Báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp (DN) nhóm ngành du lịch và giải trí đã giảm tới 363% so với cùng kỳ.
Tình hình sẽ càng căng thẳng khi "làn sóng" hủy tour bắt đầu bùng phát mạnh mẽ trở lại ngay những ngày đầu tháng 8.
"Đuối sức" vì Covid-19
Báo cáo tài chính bán niên của các DN du lịch, dịch vụ niêm yết trên sàn chứng khoán vừa công bố cho thấy, nhóm ngành này đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 khi doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, thậm chí lỗ nặng.
Chẳng hạn, Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel), trong quý II doanh thu của DN này giảm mạnh, từ mức 2.204 tỷ đồng về 206 tỷ đồng, tương đương 9% so với doanh thu cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế âm 38 tỷ đồng, giảm 283% so với cùng kỳ. Tính trong nửa đầu năm, doanh thu của Vietravel đã giảm 72% so với cùng kỳ và chỉ đạt 996 tỷ đồng, lỗ ròng 80 tỷ đồng, mức lỗ thực tế vượt xa so với dự kiến (tại đại hội đồng cổ đông 2020, DN đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế âm gần 23 tỷ đồng).
Không chỉ giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận, "sức khỏe" tài chính của DN này cũng là điều đáng bàn. Cụ thể, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm nay của Vietravel đã âm 31 tỷ đồng, do việc kinh doanh bị đình trệ bởi Covid-19. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư giảm nhẹ, chỉ âm 6,6 tỷ đồng so với con số âm 39 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019, do năm nay Vietravel đã hạn chế chi tiền để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và dài hạn khác.
Một điểm đáng chú ý khác nằm trong BCTC của Vietravel là hiện tổng nợ vay của DN đã lên tới con số 1.770 tỷ đồng, cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu (164,4 tỷ đồng).
Cũng lao đao không kém trong mùa dịch Covid-19 là Công ty CP Công viên nước Đầm Sen (Daseco). Từng là DN luôn có lợi nhuận cao và ổn định hàng đầu trong ngành du lịch nhưng trong quý 2 công ty đã lần đầu báo lỗ với mức lỗ 4,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 42 tỷ.
Ông Vũ Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Daseco cho biết, dù không quá phụ thuộc vào khách quốc tế, nhưng doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty chỉ đạt 35 tỷ đồng, giảm gần 75% so với cùng kỳ, trong khi nhiều khoản chi (bảo dưỡng, bảo trì, thuê đất…) vẫn phải thanh toán đầy đủ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Daseco chỉ đạt 985 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lợi nhuận là trên 62 tỷ đồng.
Một DN khác là Công ty Dịch vụ Du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist) cũng ngậm ngùi báo lỗ hơn 7 tỷ đồng trong quý 2. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, BenThanh Tourist cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 60%, khấu trừ chi phí khiến công ty báo lỗ hơn 15 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 6 tỷ đồng).
Với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), tình hình cũng không khá hơn khi kết thúc nửa đầu năm, DN này cũng gánh khoản lỗ 35 tỷ đồng.
Hàng loạt DN du lịch, dịch vụ lữ hành khác cũng ngậm ngùi báo lỗ trong nửa đầu năm. Chẳng hạn, Công ty CP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (chủ sở hữu công viên văn hóa Đầm Sen) có doanh thu quý II sụt giảm 87% so với cùng kỳ,còn 12 tỷ đồng; giá vốn tăng khiến công ty lỗ gộp hơn 144 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 18 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, DN này báo lỗ ròng 146,5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 17 tỷ đồng).
Tương tự, do doanh thu bốc hơi 74% khiến Công ty CP Du lịch Thành Thành Công báo lỗ ròng 6,5 tỷ đồng trong quý 2 (cùng kỳ lãi ròng gần 25 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhờ kết quả quý 1, lãi ròng lũy kế nửa đầu năm của Du lịch Thành Thành Công vẫn ghi nhận gần 33 tỷ đồng, giảm 5% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, kết quả trên đây vẫn chỉ là trong nữa đầu năm. Kể từ khi dịch Covid-19 tái phát ở Đà Nẵng vào hồi tháng 7 và lan ra một số tỉnh thành, tình hình hủy tour du lịch bắt đầu tăng trở lại khiến các DN ngành du lịch, dịch vụ lữ hành càng… "đuối sức" hơn trên đà phục hồi.
