột biến trong khi thị trường tiêu thụ không được mở rộng. 

Tại Đăk Lăk, nếu năm 2014 chỉ có chưa đầy 100ha bơ thì đến năm 2019, diện tích bơ đã tăng lên gấp hơn 57 lần. Tại Đăk Nông cũng chỉ sau 2 năm từ năm 2018 đến nay diện tích bơ cũng tăng gấp đôi từ hơn 3.000ha tăng lên hơn 6.315 ha.

Ông Nguyễn Viết Vui - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông- cho biết, bơ Đăk Nông chủ yếu tiêu thụ nội địa, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng sản xuất. Phần lớn trái bơ của tỉnh được tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối, chợ truyền thống.

Trong khi đó, bơ Đăk Nông chưa có thương hiệu, chủ yếu được các thương lái thu mua thông qua người thu gom. Mặc dù chất lượng bơ Đăk Nông về cơ bản đạt chuẩn để đưa vào các kênh phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị Big C, C.oop Mart và các cửa hàng trái cây cao cấp.

Tuy nhiên sản phẩm cũng chỉ mới phục vụ cho một phần rất nhỏ người tiêu dùng, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó, sản phẩm bơ Đăk Nông chủ yếu thu hái quả già, tập trung về vựa thu mua, sau đó xử lý phân loại, ngâm nước lạnh sau đó đóng thùng và vận chuyển đi các tỉnh. Tỉnh chưa có nhà máy chế biến sâu có quy mô công suất lớn. Các sản phẩm chế biến hiện cũng chỉ chiếm 5% sản lượng.

Tăng cường chế biến sâu

Theo ông Vui, để cây bơ có giá cả ổn định, Đăk Nông đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, trong đó, định hướng phát triển 6 vùng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 2.100ha, tập trung ở các vùng Đăk Mil 600ha, Đăk R'Lấp 300ha, Đăk Song 300ha, Đăk Glong 700ha, Gia Nghĩa 300ha (trong đó có cây bơ).

Trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ, tỉnh có cơ chế tích tụ ruộng đất để khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây bơ trồng tập trung, từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu; đẩy mạnh hình thành các liên kết vùng, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu.

Về giải pháp khoa học công nghệ, tỉnh ưu tiên phát triển các giống bơ có chất lượng cao, năng suất tốt và cho trái rải vụ, phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ và điều kiện tự nhiên, có lợi thế tại từng vùng...

Đồng thời xây dựng chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, vùng trồng và thương hiệu sản phẩm, nhãn mác hàng hóa đảm bảo dễ truy xuất nguồn gốc, từ đó xây dựng lòng tin cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, ông Vui cũng khẳng định giải pháp tăng cường chế biến sâu như quả đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, dầu bơ… là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại như tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm quả bơ được coi trọng.

Các chương trình này phải phù hợp với định hướng và nhu cầu thị trường, có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp nhằm giữ vững các thị trường xuất khẩu lớn, thị trường truyền thống và mở rộng thêm các thị trường mới.

img

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT): Duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống

"Dịch Covid-19 có thể vẫn diễn biến phức tạp, trong những nỗ lực duy trì xuất khẩu thủy sản thời gian qua, nổi lên điểm sáng xuất khẩu tôm với tốc độ tăng trưởng đạt trên 5% so với cùng kỳ năm 2019. Đó là kết quả rất đáng mừng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, một mặt Bộ NNPTNT chủ trương tiếp tục nỗ lực duy trì sản xuất (gồm cả khai thác và nuôi trồng), một mặt tiếp tục có những giải pháp nhằm duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, tìm các "cửa sáng" như chuyển từ phân khúc sản phẩm xuất khẩu phục vụ cho nhóm khách hàng là nhà hàng khách sạn, sang nhóm sản phẩm chế biến phục vụ siêu thị, phục vụ kênh bán hàng online, chế biến sâu, ăn ngay...

Tổng cục cũng đang cố gắng mở rộng tiêu thụ tại thị trường Nga và các nước quanh Nga, các nước Nam Mỹ…, làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để rà soát lại diện tích nuôi trồng nhằm cân đối cung cầu. Trong đó, mặt hàng cá tra đang có rất nhiều triển vọng khai thác thị trường nội địa chứ không chỉ tập trung cho xuất khẩu như trước".

img

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội: Nâng cao tổ chức sản xuất theo quy hoạch

"Lần này, khi dịch Covid-19 quay lại, nông sản lại thêm lần nữa gặp khó. Càng khó chúng ta càng phải quyết tâm cải tổ ngành nông nghiệp. Trước hết chúng ta phải quyết liệt nâng cao việc tổ chức sản xuất theo quy hoạch, theo lợi thế từng vùng, từng địa phương một cách khoa học, bài bản.

Ngoài ra, phải coi trọng công tác nghiên cứu, sản xuất hàng nông sản chất lượng cao một cách bền vững và hiệu quả. Tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc vào nhiều vào 1 - 2 thị trường chính.

Có vậy, việc tiêu thụ nông sản của Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay sẽ được cải thiện đáng kể".

Thiên Hương - PV (ghi)