Dân Việt

Chờ cầu Cát Lái để “thành phố ma” Nhơn Trạch thay da đổi thịt

Nha Mẫn 25/08/2020 10:01 GMT+7
Hàng chục năm qua người dân hai bên sông Đồng Nai vẫn mong chờ một ngày cầu Cát Lái được xây dựng để nối đôi bờ, tạo điều kiện phát triển kinh tế cũng như lưu thông thuận lợi hơn.

Tia hi vọng

Cầu Cát Lái nối Đồng Nai và TP.HCM để thay thế phà Cát Lái là sự mong đợi của người dân Đồng Nai và TP.HCM trong suốt hàng chục năm qua. 

Chờ cầu Cát Lái, mong “thành phố ma” thay da đổi thịt - Ảnh 1.

Cầu Cát Lái nối đôi bờ trong tuơng lai sẽ thay thế phà Cát Lái

Để sớm triển khai xây dựng cầu Cát Lái, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với Chính phủ phân tách dự án thành 3 dự án thành phần. Thứ nhất, phần đường dẫn phía TP.HCM dài 623m, kiến nghị Chính phủ giao UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Thứ hai, phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai dài 263m sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT và phần còn lại, cầu chính sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao).

Trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT, quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Trong thời điểm cuối tháng 8/2020, sau đợt các xôn xao liên quan đến việc nhà đầu tư xin rút khỏi dự án xây dựng cầu Cát Lái, bị tỉnh phủ nhận, thì Đồng Nai tiếp tục làm việc với các sở ngành liên quan để chốt phương án xây cầu.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã thống nhất lựa chọn 2 phương án gồm: Phương án vị trí 1 (theo hồ sơ trình bổ sung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5/2017), hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy, đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn Q.2 (TP.HCM), sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái. Đối với phương án này, cầu Cát Lái sẽ có 3 quy mô lựa chọn gồm 4, 6 và 8 làn xe.

Chờ cầu Cát Lái, mong “thành phố ma” thay da đổi thịt - Ảnh 2.

Mô phỏng cầu Cát Lái

Phương án 2 là vị trí cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường Vành đai 2 (cách cổng trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1km), rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn Q.2 (TP.HCM) sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái. Với phương án 2, cầu Cát Lái có 2 quy mô chọn lựa gồm 6 và 8 làn xe.

Giám đốc Sở GT-VT Đồng Nai ông Từ Nam Thành cho hay, mới đây, 2 Sở GT-VT Đồng Nai và TP.HCM cũng đã có buổi làm việc bàn phương án xây cầu Cát Lái. Các đơn vị liên quan đã ủng hộ việc xây dựng cầu Cát Lái với quy mô 6 làn xe. Về vị trí, cầu Cát Lái sẽ có điểm đầu kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), vượt sông Đồng Nai và kết nối vào đường Vành đai 2 - TP.HCM (cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng 1km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3km).

"Phương án này được ủng hộ do đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động hiện hữu của cảng Cát Lái. Đồng thời, tiết giảm lưu lượng giao thông trên đường Nguyễn Thị Định ra vào nút giao Mỹ Thủy (Q.2, TP.HCM), giảm tai nạn giao thông trong khu vực. Nhưng để đưa ra phương án cuối cùng thì các cơ quan chức năng của 2 địa phương sẽ tiếp tục làm việc nhiều lần nữa để tìm ra phương án tối ưu nhất", ông Thành nhấn mạnh.

Kỳ vọng

Cũng theo ông Thành, hiện nay Sở GT-VT được UBND tỉnh Đồng Nai giao làm chủ đầu tư nên đang làm các thủ tục đầu tư theo quy định. Đồng Nai và TP.HCM đều muốn đơn vị tư vấn lấy ý kiến của Cục Hàng hải Việt Nam về tĩnh không cầu, đảm bảo phù hợp với luồng hàng hải và hiện đơn vị đang đề nghị xem xét cầu Cát Lái sẽ có chiều cao tĩnh không 55m, đảm bảo cho tàu có trọng tải 60 ngàn tấn có thể ra vào cảng Cát Lái bình thường.

Chờ cầu Cát Lái, mong “thành phố ma” thay da đổi thịt - Ảnh 3.

Phá Cát Lái hoạt động hết công suất nhưng nhiều lúc cũng quá tải vì lượng phương tiện đi lại quá nhiều

Trước những hành động gấp rút của ngành chức năng liên quan đến dự án cầu Cát Lái thì nguời dân đang khá kỳ vọng. Họ kỳ vọng về một Nhơn Trạch thay da đổi thịt bên cạnh Sài Gòn hoa lệ, họ kỳ vọng về quãng đường đến chỗ làm, về nhà không còn cảnh kẹt xe, ách tắc, chờ phà đến "dài cổ",…

Đặc biệt hàng chục năm qua Nhơn Trạch đã rất nhiều lần khiến các nhà đầu tư "hụt hơi" chạy đua theo những cơn sốt nhưng sau đó lại thất vọng. Bởi Nhơn Trạch dù có nhiều tiềm năng để phát triển, quỹ đất còn nhiều, lại kế bên TP.HCM nhưng lại chưa được kết nối giao thông đồng bộ, điều này làm cho Nhơn Trạch luôn bị nhắc đến với cái tên "thành phố ma", "cú lừa thập niên",….

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, Nhơn Trạch vẫn được đánh giá là một vùng đất có rất nhiều tiềm năng phát triển. Vị trí địa lý là trung tâm kết nối giữa TP.HCM - Đồng Nai - Vũng Tàu và Long An, cho thấy chỉ cần phát triển hạ tầng giao thông đúng mức, Nhơn Trạch sẽ phát triển nhanh. Do đó, việc người dân, ngành chức năng hay nhiều nhà đầu tư mong chờ cầu Cát Lái được xây dựng là điều khá thực tế.

Chờ cầu Cát Lái, mong “thành phố ma” thay da đổi thịt - Ảnh 4.

Nhiều dự án tại Nhơn Trạch đến nay vẫn "đắp chiếu" nhìn rùng rợn như "thành phố ma" vì chưa có cơ hội phát triển, thiếu sự đồng bộ về giao thông

Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân KCN Nhơn Trạch chia sẻ, hơn chục năm qua chị vẫn mong chờ cầu Cát Lái được xây dựng để quãng đường về nhà bớt xa. Mỗi ngày chị đều phải dậy từ 5h30 phút sáng để đi từ quận 9 về Nhơn Trạch làm công nhân, thấm mệt vì cảnh kẹt xe, khói bụi và chờ phà. Chị Hương muốn cây cầu sớm được xây dựng và đi vào hoạt động để bà con hai bên lưu thông thuận lợi hơn.

Theo thống kê của Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong TP, thời gian qua lượng khách qua phà Cát Lái (nối TP.HCM và Đồng Nai) liên tục tăng, cao điểm lên tới 100.000 lượt/ngày, còn ngày thường khoảng 50.000 lượt. Tại bến phà Cát Lái có 7 phà, trong đó có 2 phà 200 tấn và 5 phà 100 tấn, hằng ngày sử dụng khoảng 6 phà (1 phà luân phiên sửa chữa). Dù các phà hoạt động hết công suất, nhưng do lượng khách qua phà liên tục tăng dẫn tới hai đầu phà thường xuyên ùn ứ trong các ngày lễ tết.