Cổ phiếu vẫn hút nhà đầu tư, vì sao?
Dù tình hình kinh doanh nửa đầu năm ảm đạm, cùng với những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, thế nhưng trên thị trường chứng khoán, tính thanh khoản nhóm cổ phiếu du lịch vẫn khá cao và được nhà đầu tư quan tâm. Thậm chí, một số cổ phiếu có sự tăng mạnh về thị giá trong thời gian gần đây. Điều này được chuyên gia chứng khoán lý giải rằng, do ngành du lịch có nhiều tiềm năng phát triển và Chính phủ cũng đang có nhiều chính sách thúc đẩy ngành, chưa kể sự tác động của dịch bệnh đối với tâm lý các nhà đầu tư chứng khoán đã không còn nhiều như đợt dịch trước, nên việc lựa chọn đầu tư vào các DN tiềm năng là điều dễ hiểu.
Chẳng hạn, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/8, cổ phiếu DSN của Công ty CP Công viên nước Đầm Sen đứng ở mức giá 43.250 đồng/CP. Có thể nói, sau những thông tin sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận trong nửa đầu năm, giá cổ phiếu DSN không biến động mạnh nhiều với những phiên tăng giảm xen kẽ, nhưng đều ở biên độ hẹp, không đáng kể. Trong khi, thanh khoản trung bình mỗi phiên của cổ phiếu này cũng lên tới gần 10.000 cổ phiếu/phiên.
Tuy nhiên, ngạc nhiên nhất vẫn là cổ phiếu VTR của Vietravel (sàn UpCom). Sau khi giảm sàn gần 15% trong ngày 27/7 - khi ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng ở Đà Nẵng được ghi nhận trong đợt bùng phát dịch lần hai thì đến nay VTR vẫn duy trì đà tăng đáng kể.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay 26/8, cổ phiếu VTR đang giao dịch ở mức 31.100 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của mã chứng khoán này…
Cổ phiếu VNG của Công ty CP Du lịch Thành Thành Công hiện đang giao dịch ở mức giá 15.100 đồng/CP, tăng 1.100 đồng/CP so với thời điểm cuối tháng 7. Lượng cổ phiếu khớp lệnh trung bình mỗi phiên của mã chứng khoán này cũng lên tới hơn 210 nghìn cổ phiếu/phiên.
Song, gây "choáng váng" với giới đầu tư hơn cả trong nhóm cổ phiếu du lịch là cổ phiếu DAT của Công ty CP Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản. Từ một cổ phiếu có mức giá "rẻ bèo" 6.820 đồng/CP (phiên ngày 18/6), DAT đã leo thẳng lên mức giá "khủng" 92.100 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 12/8), sau đúng 39 phiên tăng trần liên tiếp.
Tuy nhiên, sau đó DAT liên tục giảm kịch sàn và hiện tại còn ở mức giá 48.300 đồng/CP. Song, nếu so với mức giá hồi tháng 6 thì cổ phiếu này vẫn đang giữ kỷ lục về tăng giá.
Được biết, DAT là Công ty con của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI và có liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (ASM). Hiện IDI (ASM nắm giữ 51,23% vốn) đang là cổ đông lớn nhất của DAT với tỷ lệ nắm giữ 79,25% vốn (hơn 36 triệu cổ phiếu) và ASM nắm giữ trực tiếp 3,94% vốn tại DAT.
Thông tin từ Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), từ ngày 28/7 - 2/8, DN du lịch Hà Nội đã phải hủy tour nội địa cho gần 30.000 khách. Một số công ty lữ hành lớn như Vietrantour có khoảng 3.500 khách hủy tour (thiệt hại khoảng 21 tỷ đồng); Flamingo Redtours có 9.000 khách hủy tour (thiệt hại 40 tỷ đồng); Hanoitourist có khoảng 5.000 khách hủy tour (thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng)... Trong khi đó, du lịch TP.HCM cũng trong tình trạng tương tự khi 35.000 lượt khách hủy tour. Trong đó Vietravel đã nhận được yêu cầu hủy của hơn 22.000 lượt khách (thiệt hại ước tính 102 tỷ đồng).
Dự kiến trong tháng 8/2020, tỷ lệ khách du lịch hủy phòng ở các địa phương sẽ lên hơn 90%, đây là lần thứ hai trong năm 2020, khách hủy - hoãn tour trên quy mô lớn do dịch Covid-19.