Dân Việt

Từ vụ pate Minh Chay, thị trường thực phẩm chay đang được “thả nổi” thế nào?

Thanh Phong 04/09/2020 11:08 GMT+7
Sau vụ việc pate Minh Chay gây ra hàng loạt vụ ngộ độc nguy hiểm gây chấn động dư luận, người tiêu dùng có thói quen ăn chay phải giật mình trước tình trạng chất lượng các thực phẩm chay đang được “thả nổi”.

Bát nháo thị trường thực phẩm chay giả mặn

Những năm qua, thói quen sử dụng thực phẩm chay, đặc biệt, đồ chay giả mặn được người tiêu dùng ưa chuộng. Đối tượng khách hàng đa phần là người lớn tuổi, người theo đạo Phật, theo học các khóa tu tại các chùa,…

Đa phần các đối tượng nói trên đều có thói quen sử dụng đồ chay thường xuyên, chiếm phần không nhỏ trong số các bữa ăn. Ngoài ra, một số phật tử thường sử dụng đồ chay vào các ngày mùng 1, ngày rằm Âm lịch. Thậm chí, nhiều người lớn tuổi hướng tới việc ăn chay trường.

Đáp ứng nhu cầu nói trên, nhiều kênh bán hàng truyền thống tại các chợ cho tới online liên tục mở ra. Trong đó, chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vốn được biết đến như "thủ phủ" nguyên liệu chay. Tại đây, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm được các loại thực phẩm đóng gói như thịt viên, thịt bò, gà,… cho tới nguyên liệu gia vị chay có giá từ 15.000 – 100.000 đồng.

Từ vụ pate Minh Chay, thị trường thực phẩm chay đang được “thả nổi” thế nào? - Ảnh 1.

Sử dụng đồ chay giả mặn là thói quen của nhiều người dân những năm qua.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, khách hàng có thể thấy sản phẩm có thông tin niêm yết trên bao bì, nổi bật dòng chữ "Không chất bảo quản". Tuy nhiên, điều đáng ngờ, các thực phẩm, gia vị này có hạn sử dụng tới cả năm.

Tại khu chợ Hàng Bè – Gia Ngư (Hà Nội), từ lâu, dịch vụ chế biến đồ chay sẵn tại quầy như bánh bao, nem hoa quả,… phục vụ khách trong các dịp như mùng 1, ngày rằm, lễ Vu Lan đã rất phát triển.

Tuy nhiên, các thực phẩm chế biến tại đây được bày bán trên các quầy, bàn ngoài đường xe chạy, không có tủ bảo quản và khó xác định nguồn gốc, thời gian chế biến. Sau khi thông tin từ vụ ngộ độc pate Minh Chay khiến nhiều người nguy kịch, hoạt động bán đồ chay tại khu chợ này giảm hẳn.

Theo đó, nhiều khách hàng sử dụng đồ chay đã chuyển sang sử dụng đồ mặn và thay đổi hoàn toàn về quan điểm ẩm thực của mình. Bà Nhâm Thị Châu (68 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, từ khi gần 60 tuổi, bà đã có thói quen ăn chay để bảo vệ sức khỏe.

Bà Châu cho rằng, khi đã có tuổi, hệ tiêu hóa dần kém nên muốn sử dụng các thực phẩm chay để giảm bớt các chất đạm. Ngoài ra, là một phật tử, bà Châu cũng thường chuẩn bị cho gia đình các bữa ăn chay vào các ngày mùng 1, ngày rằm hoặc các dịp lễ của Phật giáo. Để phù hợp với khẩu vị của con, cháu không phải là Phật tử, bà Châu thường chọn các sản phẩm đồ chay giả mặn.

