Giàu lên nhờ nuôi con đặc sản
Đến thôn Trường Định nằm ven sông Cu Đê, ai cũng sẽ ngỡ ngàng bởi cảnh sắc thiên nhiên hữu tình và con người chân quê hiền hòa. Đi đến đâu cũng gặp những ruộng dưa xanh ngát, những cánh đồng lúa trĩu bông, và ấn tượng nhất là những ao hồ nuôi tôm, cua, cá bè - những vật nuôi đặc sản đã góp phần tạo nên một làng quê sinh thái yên bình, trù phú.
Ông Đỗ Trực (54 tuổi) là người có 15 năm kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng tại thôn Trường Định, đồng thời cũng là Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi tôm, cua Trường Định. Ông cho hay, cả thôn hiện có 30 hộ đang tham gia nuôi trồng thủy sản.
"Bắt tay vào thử nghiệm nuôi tôm thẻ từ năm 2005 và qua nhiều đợt tập huấn, tôi cùng nhiều hộ dân trong thôn đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi tôm. Với lợi thế từ nguồn nước lợ ven sông, tôm thẻ ở đây phát triển tốt, ít khi bị dịch bệnh nên đem lại sản lượng cao, bà con lên đời cũng nhờ đó" - ông Trực hào hứng nói.
Hiện ông Trực có 8.000m2 ao hồ nuôi trồng hai vụ: Vụ 1 nuôi tôm (90 ngày), vụ 2 nuôi cua (75 ngày). Trung bình, mỗi vụ tôm đạt sản lượng 3 tấn, thu về khoảng 300 triệu đồng, trừ hết chi phí thì ông Trực còn lãi hơn 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, mô hình nuôi xen canh cua và tôm cũng đem lại nguồn lợi đáng kể cho gia đình ông Trực. Vụ 2 năm nay, ông Trực xuống giống 1.000 con cua, sản lượng ước tính đạt 200kg, với giá bán trên thị trường như hiện nay ông tính sẽ lãi khoảng 60 triệu đồng. Như vậy, từ các hồ nuôi tôm và cua, ông Trực lãi ròng trên 160 triệu đồng/năm.
"Nhiều năm qua mô hình nuôi trồng thủy sản tại thôn Trường Định đem lại hiệu quả cao cho hàng chục hộ dân nơi đây, cũng nhờ nuôi tôm, cua, cá mà nhiều hộ ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, tiêu biểu như các hộ ông Đỗ Trực, Trương Thu…".
Ông Trương Tấn Mạnh –
Chủ tịch UBND xã Hòa Liên
Ông Trực vừa kiểm tra chất lượng cua vừa cho hay, tuy cua dễ nuôi và ít công chăm sóc nhưng mức lãi thu được thấp hơn so với nuôi tôm thẻ chân trắng.
Đối với tôm, người nuôi phải canh chừng ao 24/24 giờ, cho ăn 4 lần/ngày và thường xuyên chạy quạt nước, sục khí oxy, kiểm tra tình hình sinh trưởng để kịp thời phát hiện các yếu tố bất thường.
Nếu thời tiết nắng nóng, tôm thẻ rất dễ mắc bệnh đốm trắng, gan tụy nên nếu không nắm vững kỹ thuật, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh thì nguy cơ mất trắng rất cao.
Mong được đầu tư thành vùng chuyên canh
Ông Trương Tấn Mạnh - Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, nhiều năm qua mô hình nuôi trồng thủy sản tại thôn Trường Định đem lại hiệu quả cao cho hàng chục hộ dân nơi đây, cũng nhờ nuôi tôm, cua, cá mà nhiều hộ ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, tiêu biểu như các hộ ông Đỗ Trực, Trương Thu…
Hiện diện tích ao hồ nuôi tôm, cua tại thôn Trường Định khoảng 30ha, tuy nhiên việc sản xuất của bà con chủ yếu mang tính tự phát, chưa được quy hoạch theo vùng chuyên canh. Chính vì vậy, việc áp dụng nuôi trồng thủy sản theo các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm còn nhiều trở ngại.
Ông Trực cho hay, hầu hết bà con ở đây nuôi theo kinh nghiệm là chính, trong đó các yếu tố quan trọng nhất quyết định vụ nuôi thắng hay thua là chất lượng con giống khỏe, nguồn nước sạch và nắm rõ quy trình kỹ thuật nuôi. "Nếu con giống không đạt chuẩn thì sinh trưởng kém, dễ mắc dịch bệnh. Bên cạnh đó, ao hồ chưa được quy hoạch theo vùng chuyên canh nên bà con gặp nhiều khó khăn trong xử lý nước thải, khiến chất thải nuôi trồng nhiều năm đang bị tồn đọng.
Mặc dù các hộ nuôi đều có ao chứa nước nhằm xử lý nước trước và sau khi nuôi trồng, tuy nhiên, ông Trương Thu - một hộ nuôi thủy sản tại thôn Trường Định vẫn không khỏi trăn trở: "Nguồn nước nuôi trồng thủy sản đang bị ô nhiễm bởi chất thải, mầm bệnh dù được xử lý kỹ nhưng vẫn rất lo ngại. Chỉ cần một ao nhiễm bệnh thì theo nguồn nước, những ao lân cận cũng không cứu chữa kịp. Do đó, vụ tôm vừa qua, cả thôn Trường Định chỉ có 6 hộ nuôi không bị nhiễm bệnh là trúng lớn".
Với 3.500m2 diện tích ao hồ nuôi tôm cua, ông Thu lãi ròng 140 triệu đồng/năm. Chính nhờ con tôm, con cua, mà đời sống gia đình ông Thu và nhiều hộ dân trong thôn Trường Định ngày càng khá giả, nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học…
"Chúng tôi rất mong được chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản để đảm bảo vệ sinh môi trường, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố về nguồn nước, chất thải, dịch bệnh…, từ đó tạo thành chuỗi liên kết sản xuất bền vững hơn cũng như khẳng định chất lượng tôm, cua Trường Định" - ông Đỗ Trực bày tỏ.