Năng suất cá tăng gấp 3 lần
Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP với quy mô 25ha tại 5 huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên. Tham gia mô hình, các hộ nuôi được Trung tâm hỗ trợ 50% con giống; 50% chế phẩm sinh học dùng để xử lý môi trường định kỳ trong ao và 50% thức ăn, chế phẩm sinh học.
Hộ gia đình nông dân trẻ Lê Văn Lâm (SN 1986) ở xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên là 1 trong nhiều hộ được chọn tham gia mô hình điểm nuôi cá VietGAP và có thu nhập cao.
Nhờ chăn nuôi cá theo hướng VietGAP và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, hiện trung bình mỗi năm gia đình anh Lâm xuất bán ra thị trường 80 - 85 tấn cá, doanh thu trung bình đạt 3 - 3,5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lãi 800 triệu đồng/năm.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, bằng việc xây dựng các mô hình trình diễn, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã đưa các tiến bộ khoa học công nghệ đến gần với bà con nông dân, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi, gia tăng hiệu quả sản xuất.
Qua đó giúp nông dân dần thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Anh Lâm cho biết: Đầu năm 2016, vợ chồng anh thuê hơn 4ha đồng chiêm trũng kém hiệu quả của xã Quang Lãng để đào ao thả cá. Thời gian đầu do chưa có vốn và kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế mô hình nuôi cá nước ngọt chưa cao. Con cá còi cọc, chậm lớn, thị trường tiêu thụ cũng vô cùng khó khăn.
Cơ hội đến khi năm 2019, gia đình anh Lâm là một trong những hộ được chọn làm mô hình điểm nuôi cá theo quy trình VietGAP.
Cùng với sự hỗ trợ của Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, anh Lâm đã mạnh dạn đầu tư hơn 3 tỷ đồng cải tạo lại diện tích ao nuôi và sắm sửa thêm các thiết bị hiện đại để phục vụ nuôi cá.
Theo đó, với diện tích 11 mẫu ao, anh Lâm thiết kế thành 6 ao nuôi, trong đó có 4 ao cá thương phẩm và 2 ao cá giống. Trên ao nuôi có lắp đặt hệ thống sục khí, máy quạt nước và máy cho cá ăn.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi cá VietGAP, anh Lâm ghi chép đầy đủ nhật ký quá trình nuôi cá, từ vào giống đến chăm sóc, thu hoạch. Sau 2 năm nuôi cá theo quy trình VietGAP, anh Lâm nhận thấy có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống. Người nuôi cá có thể theo dõi, quản lý được suốt quy trình nuôi, giảm thiểu rủi ro, dịch bệnh. Ngoài ra, có thể cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường.
"Cùng một diện tích ao nuôi 2 mẫu, trước đây tôi chỉ thu được 4 - 5 tấn cá/năm nhưng nuôi theo hướng VietGAP và ứng dụng công nghệ, năng suất đã tăng lên gấp 3 lần, đạt 17 - 18 tấn/năm. Đặc biệt, cá thu hoạch có chất lượng thơm ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên rất dễ bán" - anh Lâm so sánh.
Tương tự, hộ ông Nguyễn Duy Hùng (ở xã Trung Tú, Ứng Hòa) cũng rất phấn khởi khi được tham gia mô hình nuôi cá VietGAP.
Ông Hùng cho biết: Dù có kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi cá thương phẩm, song chưa khi nào ông vơi nỗi lo dịch bệnh với ao nuôi cá hơn 1ha của gia đình. Tuy nhiên, khi tham gia mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai, đàn cá lớn nhanh, ăn khỏe, kháng bệnh tốt mà người nuôi cũng bớt vất vả nhờ ao nuôi luôn sạch.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá VietGAP, anh Lê Văn Lâm cho biết: Nuôi cá theo quy trình này phải tuân thủ 4 "định": Vị trí ăn cố định, đúng định lượng thức ăn, giờ ăn cố định và chất lượng cám ổn định. Một ngày cho ăn 3 bữa vào các khung giờ cố định: Sáng 8 - 9 giờ, trưa: 12 - 13 giờ, chiều: 16 - 17 giờ. Tùy theo thời tiết và sức ăn của con cá, người nuôi sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Bình quân 1 tạ cá thương phẩm chỉ cho ăn 1,5 - 2kg cám/ngày.
Để phòng bệnh cho cá, đều đặn mỗi tháng từ 4 - 6 lần anh Lâm dùng các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi, làm sạch nguồn nước và chuyển hoá các chất thải, thức ăn thừa thành phù du có lợi cho con cá. Bên cạnh đó, anh Lâm còn thường xuyên bổ sung các loại vitamin, tỏi trộn lẫn với thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
Hỗ trợ nhân rộng mô hình
Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có 23.400ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó có 4.300ha diện tích nuôi tập trung, sản lượng đạt 78.482 tấn.
Những năm gần đây, tại các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn TP.Hà Nội, người nuôi đã thay đổi sang phương thức thâm canh có áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong các ao nuôi vẫn xảy ra tràn lan, dẫn đến tồn dư trong các sản phẩm thủy sản.
Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện các mô hình nuôi thủy sản VietGAP nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các mô hình khuyến nông không chỉ đơn giản là cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật sinh động theo cách "cầm tay chỉ việc", mà còn hỗ trợ tích cực về giống, vốn... giúp nông dân vượt qua khó khăn, yên tâm sản xuất.
Trong đó, mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP chú trọng việc xử lý môi trường, phòng bệnh bằng các chế phẩm sinh học. Qua đó, nâng cao ý thức của người nuôi trong việc ghi chép quá trình sản xuất, để sản phẩm cá khi xuất bán ra thị trường có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và giá bán cũng sẽ ổn định hơn.