Chiều 1/9, tại Trung tâm Báo chí, TP.HCM tổ chức họp báo công khai thông tin liên quan đến đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Chánh Văn phòng - người phát ngôn UBND TP.HCM cùng chủ trì họp báo.
"Đây là điều hết sức đáng tiếc với đoàn ĐBQH TP.HCM"
Ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP.HCM, Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM) cho rằng, đây là điều hết sức đáng tiếc với đoàn ĐBQH TP.HCM. Trong đơn, ông Quốc nói là do gia đình bảo lãnh (từ vợ và con trai sau khi học tập, làm việc nhiều năm tại Síp), thông tin bỏ tiền ra mua là không chính xác.
"Thành phố rất thận trọng, vừa báo cáo lên cấp trên, vừa phối kiểm, kiểm chứng thông tin đầy đủ để có bước tiếp theo trong quá trình xem xét", ông Khuê cho biết.
Cũng theo ông Khuê, ông Quốc vừa nộp đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH và xin thôi việc ngày 25/8. Ông Quốc là ĐBQH thuộc Thành ủy quản lý, việc kiểm soát kê khai tài sản thực hiện ra sao, hàng năm các tổ chức Đảng và cơ quan đều yêu cầu cán bộ công chức thực hiện nghiêm kê khai tài sản.
"Đây là vấn đề hết sức khó, nếu là bất động sản, tài sản hiện hữu thì còn làm được, còn về tiền tệ, đá quý, mở tài khoản cá nhân thì hết sức khó", ông nói.
Ông Khuê cho rằng, ĐB Quốc làm đơn xin thôi nhiệm vụ, nhưng chiếu theo các quy định của luật, tư cách ĐB của ông Quốc phải được Quốc hội xem xét bãi miễn. Qua giải trình, ông Quốc vẫn nhất quán thông tin là do gia đình bảo lãnh do có những lý do riêng về công việc.
"Với trách nhiệm của ĐBQH, đảng viên giữ trọng trách quan trọng, với lương tâm trách nhiệm của ĐB, ông Quốc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ báo cáo với tổ chức, trách nhiệm với lá phiếu cử tri đã bầu mình", ông Khuê nói và cho biết thêm, trong đơn ĐB Quốc có bày tỏ sự ăn năn, đau lòng vì đã nhìn nhận sự việc dưới góc độ doanh nhân.
Ông Khuê cho biết, ngoài việc Quốc hội xem xét bãi miễn, giao Ban cán sự Đảng TP trên cơ sở công việc bổ nhiệm sẽ tạm đình chỉ để rà soát lại các công việc, đối chiếu với các quy định của luật pháp để có cách xử lý phù hợp. Tổ chức Đảng nơi ĐB Quốc sinh hoạt sẽ căn cứ vào sự tự nhìn nhận và báo cáo để xem xét, đối chiếu với các quy định của Đảng để xem xét trách nhiệm đảng viên, sau đó thông tin rộng rãi tới cử tri trên địa bàn. Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ ngồi lại vào thứ 6 này để có báo cáo toàn diện về sự việc này đẻ báo cáo ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan nơi ĐB Quốc là thành viên để xem xét toàn diện vấn đề 2 quốc tịch của một ĐBQH.
Trả lời câu hỏi "tại sao trong giai đoạn chuyển tiếp công việc của ông Quốc, có một khoảng thời gian ông Quốc đang chịu hình thức kỷ luật Đảng nhưng vẫn được bổ nhiệm", ông Khuê cho biết ban cán sự Đảng đang giao cho Sở Nội vụ cập nhật lại chi tiết thời gian này để xem đã làm chặt chẽ chưa.
"Vụ việc xảy ra đã lâu, có thể nói, hình thức kỷ luật của ĐB Quốc có liên quan đến trách nhiệm của tôi", ông Khuê thừa nhận.
Theo ông Khuê, năm 2018, đoàn ĐBQH TP.HCM có nhận được đơn của ĐB Quốc, không phải là đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH mà là đơn ông Quốc trình bày lại về việc xem xét kỷ luật Đảng trong thời gian ông Quốc là ĐBQH.
"Không phải vì việc có 2 quốc tịch mà phủ sạch mọi thành tích"
Tiếp tục trả lời câu hỏi "ĐB Quốc đang chịu kỷ luật Đảng mà vẫn được bổ nhiệm thì có đúng quy trình không", ông Khuê cho biết, cũng có lúc quy trình không chặt chẽ nhưng đây không phải là sự biến chất, biến đổi cán bộ mà nên tạo cơ hội để cán bộ nỗ lực khắc phục sửa sai, đáp ứng được yêu cầu công việc, nên có cái nhìn đánh giá sự việc chứ không nên quá cực đoan.