"Trước đây, tôi thường tự đi chợ mua các đồ chay, gia vị chay về chế biến. Tuy nhiên, hiện tại, có điện thoại thông minh cũng như đang có dịch Covid – 19, tôi thường đặt hàng có sẵn trên mạng cho tiện và đỡ mất thời gian. Các loại giò chả chay đông lạnh có giá dao động 70.000 - 120.000 đồng/kg, heo quay, đùi gà chay có giá khoảng 100.000-150.000 đồng/kg, sườn non chay giá 200.000-250.000 đồng một kg. Theo quảng cáo, các sản phẩm này được làm từ đậu hũ và nguyên phụ liệu tạo hương vị.

Sau khi mua về tôi thấy có bao bì ghi thông tin và cảm quan chất lượng thấy ổn, con cháu cũng thích ăn nên dự định sẽ thường xuyên mua. Nhưng khi có thông tin về việc pate Minh Chay gây ngộ độc thì chắc sau này dù muốn ăn tôi cũng sẽ tự chế biến như trước", bà Châu chia sẻ.

Không chỉ những đối tượng lớn tuổi, hiện tại, cả các khách hàng trẻ cũng quan ngại đối với các mặt hàng thực phẩm chay trên thị trường. Chị Nguyễn Vân Anh (24 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hiện tại, với đặc thù công việc bận rộn, các Phật tử trẻ thường xuyên sử dụng đồ chay bán sẵn.

"Sau khi có thông tin về vụ việc pate gây ngộ độc, chắc tôi sẽ phải thay đổi thói quen, lúc nào muốn ăn chay chỉ tự chế biến các món đơn giản cho đảm bảo, không mua đồ ăn sẵn nữa", chị Vân Anh bày tỏ lo lắng.

Nhiều hiểm họa

Được biết, từ lâu, các chuyên gia đã khuyến cáo về mối nguy hại từ các thực phẩm chay giả mặn. Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực Phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ, các thực phẩm như "đùi gà, sườn non, chả, giò chay" đều được làm từ bột mì, nấm... Vì vậy, để có màu sắc bắt mắt, bắt buộc nhà sản xuất phải thêm các chất định hình, chất tạo màu.

"Phụ gia chính là chất định hình để tạo hình cho giống các loại thịt, cá. Đây là những chất được bán trôi nổi trên thị trường và phần lớn không có nguồn gốc rõ ràng", ông Thịnh khẳng định.

Từ vụ pate Minh Chay, thị trường thực phẩm chay đang được “thả nổi” thế nào? - Ảnh 2.

Vụ việc pate Minh Chay gây ngộ độc khiến nhiều người tiêu dùng phải thay đổi quan điểm về việc sử dụng đồ chay giả mặn.

Ngoài ra, giới chuyên môn cũng cho rằng, những món chay giả mặn không thể thay thế mục đích ăn chay để thanh lọc cơ thể. Vì người ăn chay là phải ăn theo chế độ dinh dưỡng thuần khiết tự nhiên nhất mà thực phẩm chay giả mặn lúc này đã được bổ sung thêm vào nhiều chất khác vào có thể rất độc hại như chất bảo quản, chất tạo mùi cho giống thật, tạo vị, chất định hình… không rõ nguồn gốc, thậm chí ngay cả những nhà sản xuất cũng không biết được tác hại của nó.

Do vậy nếu ăn trong một thời gian dài và ăn liên tục hàng tháng thì không những đã không thanh lọc được cơ thể mà trái lại đang tự đầu độc cơ thể bởi những tác nhân xấu và sẽ gây ra một số bệnh về sau này.

Theo báo cáo mới cập nhật của Sở NN&PTNT Hà Nội, cơ sở sản xuất pate Minh Chay có 13 sản phẩm tự công bố (pate Minh Chay, pate nấm hầu thủ, ruốc nấm Heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo vị đặc biệt,…) với 21.540 đơn vị sản phẩm (hộp/gói) không đảm bảo an toàn thực phẩm đã được đưa ra thị trường.

Số liệu thống kê cho thấy có 11.771 khách hàng mua 13 loại sản phẩm của công ty, riêng sản phẩm patê Minh Chay 7.449 khách hàng. Trước đó, vào ngày 27/8, UBND huyện Đông Anh cũng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới số tiền 17,5 triệu đồng do không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm.