Dân Việt

Mật độ rầy mang virus lùn sọc đen cao, Cục BVTV yêu cầu tập trung bảo vệ 840.000ha lúa

Minh Ngọc 29/08/2020 15:02 GMT+7
"Hiện nay, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 và rầy lứa 6 mật độ cao hơn so với vụ mùa năm 2019. Từ nay đến cuối vụ các địa phương cần chú trọng bệnh bạc lá, nhất là các tỉnh ven biển" - ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho hay.

Mới đây, qua kiểm tra thực tế tại 2 tỉnh Nam Định và Ninh Bình, Cục BVTV (Bộ NNPTNT) nhận định, rầy và sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 xuất hiện cùng thời điểm với mật cao so với vụ mùa 2019.

Trước đó ở vụ Đông Xuân 2019 - 2020, mật độ rầy lưng trắng cao đột biến tại Nam Định và Ninh Bình và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được cảnh báo sẽ là nguồn bệnh cho vụ mùa năm nay.

Vừa qua, Cục BVTV cũng đã lấy mẫu tại các cánh đồng lúa của Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, kết quả đều cho thấy mật độ rầy mang virus lùn sọc đen cao hơn năm 2019.

ĐBSH xuất hiện dịch bệnh hại trên lúa, Cục BVTV yêu cầu các tỉnh tập trung bảo vệ 840.000ha lúa - Ảnh 1.

Lãnh đạo Cục BVTV (Bộ NNPTNT) kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh hại tại tỉnh Nam Định và Ninh Bình.

Theo Cục BVTV, vụ mùa năm nay, các tỉnh khu vực ĐBSH xuống giống khoảng 840.000ha lúa. Trong đó, ước tính riêng đối với tỉnh Nam Định đã có khoảng 80% trên tổng số 72.911ha diện tích lúa mùa phải phòng trừ các loại sâu bệnh hại.

Qua kiểm tra, đánh giá trên cánh đồng xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5, lứa 6 đã và đang xuất hiện ở mật độ cao trung bình 50 - 100 con/m2 nơi cao từ 300 – 400 con/m2. Ngoài ra một số diện tích lúa cũng xuất hiện dày đặc rầy lưng trắng, tác nhân mang virus lùn sọc đen.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định cho biết, do điều kiện thời tiết từ đầu tháng 8 đến nay có mưa, ẩm nên sâu bệnh bùng phát cao hơn năm 2019 và có khả năng bùng phát ở diện rộng.

Để chủ động phòng trừ sâu bệnh hại, tỉnh Nam Định cũng đã phun phòng trừ rầy lưng trắng lứa 4 khoảng hơn 30.000ha và tổ chức đợt cao điểm phun thuốc phòng trừ từ ngày 26/8 đến 1/9.

ĐBSH xuất hiện dịch bệnh hại trên lúa, Cục BVTV yêu cầu các tỉnh tập trung bảo vệ 840.000ha lúa - Ảnh 2.

Theo Cục BVTV và báo cáo từ các địa phương, hiện nay sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 và rầy lứa 6 mật độ cao hơn so với vụ mùa 2019.

Tại tỉnh Ninh Bình, sâu cuốn lá, rầy lưng trắng lứa 5, 6 và bệnh khô vằn trên lúa cũng đã bùng phát sớm hơn trung bình nhiều năm. Các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư, và thành phố Ninh Bình mật độ sâu cuốn lá nhỏ trung bình 180 con/m2, rầy trung bình 200 con/m2, cá biệt có nơi 1 500 con/m2.

Theo ông Lã Quốc Tuấn, Chi Cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình, Chi cục đã tham mưu cho sở NNPTNT ban hành văn bản chỉ đạo sản xuất, trong đó nhấn mạnh phòng trừ các đối tượng dịch hại như sâu cuốn lá lứa 6, rầy lứa 6 trong giai đoạn lúa trỗ đòng và chuẩn bị trỗ.

Ông Tuấn lưu ý bà con nông dân, đối với đối tượng sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 cần tiến hành phòng trừ từ khi sâu cuốn lá non ở giai đoạn tuổi 1, tuổi 2 bắt đầu nở rộ.

ĐBSH xuất hiện dịch bệnh hại trên lúa, Cục BVTV yêu cầu các tỉnh tập trung bảo vệ 840.000ha lúa - Ảnh 3.

Với tình hình dịch bệnh hại đang diễn ra trên lúa ở các tỉnh ĐBSH như hiện nay, Cục BVTV yêu cầu các địa phương cần tập trung các giải pháp để diệt trừ sâu bệnh hại trên lúa.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, hiện nay, tại các tỉnh ĐBSH xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 và rầy lứa 6 mật độ cao hơn so với vụ mùa năm 2019. 

"Do đó cần sự vào cuộc của từ Trung ương đến địa phương, bao gồm cả Bộ, Cục BVTV, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh. Hiện nay, Cục cũng đã có văn bản gửi các tỉnh tổ chức tập trung phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ và rầy lứa 6. Và từ nay đến cuối vụ thì cần chú trọng bệnh bạc lá, nhất là các tỉnh ven biển".

Để phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa, một trong các loại thuốc đặc hiệu là các loại thuốc có hoạt chất Abamectin, đặc biệt trong giai đoạn này, thời tiết hay có mưa, bà con tranh thủ lúc nắng tạnh phòng trừ. Nhất là các diện tích đã phun phòng trừ thì cần kim tra lại, nếu mật độ sâu còn cao thì cần tiến hành phun phòng trừ lại đợt 2 để đảm bảo hiệu quả phòng trừ. Đối với rầy bà con cũng nên phòng trừ bằng các loại thuốc đc hiệu như sutin, penalty, palano hay chess. Trong giai đoạn này bà con có thể kết hợp phun trừ rầy, sâu cuốn lá và khô vằn.