Còn đại diện Sở Nội vụ cho rằng, theo quy định, với những cán bộ bị khiển trách thì không được bố trí chức vụ cao hơn trong đơn vị đó. Còn việc luân chuyển công tác, bên cạnh do yêu cầu của công việc, còn có khoảng thời gian thi hành kỷ luật. Việc bổ nhiệm ông Quốc qua 5 bước theo đúng quy trình, còn theo quy định Luật cán bộ công chức viên chức dành cho công dân quốc tịch Việt Nam, ông Quốc có quốc tịch Síp là không đúng, nhưng vụ việc này bây giờ mới phát hiện. Thêm vào đó, luật chưa quy định người có quốc tịch khác không được bổ nhiệm cán bộ, mới sửa đổi là chỉ có duy nhất quốc tịch Việt Nam, áp dụng từ 1/1/2021.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng "việc kết luận ĐB Quốc giàu hay nghèo xin không bàn, đây là vấn đề riêng của ĐB. Không phải vì việc ĐB Quốc có 2 quốc tịch mà phủ sạch mọi thành tích, thành quả của ĐB đã làm được trên cương vị công tác của mình".
"Chúng tôi vẫn đánh giá cao những gì ĐB đã đóng góp cả trong công việc và công tác tại đoàn ĐBQH. Đây là bài học để các đại biểu tự nhìn nhận, tự soát lại mình để có nhận thức và việc làm đúng với vai trò, nhiệm vụ của mình", ông Khuê nói.
Trước đó, mở đầu cuộc họp báo, ông Từ Lương (Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM) cho biết, ngay sau khi có thông tin ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cộng hòa Síp, các cơ quan chức năng TP.HCM đã khẩn trương làm rõ thông tin. Ngày 25/8, ông Quốc có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH và thôi chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Thuận.
Ông Quốc đã thừa nhận rằng được gia đình bảo lãnh xin cấp quốc tịch Síp để thuận tiện đi lại. Ông cũng phủ nhận việc mua quốc tịch Síp với giá 2,5 triệu USD.
Còn ông Hà Phước Thắng (Chánh văn phòng UBND TP.HCM) khẳng định khi các cơ quan chức năng của TP giới thiệu ông Quốc ứng cử, vào thời điểm đó đầy đủ các yêu cầu theo đúng quy định của Quốc hội. Tháng 2/2018, ông Quốc có quốc tích Síp mà không khai báo là không trung thực, không đúng quy định của Đảng.
Ngày 27/8, ông Quốc có đơn giải trình báo cáo các đơn vị chức năng. Các đơn vị đã rà soát lại, có báo cáo hướng xử lý. Qua đề xuất của đoàn ĐBQH, lãnh đạo thành phố thống nhất xử lý:
1. Ngay trong tuần này lãnh đạo Thành ủy, TP sẽ họp để xem xét bãi miễn tư cách ĐBQH của ông Quốc 2. Lãnh đạo TP giao ủy ban thành ủy xem xét xử lý Đảng theo đúng quy định trong tháng 9
3. Ngay trong tuần này, UB giao Sở Nội vụ ra quyết định đình chỉ chức vụ tổng giám đốc Công ty Tân Thuận, làm rõ vai trò trách nhiệm của ông Quốc tại Công ty Tân Thuận trước thời điểm ông Quốc làm đơn xin thôi việc, xử lý trong tháng 9.
Ông Phạm Phú Quốc sinh năm 1968, quê Quảng Trị, là thạc sĩ quản trị kinh doanh, kỹ sư hàng hải. Ông hiện là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Từ tháng 7/1993 đến tháng 11/1994, ông Quốc là Trưởng phòng Tiếp thị Điều hành du lịch tại Công ty Phát triển đầu tư thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia. Giai đoạn 1994-2000, ông là Trưởng phòng Điều hành tour Công ty Du lịch Tân Định Fiditourist thuộc Tổng công ty Bến Thành.
Năm 2000-2009, ông Quốc kinh qua nhiều vị trí gồm Phó trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Trưởng phòng Quản lý dự án, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Bến Thành (trực thuộc Tổng công ty Bến Thành). Tháng 2/2014, ông Quốc được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Bến Thành.
Tháng 9/2015, ông Quốc rời Tổng công ty Bến Thành để trở thành Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HIFC). Tháng 5/2016, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016-2021) tại đơn vị bầu cử số 4, TP.HCM. Tháng 1/2018, ông Quốc được điều động, bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM.
Tháng 12/2019, ông nhận quyết định về làm Tổng giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) với thời hạn 5 năm. Tiền nhiệm của ông Quốc là Tề Trí Dũng, người đã bị khởi tố và bắt tạm giam vào giữa tháng 5/2019 vì tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ngày 28/9/2018, thời điểm ông Phạm Phú Quốc làm Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc HIFC, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM công bố quyết định thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ của công ty này. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xác định ông Phạm Phú Quốc cùng 3 ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy công ty đã vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.