Thời gian gần đây trên địa bàn TP.HCM xuất hiện nhiều nhóm người lừa bán mật ong rừng rởm, chúng gọi điện thoại thân mật nói đúng tên chủ thuê bao, thông báo giao mật ong đến tận nhà… Chiêu trò này đã khiến không ít gia đình đã dính bẫy lừa, mất tiền oan mua phải mật ong rừng rởm.
Đến bây giờ, anh Trần Văn Hùng (quận 4, TP.HCM) vẫn chưa hết bực tức vì bị mắc lừa bởi những kẻ bán mật ong rừng rởm.
Theo lời anh kể, buổi sáng khi đang làm việc ở cơ quan thì anh nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ gọi đến, 090322xxxx, giọng người đàn ông đầu dây chào thân mật rồi tự nhận mình từng ngồi nhậu với anh cùng vài người bạn khác.
“Nghe nói hôm trước anh cần mật ong rừng để ngâm thuốc gì đó, em có người quen trên Tây Nguyên mới đi rừng về có vài lít mật nguyên chất nên sẵn tiện em đưa qua cho anh luôn”, người đàn ông lạ nói ngọt như mật.
Đang cố nhớ xem người đàn ông đó là ai, nhưng thực sự anh cũng có nhu cầu sử dụng mật ong rừng. Nếu mà từ chối thì cảm thấy khó xử, lỡ đó là người quen thật nên anh Hùng đã cho địa chỉ nhà và gọi điện thoại về dặn vợ chờ nhận hàng.
Đến tối về nhà anh mở mật ong ra xem thì phát hiện đó là hàng giả, nếm thử thấy có vị đắng, màu nhạt như hóa chất pha. Khi hỏi vợ thì được biết đã đưa cho người giao hàng 800.000 đồng lấy 2 lít “mật ong rừng”. Lúc này anh Hùng mới ngồi nhớ lại cuộc điện thoại hồi sáng mà càng bực mình, không hiểu sao tụi lừa đảo này lại có số điện thoại và gọi đúng tên anh rất thân mật.
Cũng với chiêu lừa này, kẻ xấu đã lừa được chị Nguyễn Thu Hà (quận 2) mua cả 4 lít “mật ong rừng” với số tiền 1,6 triệu đồng.
Theo lời chị Hà kể, buổi sáng đang đi chợ thì thấy số điện thoại lạ gọi nói đúng tên, địa chỉ nhà rồi bảo có người em trên Tây Nguyên mua tặng chai mật ong rừng nên biếu gia đình chị dùng thử. Cũng vì có nhiều bà con ở Tây Nguyên nên chị không hỏi rõ là ai, người này cứ giục chị về nhà ngay để lấy mật ong rừng.
“Chỉ vì sợ quà biếu mà cứ vặn hỏi thì e mất lòng nên tôi đành gọi điện về dặn người nhà ra nhận hàng “mật ong rừng” từ Tây Nguyên gửi xuống. Ấy vậy mà, khi tôi về nhà rót mật ra nếm thử thì toàn vị đường, vội hỏi người nhà thì mới té ngửa khi biết đã đưa đủ tiền cho người giao mật”, chị Hà ấm ức.
Không chỉ ở TP.HCM mà những ngày qua, rất nhiều người dân trên địa bàn huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng “dính chiêu lừa” của một số người tự xưng đang công tác cơ quan nhà nước hay quen biết sẵn hẹn sẽ giao mật ong rừng mà gia đình đã đặt mua trước đó đến đúng địa chỉ nhà. Các đối tượng này chỉ nhắm đến gia đình cán bộ, công chức đang làm việc trong cơ quan nhà nước của huyện.
Đó là trường hợp của chị P.T.T. (thị trấn Ngãi Giao) kể, vài ngày trước, khi đang đi làm thì chị nhận được một cuộc gọi lạ. Vừa nhấc máy thì nghe giọng một người đàn ông phía đầu dây bên kia vồn vã ngọt sớt: “Chào chị T., em Lợi đây, chị khỏe không?”.
Chị T. đang ậm ừ vì chưa nhận ra người quen thì người đàn ông kia lại nhắc nhớ tiếp: “Em là người hôm trước cùng đi chung đoàn du lịch với chị đó. Hôm nay thằng em ở dưới Phan Rang mới đem về 5 lít mật ong rừng, muốn chia lại cho chị một ít, chỗ quen biết em mới gọi cho chị chứ mật ong này mua không có đâu”.
Không chút nghi ngờ, chị T. hỏi giá bao nhiêu, đầu dây bên kia chào giá 700.000 đồng/lít. Thấy người quen, không mua thì ngại nên chị T. đành đặt mua 1 lít và dặn đem giao tận nhà giúp.
Vài ngày sau, chị T. cố nhớ mãi về người “tốt bụng” nào sẵn sàng chia sẻ mật ong rừng cho mình nhưng chẳng thể nhớ ra. Khi chị T. kể chuyện cho một đồng nghiệp nghe mới tá hỏa khi biết mình đã bị lừa.
Theo những đồng nghiệp của chị T. xác nhận, họ cũng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ giống hệt chị, tự xưng tên Dũng làm ở Ban Quản lý thị trường của huyện rồi bảo vì chỗ quen biết và đã trót hứa trong bữa nhậu hay cuộc gặp hôm trước nên mới chia sẻ lại cho mấy lít “mật ong rừng”.
Do vậy, đa số mọi người nể nang nghĩ người quen tốt bụng mới nghĩ đến mình nên chẳng nghi ngờ gật đầu mua liền. Tuy nhiên, cũng có người nghi ngờ gặng hỏi thêm thì người gọi điện thấy “khó ăn” nên cúp máy một đi không quay trở lại.
Sau đó, chị T. đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội thì nhận được hàng trăm bình luận phản hồi, đa số đều than rằng mình cũng vừa dính chiêu lừa mua “mật ong rừng” nhưng tiền mất, rược mật đắng về nhà.
Hiện nay không ít người thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại nửa lạ, nửa quen để giao hàng lừa đảo và nhiều người đã bị sập bẫy, tốn từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng mua phải hàng giả.
Điều đáng nói, nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao những người gọi đến để bán mật ong rừng đều kể đầy đủ họ tên, nơi ở, nơi làm việc…để người nhận cuộc gọi tin rằng cả hai bên có mối quan hệ quen biết.
Trên thực tế, bọn lừa đảo dễ dàng lấy thông tin cá nhân (số điện thoại, địa chỉ nhà, nơi làm việc) của nhiều người thông qua các công ty rao bán thông tin cá nhân trên mạng.
Hành vi lừa đảo như trên còn khá mới khiến những ai nhẹ dạ cả tin sẽ rất dễ bị dính chiêu lừa. Do đó, mọi người, mọi gia đình nên cảnh giác, khi nhận được những cuộc gọi đáng ngờ như vậy và nên báo ngay cho cơ quan chức năng để truy bắt ngay khi các đối tượng lừa đảo đến nhà giao hàng.
Cũng như những trường hợp vừa đề cập trong bài viết, các đối tượng mà những người này nhắm tới hầu hết là cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan nhà nước tại địa phương.
Mới đây, qua quá trình trinh sát, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã bắt quả tang một số đối tượng chuyên có hành vi lừa đảo là bán mật ong rừng giả trên địa bàn TP. Biên Hòa. Chỉ bằng số tiền vài chục ngàn mua nguyên liệu và thủ đoạn đơn giản, đối tượng đã lừa bán mật ong giả cho nhiều người với giá cắt cổ.
Các đối tượng này đã khai nhận từ cuối năm 2018 tự mua đường mía về pha với nước sôi cùng một số phụ gia, sau đó chiết vào những chai nhựa để chia nhau đem rao bán là “mật ong rừng”.
Để dễ dàng lừa được người mua, phía phần trên cổ chai nhựa, chúng rót vào khoảng 1 muỗng mật ong nuôi rồi sẵn sàng cho người dân nếm thử và ngửi mùi để lấy lòng tin. Với thủ đoạn này, hàng ngày các đối tượng đã len lỏi vào các khu dân cư lừa bán cho nhiều gia đình người dân với giá 1 lít từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng, trong khi nguyên liệu để chúng pha chế chỉ mất khoảng 80.000 đồng.
Sử dụng chiêu trò gọi điện thoại thân mật, nói đúng tên chủ thuê bao, quen biết trong trường hợp nào, sau đó đối tượng lừa thông báo sẽ giao “mật ong rừng” mà bạn đã đặt mua trước đó, khiến rất nhiều người, nhiều gia đình đã bị dính bẫy khi nghe chúng “rót mật vào tai” và sẵn sàng bỏ ra từ 500 ngàn đến tiền triệu để mua loại mật ong không rõ nguồn gốc.
Theo tìm hiểu, mật ong rừng do khai thác không được nhiều và hoang dã nên rất được ưa chuộng, có giá đắt hơn mật ong nuôi. Lợi dụng điều đó, nhiều người đã pha trộn giữa mật ong rừng với mật ong nuôi để hưởng chênh lệch giá.
Trao đổi với PV KTGĐ, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho rằng: “Vậy, tại sao các đối tượng bán luôn gắn thêm từ “rừng” vào mật ong? Chỉ vì người tiêu dùng quá cầu toàn và thiếu thông tin, kiến thức thực tế nên mới nghe rao “mật ong rừng” đã tin hàng tốt thật. Hiện nay trong nhiều siêu thị cũng đang bán các loại mật ong, có quảng cáo cả mật ong rừng, nhưng thực tế không có yếu tố “rừng” nào mà chủ yếu là chất đường pha chế”.
Theo PGS.TS Nguyệt, ngày xưa thì rừng vàng biển bạc, tôm cá đầy sông, mật ong rừng hoang dã… săn dễ và nhiều. Tuy nhiên, ngày nay tìm mật ong rừng hoang dã gần như “mò kim đáy biển” vì nạn cháy rừng, diệt chủng ong rừng do người dân bắt đốt ong vô tội vạ.
Có người còn dùng chiêu thức cho nước đường vào mật ong nuôi, rồi thêm xirô, chất tạo sệt, hương liệu, màu và các chất chống kết tinh. Do đó, chất lượng mật ong bây giờ “vàng thau lẫn lộn” rất khó phân biệt, người mua nên chọn những nơi bán đáng tin cậy, có uy tín, có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng để tránh tiền mất mà lại rước bệnh vào thân…