Dân Việt

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thăm trang trại nuôi con đặc sản, trồng cây đặc sản của nông dân xuất sắc

Trần Quang 05/09/2020 13:53 GMT+7
Bà Phùng Thị Thơ ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Nội)-1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019 được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh. Ngày 3/9, trực tiếp đến thăm trang trại nuôi con đặc sản, trồng cây đặc sản của bà, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng rất ấn tượng.

Đồng chí Thào Xuân Sùng thăm trang trại nông nghiệp độc đáo của bà Phùng Thị Thơ, ở huyện Ba Vì (TP Hà Nội).

Nông dân xuất sắc thời đổi mới

Ngày 3/9, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đến thăm và trải nghiệm không gian sinh thái độc đáo tại trang trại của bà Phùng Thị Thơ ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì (TP Hà Nội).

Người biến "sỏi đá thành cơm" được Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam vinh danh - Ảnh 2.

Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khen ngợi cách làm nông nghiệp sáng tạo của bà Phùng Thị Thơ (đứng giữa), nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019 ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Nội)

Điều đặc biệt hơn là từ ngày khai hoang lập trại đến giờ thành công, vợ chồng bà chưa phải vay bất kỳ một đồng vốn nào mà luôn xác định phát triển dần từ nhỏ đến lớn bằng chính nguồn lực đang có.

Đó cũng chính là lý do vì sao trang trại đang nuôi trồng rất nhiều loại cây, con. "Để quay vòng đồng vốn mà không phải đi vay, tôi chọn cách lấy ngắn nuôi dài. 

Cây 1 tháng tuổi cho thu hoạch sẽ nuôi cây 3 tháng tuổi, cây 3 tháng lại nuôi cây 6 tháng, cây 6 tháng lại nuôi cây 1 năm," bà Phùng Thị Thơ tiết lộ về hiệu quả của mô hình tổ hợp chăn nuôi tại gia đình mình.

Để tạo lòng tin và thu thút nhiều khách hàng mua sản phẩm của mình, ngay từ khi mới vào nghề, bà Thơ đã xác định phải làm ra sản phẩm sạch, an toàn để tạo thương hiệu cho riêng mình. Nhất là việc sử dụng các nguyên liệu thảo dược làm thuốc phun phòng, trị sâu, bệnh đến việc bao trái cây đều được trang trại thực hiện nghiêm ngặt.

Bênh cạnh đó, vợ chồng bà Thơ cũng lắp đặt hệ thống tưới tự động, tưới tiết kiệm để chăm sóc vườn bưởi, nhãn đặc sản. Nhờ thế mà hàng năm, các cây bưởi, nhãn ra sai trĩu quả, mua vụ năm nào cũng bội thu.

Chính vì thế mà ngày càng nhiều công ty phân phối thực phẩm có thương hiệu tìm về đề nghị trang trại làm thương hiệu để cung cấp sản phẩm thường xuyên. Bà Thơ cũng chỉ suy nghĩ mộc mạc "cứ làm ra sản phẩm sạch và chất lượng là được người tiêu dùng đón nhận".

Thực tế đã chứng minh, dù chưa có tên thương hiệu cụ thể, nhưng nhiều năm nay, trang trại nằm tận cuối làng, sát chân núi Ba Vì đã trở thành "địa chỉ đỏ" cho nhiều nông dân khắp nơi đến học hỏi kinh nghiệm.

Người biến "sỏi đá thành cơm" được Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam vinh danh - Ảnh 3.

Khu vườn bưởi đặc sản của gia đình bà Thơ chuẩn bị đến vụ thu hoạch.

Dù trang trại của vợ chồng bà Thơ rộng trên 14ha nhưng hầu như các diện tích đất đều được tận dụng triệt để. Từ việc bố trí cây trồng, chuồng trại chăn nuôi trâu bò, lợn rừng, gà đồi đều rất bài bản, khoa học.

Ít ai ngờ được rằng, nơi đây trước kia là khu đồi núi bỏ hoang cằn cỗi. "Sau hàng chục năm gây dựng, đến giờ cả trang trại của tôi nhìn đâu cũng thấy tiền, thấy vàng", bà Thơ hồ hởi khoe với mọi người.

Khi chia sẻ về thu nhập của trang trại, vợ chồng bà Thơ đều khiến cho mọi người trong đoàn công tác không khỏi ngạc nhiên. 

Riêng, đàn lợn rừng hàng trăm con, 30 vạn gà đồi nuôi quay vòng trong năm và ao cá, nuôi trâu, bò thương phẩm, tiền bán hàng vạn quả bưởi, dứa, nhãn đặc sản... Mỗi năm gia đình bà Thơ có doanh thu hàng chục tỷ đồng.

"Riêng tiền trả công cho công nhân, chi phí đầu tư vào trang trại mỗi năm chúng tôi cũng tốn vài tỷ đồng", bà Thơ bộc bạch.

Đánh giá về quá trình sản xuất của nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 ở Ba Vì (Hà Nội), người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: Từ một vùng đồi núi hoang, sỏi đá, cằn cỗi đến giờ bà Thơ và gia đình đã gây dựng thành một trang trại trù phú, giàu có. Qua đó cho thấy, chủ trang trại này có một nghị lực rất phi thường, bà xứng đáng được vinh danh là người hùng trong thời đổi mới.

Người biến "sỏi đá thành cơm" được Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam vinh danh - Ảnh 4.

Đồng chí Thào Xuân Sùng thăm khu chăn nuôi gia súc tại trang trại của bà Thơ.

Nhiều cách làm hay 

Vừa đi thăm quan xung quanh trang trại, đồng chí Thào Xuân Sùng để ý rất tỉ mỉ các công nghệ, giải pháp chăn nuôi hiện đại đang được áp dụng tại trang trại. "Qua khảo sát các khu vực chăn nuôi, trồng trọt ở trại, chúng tôi thấy chủ nhà áp dụng các công nghệ mới vào phục vụ nuôi lợn, trồng bưởi, dứa... rất hiệu quả. 

Nhất là việc áp dụng công nghệ tưới tự động, vừa giúp tiết kiệm tài nguyên nước vừa giúp cây trồng luôn xanh tốt, hay biện pháp bao trái cây phòng sâu bệnh hại, để cỏ nhỏ cộng sinh  phủ gốc dứa đều rất hay và hữu ích", người đứng đầu T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khẳng định.

Bà chủ mô hình tổ hợp nông nghiệp độc đáo được Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đến nhà vinh danh là ai? - Ảnh 5.

Lần đầu được Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đến thăm và khen ngợi thành tích sản xuất, hai vợ chồng bà Thơ cảm thấy rất cảm kích và phấn khởi.

Góp ý thêm với hội viên nông dân của mình, đồng chí Thào Xuân Sùng lưu ý, để các cây bưởi đặc sản đạt hiệu quả và chất lượng cao hơn, chủ trang trại cần phải để ý và có giải pháp khai thác, thu hoạch quả theo đúng quy trình kỹ thuật, tránh việc khai thác trái sớm, để quả quá nhiều trên mỗi cây sẽ gây hại và làm giảm tuổi thọ, năng suất của cây trồng.