Dân Việt

Đầu tuần không có ca Covid-19 mới, vẫn phải đề cao cảnh giác với dịch

Diệu Linh 31/08/2020 06:09 GMT+7
Sáng 31/8, Việt Nam không ghi nhận ca Covid-19 mới. Liên tục nhiều ngày số ca mắc Covid-19 đã giảm mạnh. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, người dân phải kiên trì các biện pháp phòng dịch.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, tính đến 6h ngày 31/8, Việt Nam có 1.040 ca Covid-19, trong đó có 690 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 550 ca. 

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 57.097 người.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 40 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 48 ca, số ca âm tính lần 3 là 27 ca.

Đầu tuần không có ca Covid-19 mới, vẫn phải đề cao cảnh giác với dịch - Ảnh 1.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 11 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch, trong đó số tiên lượng rất nặng là 6/11 trường hợp và tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào là 5 trường hợp.

Số trường hợp mắc Covid-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng.

Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 32 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Số ca Covid-19 mắc mới trong 2 tuần qua liên tục giảm, ngày 30/8 còn không ghi nhận ca Covid-19 sau 35 ngày liên tục có ca mắc mới. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập và bùng phát tại Việt Nam luôn cận kề. 

Trước đó, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, ngành y tế và người dân cần phải cảnh giác với dịch bệnh. 

Theo GS Long, trong thời gian qua chúng ta đã chủ động, tích cực, các biện pháp phòng chống dịch, đến nay cơ bản đã đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay mầm bệnh đã ở trong cộng đồng nên sẽ tiếp tục có ca bệnh trong cộng đồng. Sẽ có những đợt dịch mới nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác. Phải luôn ghi nhớ dịch bệnh sẽ tồn tại cùng chúng ta trong thời gian dài nữa. Công tác phòng chống dịch cũng sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời gian trước. Lực lượng y tế phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với những gì chúng ta đã làm trước đây.

"Nếu không thần tốc, quyết liệt thì dịch sẽ lây lan nhanh hơn sự ứng phó của chúng ta. Phải khoanh vùng thật gọn, dập dịch thật nhanh, truy vết kịp thời và cách ly thật triệt để mới chặn được mầm bệnh trong cộng đồng", GS Long nhận định.