ĐBQH Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch, có vi phạm luật?

PVCT Thứ tư, ngày 26/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã thừa nhận khi trả lời trên báo (báo Tuổi trẻ TP.HCM) việc ông có thêm quốc tịch Cyprus (Síp). Việc một ĐBQH ngoài quốc tịch Việt Nam lại có thêm quốc tịch khác có vi phạm luật?
Bình luận 0

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, ông cũng đã nắm thông tin ĐBQH Phạm Phú Quốc trả lời trên báo thừa nhận có quốc tịch Síp. "Nhưng về mặt thủ tục chúng tôi vẫn tiến hành xác minh đầy đủ theo quy trình. Sẽ yêu cầu ĐBQH báo cáo, Đoàn ĐBQH báo cáo và cơ quan chức năng xác minh. Sau khi có thông tin đầy đủ chúng tôi sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cơ quan này quyết định", ông Túy nói.

ĐBQH Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch, có vi phạm luật? - Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Phú Quốc trong phiên họp Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

PV đặt câu hỏi, việc một ĐBQH có 2 quốc tịch có đúng quy định của pháp luật? Trưởng Ban Công tác đại biểu thừa nhận Luật tổ chức Quốc hội hiện hành không quy định cụ thể nhưng tinh thần đã là ĐBQH thì không có 2 quốc tịch. Thông lệ quốc tế cũng vậy, ĐBQH không có 2 quốc tịch.

Trưởng Ban Công tác đại biểu dẫn lại câu chuyện bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường khi trúng cử ĐBQH khóa XIV bị phát hiện có thêm quốc tịch Cộng hòa Malta, Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp và bỏ phiếu không công nhận tư cách đại biểu của bà Hường, do vi phạm Luật quốc tịch Việt Nam. 

Cũng trao đổi về vấn đề một ĐBQH có thể có 2 quốc tịch hay không, ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Luật tổ chức Quốc hội hiện hành chưa quy định rõ ràng vấn đề liên quan đến quốc tịch của ĐBQH. Chính vì thế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội (được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV) đã bổ sung.

Cụ thể,  về tiêu chuẩn của ĐBQH, để đảm bảo tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra tình trạng vi phạm trong quá trình bầu cử ĐBQH như nhiệm kỳ khóa XIV, Luật đã bổ sung quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với ĐBQH. Theo đó ngoài những tiêu chuẩn chung, ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Luât sẽ có hiệu lực từ năm 2021.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem