Chiều 25/8, UBND TP.Đà Nẵng đã có quyết định dỡ bỏ phong tỏa Bệnh viện Đà Nẵng sau gần 1 tháng bệnh viện này thực hiện cách ly y tế khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 tại đây.
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Lê Đức Nhân – Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND TP.Đà Nẵng, Sở Y tế cùng sự giúp đỡ của các chuyên gia ở Hà Nội, TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai… đến nay, Bệnh viện Đà Nẵng đã đủ những tiêu chuẩn để được dỡ bỏ các phong tỏa.
"Chúng tôi đang thiết lập lại tất cả các quy trình để chuẩn bị một thời kỳ mới đón bệnh nhân về Bệnh viện Đà Nẵng điều trị một cách an toàn nhất", Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng thông tin.
Theo bác sĩ Nhân, đơn vị đã xây dựng 4 giai đoạn để mở lại bệnh viện. Giai đoạn 1, trong 3 ngày đầu tiên bệnh viện sẽ thiết lập lại tất cả các quy trình mới từ một đơn vị là chăm sóc có người nhà, đến một bệnh viện chăm sóc toàn diện. Giai đoạn 2, bệnh viện sẽ tiếp nhận các bệnh nhân cấp cứu nặng, bệnh nhân tại các tuyến đưới không có khả năng điều trị. Giai đoạn 3, sẽ dần mở lại các đơn vị khám chuyên khoa mà các bệnh viện tuyến dưới không thể đảm nhận được. Giai đoạn cuối cùng sẽ triển khai khám nội trú.
Theo bác sĩ Nhân, thay đổi lớn nhất của Bệnh viện Đà Nẵng là cố gắng giảm tải các bệnh nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng bằng cách nhiều khoa, phòng sẽ không có người nhà bệnh nhân nhưng vẫn đảm bảo bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế của bệnh viện được chăm sóc toàn diện.
Bác sĩ Nhân cũng cho hay, sẽ giảm tối đa số giường bệnh tại bệnh viện bằng cách làm việc với các bệnh viện quận, huyện cũng như các bệnh viện khác để chuyển bệnh nhân nhẹ đến điều trị, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ hỗ trợ toàn bộ về công tác chuyên môn như hội chẩn từ xa. Với tiêu chí bám sát bộ an toàn điều trị Covid-19 trong Bệnh viện Đà Nẵng giai đoạn mới, tùy tình hình cụ thể, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ có những thay đổi sát với từng diễn biến cụ thể trong giai đoạn hiện nay.
Về công tác làm sạch bệnh viện, bác sĩ Nhân cho hay, từ khi bệnh viện bị phong tỏa đến nay, bệnh viện đã làm sạch theo 4 góc độ song hành. Thứ nhất là làm sạch các bệnh nhân mắc Covid-19. Thứ hai là làm sạch nhân viên mắc Covid-19. Thứ ba là sạch môi trường, không khí thông thoáng và cuối cùng làm sạch toàn bộ các phương tiện trang thiết bị phục vụ bệnh nhân.
"16 ngày qua, tất cả các nhân viên trong Bệnh viện Đà Nẵng đã có kết quả xét nghiệm 6 lần âm tính với virus SARS-CoV-2. Chúng tôi cũng chia nhỏ nhóm bệnh nhân thận nhân tạo thành 4 nhóm nhỏ. Mỗi nhóm từ 4-5 bệnh nhân và kiểm soát bệnh nhân từ khách sạn cách ly, đến khi lên xe đưa đến bệnh viện và đưa vô bệnh viện lọc máu", bác sĩ Nhân nói.
Theo bác sĩ Nhân, khi đi vào lọc máu, các nhóm này đi song hành với nhau, nếu 1 trong các nhóm nhỏ này bị nhiễm Covid-19 thì cả nhóm sẽ được cách ly và thanh lọc ngay. Chính vì vậy cách ly này giúp bệnh viện ngăn chặn tuyệt đối sự lây nhiễm cho bệnh nhân. Đến thời điểm nhóm bệnh nhân thận nhân tạo các bệnh nhân đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, thời gian đã trên 18 ngày.
Tại buổi trao quyết định gỡ lệnh cách ly y tế đối với Bệnh viện Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho hay, tuy các ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng đã giảm nhưng các ca nhiễm được ghi nhận tại cộng đồng vẫn là điều cần quan tâm, nên người dân không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
"Bệnh viện Đà Nẵng là cơ sở khám chữa bệnh cuối cùng của ngành y tế thành phố gỡ cách ly y tế. Khi Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng, tiếp theo đó là Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Cẩm Lệ, Bệnh viện Hải Châu… lần lượt thực hiện cách ly y tế, thời điểm đó, ngành Y tế của thành phố thực sự đã rơi vào tình trạng khủng hoảng. Bên cạnh đó, là áp lực về số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày càng tăng, có những ngày lên đến 45 mắc Covid-19 nên chúng tôi phải thiết lập ngay Bệnh viện Phổi (100 giường) và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (200 giường), có đơn nguyên về hồi sức tích cực và chạy thận nhân tạo tại cơ sở để đáp ứng kịp thời cho quá trình cứu chữa bệnh nhân Covid-19", bà Yến nói.
Theo Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, dịch bệnh đã qua 1 tháng, mọi khó khăn cũng từng bước được giải quyết và kiểm soát, nhưng công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới sẽ không dừng và có chiến lược rõ ràng hơn.
"Để kéo dài giãn cách xã hội là điều không ai mong muốn, nên việc làm thế nào để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch mà không phải thực hiện giãn cách xã hội thì mỗi người dân phải tự ý thức rằng mình sẽ là một "chiến sĩ" trên "trận địa" chống dịch. Chúng ta phải tạo nên "văn hóa Covid", làm sao để bệnh viện an toàn với Covid, trường học an toàn với Covid, cơ sở làm việc an toàn với Covid, doanh nghiệp an toàn với Covid… thì chúng ta mới thật sự chiến thắng Covid-19", Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng khẳng định.
Ngoài ra, theo bà Yến, chỉ số an toàn bệnh viện về Covid-19 là một trong số các chỉ số sống còn của bệnh viện và ngành Y tế.
"Chúng tôi đã nói với bệnh viện nếu như các đơn vị không đảm bảo chỉ số an toàn bệnh viện thì Sở Y tế sẽ đóng cửa. Bệnh viện Đà Nẵng là bài học xương máu mà tôi chắc rằng TP.Đà Nẵng sẽ không bao giờ có một cơ sở, một tình huống nào tương tự xảy ra thêm lần nữa", Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nói.