Thành công từ huy động "sức dân"
Trong giai đoạn 2010 - 2020, kinh tế huyện Phúc Thọ tiếp tục tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất đến năm 2020 ước đạt 12.541 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 9,1%/năm.
Theo báo cáo của UBND huyện Phúc Thọ, bước vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện có nhiều khó khăn như: Xuất phát điểm thấp; kinh tế nông nghiệp là chủ yếu; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; một bộ phận cán bộ và nhân dân còn ngại khó, thiếu tin tưởng…
"Định hướng của huyện trong thời gian tới là tiếp tục xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại theo hướng đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ…".
Ông Doãn Trung Tuấn -
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ
Với quyết tâm cao và xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá để tổ chức triển khai thực hiện, huyện Phúc Thọ đã ban hành hệ thống văn bản cụ thể hóa Chương trình số 02 - CTr/TU ngày 29/8/2011 của Thành ủy Hà Nội (về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020").
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tổng nguồn vốn huy động giai đoạn từ 2010 đến tháng 6/2020 của huyện là 3.684 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân.
"Với sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung đảm bảo nguồn lực, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia xây dựng NTM, hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được đầu tư tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống nhân dân được cải thiện…" - ông Doãn Trung Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ chia sẻ.
Nhiều bước đột phá trong nông nghiệp
Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Phúc Thọ triển khai thực hiện nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực. Đơn cử như mô hình xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Huyện Phúc Thọ đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, theo chuỗi liên kết giá trị, mỗi xã một sản phẩm chủ lực, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo quy trình tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch; đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Đến nay trên địa bàn huyện đã có nhiều vùng tập trung quy mô lớn như có liên kết giữa các hộ nông dân và HTX hoặc doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm như: Vùng rau an toàn Thanh Đa (50ha), vùng hoa, cây cảnh 150ha chủ yếu ở xã Tích Giang, Tam Thuấn...; vùng bưởi (337ha), tập trung tại các xã Vân Hà, Vân Nam, Hiệp Thuận, vùng Chuối xã Vân Nam (100ha), vùng trồng mướp hương (20ha) tại xã Vân Phúc, chăn nuôi lợn sinh học tại xã Thọ Lộc…
Về sản xuất theo chuỗi, huyện Phúc Thọ hiện có 7 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, như: Chuỗi thịt lợn sinh học của HTX sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ; bưởi Phúc Thọ của HTX nông nghiệp Vân Nam và HTX Hương Bưởi Phúc Thọ, liên kết với các hộ trồng bưởi; chuối Vân Nam của HTX Nông nghiệp Vân Nam...
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất cây trái vụ, ứng dụng công nghệ cao và liên kết chăn nuôi ở các xã, như: Sản xuất rau muống trái vụ và xây dựng thương hiệu rau muống Tiến vua Sen Chiểu; mô hình bẫy dính màu, không sử dụng thuốc BVTV trên cây cà pháo; mô hình bảo quản chuối ứng dụng công nghệ cao tại xã Vân Nam; mở rộng mô hình bưởi hữu cơ và VietGAP tại xã Vân Hà.