Dân Việt

Bắc Ninh: Nông dân trồng măng tây xanh lập chi hội nghề nghiệp, quyết chơi lớn với loại "rau hoàng đế"

Khương Lực - Nguyễn Chương 04/09/2020 17:56 GMT+7
Ngày 4/9, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức ra mắt Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh tỉnh Bắc Ninh với 32 hội viên. Chi hội được thành lập nhằm tạo sự liên kết giữa các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh măng tây xanh trên địa bàn, qua đó xây dựng thương hiệu để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm.

Tại buổi ra mắt, ông Vũ Huy Tuấn, thôn An Cường, xã Minh Tân, huyện Lương Tài được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh Bắc Ninh với 32 hội viên, gồm 30 hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh và 2 hội viên là đại diện đơn vị của Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh.

Bắc Ninh: Lập chi hội nghề nghiệp "rau vua" măng tây xanh đầu tiên trên quy mô toàn tỉnh - Ảnh 1.

Ông Trần Đăng Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh trao quyết định cho Ban chấp hành Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh Bắc Ninh.

"Việc thành lập Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh Bắc Ninh nhằm tạo điều kiện cho các hội viên có cơ hội liên kết, trao đổi, hỗ trợ nhau về kỹ thuật trồng măng tây xanh cũng như việc bảo quản, chế biến và đảm bảo ổn định nguồn tiêu thụ sản phẩm măng tây xanh trên địa bàn" - ông Tuấn cho biết.

Khi đi vào hoạt động, Chi hội sẽ tổ chức sinh hoạt 3 tháng 1 lần. Cùng với đó, Chi hội cũng lập diễn đàn trao đổi trên mạng xã hội, tổ chức giao lưu chia sẻ kinh nghiệm... 

Đây là dịp để các hội viên trao đổi, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi của từng thành viên trong chi hội và đưa ra giải pháp tốt nhất để phát triển sản xuất, chế biến và kinh doanh măng tây xanh. 

Qua các hoạt động này, Chi hội sẽ hỗ trợ các hội viên nâng cao giá trị sản phẩm và từng bước xây dựng thương hiệu và đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm măng tây xanh. Chi hội đặt mục tiêu kết nạp thêm khoảng 10 hội viên trong năm 2020-2021.

Bắc Ninh: Lập chi hội nghề nghiệp "rau vua" măng tây xanh đầu tiên trên quy mô toàn tỉnh - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đăng Khang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại buổi lễ ra mắt Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh Bắc Ninh.

Măng tây được con người biết đến đã từ rất lâu, xuất phát từ châu Âu và được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1960 nhưng gần đây mới được chú trọng và mở rộng phát triển. Tại Bắc Ninh, măng tây xanh được đưa vào trồng thương mại từ năm 2012 với 1 - 2 hộ trồng quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa có thu nhập chính từ sản xuất măng tây xanh. 

"Lúc cao điểm có khoảng 29 hộ trồng với diện tích gần 20ha, đến năm 2020 còn khoảng 27 hộ sản xuất, kinh doanh măng tây ở các huyện, thị xã. Phần lớn diện tích trồng măng tây xanh đã có giấy chứng nhận VietGap, trồng theo hướng hữu cơ, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đạt yêu cầu cung cấp vào siêu thị" - ông Vũ Huy Tuấn cho biết.

Bắc Ninh: Lập chi hội nghề nghiệp "rau vua" măng tây xanh đầu tiên trên quy mô toàn tỉnh - Ảnh 3.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh và Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh Bắc Ninh giới thiêu các sản phẩm măng tây xanh tươi và bột măng tây, chè túi lọc măng tây, măng tây sấy khô.

Trung bình mỗi ngày các chủ hộ, chủ trang trại thu 50 - 60 kg măng/ha và bán ra với giá 60.000 - 100.000 đồng/kg. Ngoài sản phẩm măng tây xanh tươi, các hội viên trong Chi hội đã sơ chế, chế biến măng tây xanh như: bột măng tây, chè túi lọc măng tây, măng tây sấy khô. 

Măng tây nổi tiếng với hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu hàm lượng vitamin và khoáng chất, rất tốt cho cơ thể con người, được liệt kê vào danh mục cây dược liệu, có tác dụng bảo vệ tim mạch, phòng và chữa bệnh ung thư, tốt cho đường tiết niệu và đường ruột, chống lão hóa…

Đóng góp ý kiến thảo luận, ông Nguyễn Văn Tiệp, thôn Thượng Trì Ấp, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành - một hội viên của Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh Bắc Ninh cho biết, cây măng tây xanh được đưa vào trồng ở tỉnh Bắc Ninh được 6-7 năm, nhưng diện tích có lúc mở rộng, có lúc thu hẹp. 

Vì thế, ông mong muốn Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh và các cấp chính quyền quan tâm, đưa cây măng tây xanh vào danh mục ưu tiên phát triển và hỗ trợ giống, vốn vay ưu đãi cho các hộ nông dân. 

Đồng thời, đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm măng tây chế biến như: chè túi lọc măng tây, bột măng tây... để tìm kiếm các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đăng Khang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc thành lập Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh tỉnh Bắc Ninh là việc làm thiết thực để cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII về việc đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. 

Đây là chi hội nghề nghiệp đầu tiên mang quy mô toàn tỉnh nhằm tập hợp, liên kết các hội viên sản xuất, chế biến, kinh doanh măng tây xanh, tạo sức cạnh tranh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu măng tây xanh trên địa bàn tỉnh. 

Tính đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 3 Chi hội Nông dân nghề nghiệp và 32 Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. 

Trong thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tiếp tục thành lập thêm các Chi hội Nông dân nghề nghiệp và các tổ hội nông dân nghề nghiệp, qua đó, đa dạng hóa các hình thức tập hợp hội viên và đổi mới cách thức sinh hoạt của hội và góp phần xây dựng mẫu hình nông dân thế hệ mới, xuất sắc, tiêu biểu và đổi mới.