Dân Việt

Biến rừng non giá rẻ thành “rừng vàng”

Khương Lực 27/08/2020 19:30 GMT+7
Thay vì trồng keo 4-5 năm chặt bán để băm dăm với giá trị thấp, nhiều hộ dân ở Nghệ An, Thanh Hóa đã chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn hoặc trồng rừng thâm canh gỗ lớn đạt chứng chỉ rừng FSC để xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Hợp tác chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn

Không chấp nhận giá bán rẻ 60.000 đồng/cây, ông Nguyễn Sỹ Minh - thành viên của Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy (Thanh Chương, Nghệ An) đã tỉa bớt số cây trong rừng keo, để chuyển hóa thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn.

Từ 5ha rừng keo trồng được 4 năm với mật độ 1.600 cây/ha, ông Minh đã cắt tỉa bớt 800 cây/ha, thu được khoảng 40 tấn nguyên liệu. "Vừa rồi, tôi mới bán 30 tấn, thu được 18 triệu đồng" - ông nói. Với nguồn thu từ bán nguyên liệu gỗ cắt tỉa, ông đã hoàn đủ chi phí thuê nhân công cắt tỉa.

Biến rừng non giá rẻ thành “rừng vàng” - Ảnh 1.

Chế biến gỗ tại Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu (Nghệ An). Ảnh: P.V

Trồng rừng gỗ lớn, hiệu quả tăng cao

Bằng nhiều giải pháp, hiện nguyên liệu trong nước đã đáp ứng 75% nhu cầu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, tương đương 37 triệu m3 gỗ mỗi năm. Nhờ vậy, tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã giảm qua từng năm.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, từ năm 2014 đến 2019, cả nước đã chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn được gần 90.000ha; diện tích trồng rừng thâm canh gỗ lớn là hơn 234.000ha. Mô hình trồng rừng thâm canh sau 10 năm, trữ lượng đạt khoảng 170-180m3/ha (72m3 gỗ lớn, 118m3 gỗ nhỏ), tổng thu 200-240 triệu/ha, thu nhập 18-20 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn sau quá trình tỉa thưa, nuôi dưỡng năng suất ngang bằng so với năng suất 2 chu kỳ trồng rừng 160-170m3/ha. Nhưng giá trị thương mại và giá trị gia tăng gỗ lớn cao hơn, giảm chi phí đầu tư trồng lại rừng.

Với rừng cây có mật độ 800 cây/ha, ông Minh cho biết sẽ cắt tỉa thêm 200 cây/ha, còn khoảng 600 cây/ha. Theo ông Minh, khi thực hiện chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn ông nhận được mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. 

Nhưng đó không phải là lý do chính để ông quyết định chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Thay vì bán keo trồng 4 năm với giá 60.000 đồng/cây, ông giữ lại rừng thêm 5-6 năm có thể bán giá cao gấp 10 lần, khoảng 600.000 đồng/cây.

Khi chuyển hóa rừng gỗ lớn, ông không phải chi phí mua giống, trồng lại rừng... với mức 15 triệu đồng/ha, nhưng lại thu được lợi rất lớn. Từ mô hình làm điểm của gia đình ông Minh, nhiều thành viên trong HTX Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy đã đến học tập và làm theo.

Ông Nguyễn Đình Đường - thành viên HĐQT HTX Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy cho biết, tới đây, ông cũng tiến hành tỉa thưa và chuyển hóa thành rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị gỗ rừng trồng.

Biến rừng non giá rẻ thành “rừng vàng” - Ảnh 3.

Nông dân Thanh Chương (Nghệ An) chuyển sang trồng rừng gỗ lớn.

Được thành lập năm 2017, HTX Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy tập hợp được 128 xã viên của 5 xã trên địa bàn huyện Thanh Chương. Vào mô hình HTX, các xã viên không chỉ được cung cấp giống keo tốt, cách trồng và vật tư đầu vào mà còn liên kết, hợp tác với các đơn vị chế biến để đảm bảo đầu ra tiêu thụ gỗ cho các xã viên. Trước hiệu quả đem lại bước đầu, hàng trăm hộ dân trong vùng đã có đơn xin tham gia để trở thành xã viên của HTX.

Nâng giá trị gỗ lên gấp 3 lần

Để tham gia vào chuỗi cửa hàng đồ gỗ lớn nhất thế giới IKEA, từ 5 năm trước, Công ty CP Xuân Sơn (huyện Thạch Thành, Thanh Hoá) đã chủ động đảm bảo 100% nguyên liệu đến từ gỗ rừng trồng có chứng chỉ do Hội đồng quản trị rừng thế giới FSC cấp.

Từng chiếc bàn, chiếc ghế dù đang được sử dụng ở bất kỳ đâu trên thế giới, khi cần đều có thể truy xuất nguồn gốc gỗ về từng hộ trồng rừng. "Giải pháp của công ty tới đây sẽ mở rộng thêm 1-2 chứng chỉ FSC để lấy thêm nguyên liệu có nguồn gốc để đảm bảo nhu cầu sản xuất" - ông Trịnh Thái Sơn - Giám đốc Công ty CP Xuân Sơn cho biết.

Để chủ động nguồn nguyên liệu có chứng chỉ trong nước, công ty đã lập riêng 1 tổ chứng chỉ rừng bền vững, liên kết với hơn 1.000 hộ dân với 3.300ha rừng trồng, tạo nên 1 vùng nguyên liệu hợp pháp, bền vững. "Trồng rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ FSC sản lượng tăng lên rất lớn, khoảng 180 tấn/ha trong khi trồng rừng trước đó chỉ được 120 tấn/ha" - ông Trịnh Văn Hùng - chủ rừng có 30ha trồng keo ở xã Thạch Cẩm, Thạch Thành, Thanh Hóa cho biết.

Đến thăm khu rừng rộng 30ha của ông Trịnh Văn Hùng, xã Thạch Cẩm, Thạch Thành, Thanh Hóa, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi. Bởi, khu rừng này mới trồng được 3 năm nhưng cây nào cây nấy thân to cao như những cánh rừng trồng 5-6 năm. "Tôi rất tự hào khi sản phẩm gỗ của mình làm ra được nước ngoài tin dùng. Các hộ nhóm như chúng tôi tự nhủ phải cố gắng hơn nữa, sản phẩm của chúng tôi làm ra lúc nào cũng được thế giới tin dùng" - ông Hùng chia sẻ.

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu (Nghệ An) là một trong số ít công ty lâm nghiệp có hoạt động khép kín chuỗi sản xuất từ cây giống tới chế biến, đưa sản phẩm gỗ ra thị trường. Hiện nay, công ty đang quản lý 6 lâm trường với diện tích 30.000ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 21.180ha, rừng sản xuất kinh doanh khoảng 9.300ha.

Mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến gỗ nhập khẩu 100% từ nước ngoài, Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu đã kiếm lãi 1 triệu đồng/m3 ván ghép thanh. Với mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất cây giống, trồng rừng và chế biến, công ty được coi là mô hình điểm về nâng cao giá trị cho ngành gỗ Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Khang-Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu cho biết, hơn 10 năm trước, Ban giám đốc Công ty đã có quyết định táo bạo là đi vay tiền để trồng rừng gỗ lớn.

"Thời điểm đó, cán bộ, nhân viên công ty lặn lội ra tận Phú Thọ để học hỏi, nắm bắt kỹ thuật làm vườn ươm giống. Đến nay, công ty có đầy đủ hệ thống vườn ươm, cho tới trồng rừng và nhà máy chế biến gỗ ván ghép thanh hiện đại" - ông Khang nói.

Do tầm nhìn xa trông rộng về việc chủ động nguồn nguyên liệu gỗ lớn, đến nay nguồn nguyên liệu gỗ do công ty sản xuất ra không chỉ đủ cung cấp cho hoạt động của Xí nghiệp chế biến nông lâm sản Sông Hiếu (đơn vị trực thuộc Công ty) và Công ty cổ phần ván nhân tạo Tân Việt Trung ở khu công nghiệp Nam Cấm (công ty liên doanh) mà còn bán cho nhà máy chế biến gỗ khác trong tỉnh đang thiếu gỗ lớn để làm ván thanh.

Ông Dương Ngọc Thành, người trực tiếp làm việc tại Xí nghiệp chế biến nông lâm sản Sông Hiếu cho biết, tháng 10/2019, công ty tiếp tục đưa dây chuyền máy ghép thanh, trị giá trên 9 tỷ đồng vào hoạt động để nâng cao năng lực chế biến và giá trị sản phẩm gỗ.

"Sản phẩm gỗ ghép thanh làm ra đến đâu, bán hết đến đó" - ông Thành nói và cho biết: Cứ 3,8m3 gỗ tròn thì làm ra 1m3 gỗ ván ghép thanh. Gỗ tròn có giá khoảng 1,1-1,2 triệu đồng trong khi giá bán 1m3 gỗ ván ghép thanh dao động từ 12-14 triệu đồng. Như vậy, thông qua chế biến giá trị gỗ nguyên liệu đã được nâng lên cao gấp 3 lần.

Theo ông Thành, quan trọng hơn công ty đã tạo công ăn việc làm cho 40 lao động ở địa phương với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người. Hiện nay, Xí nghiệp đang sản xuất 2 cỡ ván ghép thanh là 1,2x2,4m và 1,22x2,44m (làm hàng xuất khẩu).