Dân Việt

Bộ NNPTNT tính phương án tiêu thụ nông sản gắn với du lịch nông nghiệp

Khánh Nguyên 07/01/2021 15:01 GMT+7
Trong kế hoạch phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản năm 2021, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu vừa phát triển thị trường trong nước gắn với phát triển văn hóa địa phương và du lịch nông nghiệp bản địa, vừa tổ chức đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn, rào cản thương mại.

Nhiều cơ hội

Bản Kế hoạch phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản năm 2021 do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan ký ban hành, nêu rõ, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết và triển khai 16 hiệp định thương mại tự do (FTAs), mở ra cho nông sản Việt Nam cơ hội thâm nhập một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực.

Phát triển thị trường nông sản gắn với du lịch - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thăm gian hàng nông sản Hà Giang tại Hội chợ AgroViet 2020. Ảnh: P.V

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 đạt 72,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019.

Trong khi đó, theo dự báo của FAO, nhu cầu nông sản trên thế giới sẽ tiếp tục tăng lên 15% vào năm 2029 do gia tăng dân số lên khoảng 11% trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2029, tiếp tục tạo cơ hội rất tốt cho nông sản Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Minh Hoan, những thách thức ở một số thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam cũng đang hiện hữu.

Đơn cử như thị trường Trung Quốc, hiện Trung Quốc chiếm 25,14% tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2020 ước đạt 10,36 tỷ USD, giảm 5,2% so với năm 2019 và đứng thứ 2 sau Mỹ.

Tuy nhiên, việc phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra nhiều lô hàng nhập khẩu nhằm kiểm soát tiềm ẩn rủi ro về lây lan dịch bệnh, quản lý chất lượng; kiên quyết siết chặt quản lý đối với nhập khẩu các mặt hàng nông sản chưa được phép mở cửa thị trường sẽ khiến quá trình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn hơn...

Phát triển thị trường trong nước

Từ những cơ hội và thách thức này, theo Thứ trưởng Lê Minh Hoan, mục tiêu của công tác xúc tiến thương mại nông sản trong năm 2021 là phát triển thị trường trong nước gắn với phát triển văn hóa địa phương và du lịch nông nghiệp bản địa; kích thích tiêu dùng nông sản, đặc sản chất lượng cao, sản phẩm có thương hiệu/chỉ dẫn địa lý.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại theo vùng để thúc đẩy liên kết vùng. Tiếp tục tổ chức đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn, rào cản thương mại...

Đối với công tác phát triển thị trường trong nước, lãnh đạo Bộ NNPTNT yêu cầu thúc đẩy tiêu dùng nông sản tại các thành phố lớn; tổ chức các hoạt động kết nối đưa nông sản địa phương, vùng miền vào các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ; tổ chức trao đổi thông tin, thảo luận về các giải pháp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu.