Mới đây, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng về kế hoạch cổ phần hóa của các doanh nghiệp trong năm 2020. Theo đó, hơn nửa năm 2020, mới có 37 doanh nghiệp được cổ phần hoá, thoái vốn trong khi mục tiêu cuối năm nay là 128 "ông lớn" phải hoàn thành.
Theo Bộ Tài chính, trong số này, có những tập đoàn, tổng công ty hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất, để xác định giá trị doanh nghiệp, bị Bộ Tài chính điểm mặt chỉ tên như: Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT), Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV), Tổng Công ty Viễn thông (MobiFone)...
Theo nhận định của Cục Tài chính doanh nghiệp, ngoài các lý do bất khả kháng như dịch Covid-19, việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài... Còn có hiện tượng sợ trách nhiệm, không dám làm ảnh hưởng tiến độ cổ phần hóa.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu đơn vị chậm cổ phần hóa
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, đối với mỗi đơn vị chậm cổ phần hóa sẽ có những lý do cụ thể khác nhau để giải trình với Bộ Tài chính, và những lý do này đã được Bộ Tài chính tổng hợp, trình lên Thủ tướng dưới góc nhìn của Bộ này. Qua đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu tìm ra những biện pháp tháo gỡ cho từng vấn đề để đẩy nhanh quá trình.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn kinh tế, bà Lan cho rằng, đơn vị nào để xảy ra tình trạng chậm cổ phần hóa, thoái vốn theo tiến độ, nhà nước cần có những pháp chế rõ ràng, quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu đơn vị đó.
"Để chậm tiến độ, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm đó cần được quy định cụ thể như thế nào? Lâu nay, chúng ta vẫn nói về vấn đề này rất nhiều, nhưng tôi chưa thấy người đứng đầu đơn vị chậm cổ phần hóa nào bị xử lý", bà Lan cho hay.
Theo bà Lan, cổ phần hóa là một chủ trương lớn đã được Chính phủ thực hiện trong một quá trình dài. Đáng lẽ, đến thời hạn doanh nghiệp bắt buộc phải tiến hành cổ phần hóa, các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm phải có nhắc nhở, yêu cầu bắt buộc phải hoàn thành đúng tiến độ.
Trường hợp, doanh nghiệp không thực hiện kịp thì nhà nước đứng ra thực hiện việc cổ phần hóa. Các cấp chính quyền xắn tay vào cuộc để xem nguyên nhân là gì? Ở khâu định giá, cơ chế, phê duyệt phương án... Nếu vướng mắc giải quyết được giải quyết luôn. Còn những vấn đề gì chưa giải quyết được, nhà nước sẽ tìm ra giải pháp tháo gỡ, tiến hành cổ phần hóa bằng được. Bên cạnh đó, xem xét, xử lý trách nhiệm của những người liên quan khi để xảy ra tình trạng cổ phần hóa làm gương cho những đơn vị khác.
"Ví dụ đơn vị nêu khó khăn nằm ở định giá. Cơ quan có thẩm quyền cho luôn người vào lập nhóm thẩm định giá, theo giá đó bán ra thị trường. Đối với nhiều doanh nghiệp, nếu muốn đẩy nhanh quá trình thì nhà nước phải tự làm, còn nếu chờ đợi họ thực hiện thì câu chuyện này còn kéo dài đến rất lâu", bà Lan nhấn mạnh.
Bà Lan đánh giá, trong giai đoạn khó khăn hiện tại, cổ phần hóa là hành động cần thiết nhằm giải phóng nguồn lực doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nhưng không phát huy được hiệu quả.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước nắm giữ khối lượng tài sản, tài nguyên lớn của đất nước. Kể cả tài nguyên về tài chính, đất đai, con người nhưng ít sử dụng đến, lợi ích mang về thấp, thậm chí thua lỗ triền miên. Hậu quả ảnh hưởng đến việc phân bổ lại nguồn lực cần thiết cho tái cơ cấu kinh tế. Câu chuyện này chẳng phải riêng của doanh nghiệp, bộ ngành, mà là vấn đề cần giải quyết ngay của cả đất nước.
"Đã thấy sự cần thiết như vậy rồi, vậy mà bao năm nay chúng ta cứ ì ạch kéo dài từ năm này qua năm khác khi cổ phần hóa, rất khó hiểu. Tất cả những thứ này nằm trong tay nhà nước hoàn toàn, là câu chuyện nội bộ khu vực nhà nước với nhau. Nếu như kinh tế nhà nước còn muốn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thì không thể để kéo dài một bộ phận kém hiệu quả như vậy trong tay mình, vì nó rất khó thuyết phục xã hội", bà Lan nêu quan điểm.
Chây ì cổ phần hóa vì lợi ích?
Trong khi đó, Ts Ngô Trí Long nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, ở khía cạnh chủ quan Bộ Tài chính đã nêu ra là hiện tượng lãnh đạo các doanh nghiệp nằm trong diện phải cổ phần hóa đã không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm cổ phần hóa cần quy kết năng lực lãnh đạo cho người đứng đầu.
Đa số những trường hợp này đều vướng về cơ chế chính sách, tuy nhiên, những điều này Chính phủ đều tạo điều kiện thông thoáng về đường lối. Bên cạnh đó, Chính phủ đã thúc đẩy các đơn vị tiến hành nhanh quá trình cổ phần hóa, nhưng đâu vẫn vào đó.
"Câu chuyện ở đây là doanh nghiệp có quyết tâm cổ phần hóa hay không. Còn tiếp diễn tình trạng cấp trên sợ mất phiếu, cấp dưới chây ì vì lợi ích của mình thì còn câu chuyện doanh nghiệp không chịu cổ phần hóa. Thực chất, nếu người đứng đầu doanh nghiệp làm công tâm thì chẳng gì không làm được cả", Ts Long nhận định.
Ngoài ra, Ts Ngô Trí Long bày tỏ lo lắng việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước lớn. Một điểm đáng lo ngại hơn được vị chuyên gia này chỉ ra là sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn dễ dẫn đến tâm lý hoạt động cầm chừng, chờ đợi, thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính phủ đặt mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020 phải cổ phần hóa, thoái vốn 128 doanh nghiệp nhà nước tại các bộ, ngành…Tuy nhiên, báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) mới đây cho thấy,đến tháng 7/2020, mới có 37 doanh nghiệp hoàn tất thực hiện cổ phần hoá. Như vậy, số doanh nghiệp phải cổ phần hóa, thoái vốn 5 tháng cuối năm còn tới 91, tương đương 71% kế hoạch.
Theo Bộ Tài chính, một trong các nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn bị chậm lại hiện nay là do sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn và thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng.
Các tập đoàn, Tổng công ty cổ phần hóa đang sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Ngoài ra, nhiều quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn..
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng nêu rõ vấn đề chủ quan dẫn đến cổ phần hóa chậm là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập.
"Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn", Bộ Tài chính cho hay.