Dân Việt

Cảnh báo tai nạn thương tích trong trường học: Những bài học không thể để lặp lại

Hà My – N.D 09/09/2020 06:00 GMT+7
Vụ việc 3 học sinh tử vong do đổ cổng trường ở Lào Cai ngay sau ngày khai giảng năm học mới đã khiến không ít người bàng hoàng, đau xót. Đáng nói, đây không phải là sự cố đầu tiên liên quan đến an toàn trường học khiến học sinh là người phải chịu hậu quả…

Giọt nước mắt phía sau cổng trường

Học sinh trên cả nước đã chính thức bước vào năm học mới 2020 - 2021 với tâm thế đón nhận nhiều đổi mới, thách thức. Ngành giáo dục cũng được ghi nhận có nhiều nỗ lực để bắt đầu một năm học mới trong dịch Covid-19. Sau ngày khai giảng, gần 23 triệu học sinh đã tham dự buổi học đầu tiên vào ngày 7/9 trong không khí hân hoan, phấn khởi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những tiếng thở dài, nỗi buồn đau đáu vì cái chết thương tâm của 3 học sinh lớp 1 tại một điểm trường thuộc xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Cụ thể vào khoảng 13h30 ngày 7/9, một nhóm học sinh gồm 6 em rủ nhau chơi đùa, đánh đu trên cánh cổng trường.

Cảnh báo tai nạn thương tích trong trường học: Những bài học không thể để lặp lại - Ảnh 1.

Chị Giàng Thị Chén - mẹ bé Ma Thị X - 1 trong 3 học sinh tử vong trong vụ tai nạn ngồi thất thần đau đớn vì mất con. Ảnh: Gia Đoàn

Ngay tối 7/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các cháu bị nạn và thăm hỏi gia đình, các cháu bị thương đang được chữa trị. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung chữa trị tích cực, kịp thời cho các cháu học sinh bị thương. Các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo Thủ tướng. Bên cạnh đó, công điện yêu cầu Bộ GDĐT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra rà soát cơ sở vật chất, trường lớp học, nhất là trong mùa mưa bão, bảo đảm an toàn cho học sinh ngay từ đầu năm học 2020-2021.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Ninh - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Lào Cai, khi các em đánh đu, cánh cổng cùng trụ cổng bất ngờ đổ xuống đè lên các em. Vụ việc làm 3 học sinh tử vong tại chỗ (2 học sinh tiểu học, một trẻ mầm non), 3 em bị thương phải đưa đi cấp cứu. Ba học sinh bị thương hiện sức khỏe đã ổn định. Cũng theo lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Lào Cai, cần làm rõ nguyên nhân vụ việc xuất phát từ điều kiện khách quan do mưa hay do chất lượng công trình để xử lý.

Được biết, cổng trường nằm trên một con dốc, cách mặt đường chừng 2m. Theo bà Nguyễn Thị Trâm - Bí thư xã Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, Lào Cai) thì khu vực xảy ra vụ sập cổng trường nằm trên nền đất dốc, nhiều ngày nay xảy ra mưa lớn, khiến mặt đất mềm nhão. Công trình được xây dựng từ năm 2016, tính đến nay mới được 5 năm.

Không chỉ có vụ việc trên, trước đó, hàng loạt vụ tai nạn thương tích gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra trong trường học khiến phụ huynh không khỏi lo lắng.

Trước đó, ngày 22/5, nam sinh N.T.A (15 tuổi, học Trường THCS Quyết Thắng, TP.Hải Dương) đã tử vong do bị điện giật ở trường học trước đó. Cụ thể, chiều 8/5, A cùng các bạn trong lớp thực hiện lao động theo sự phân công của giáo viên nhà trường là cắt, tỉa cành cây phi lao phía sau sân trường. A xung phong leo cắt tỉa cành cây. Trong quá trình làm, A bất bất ngờ bị điện cao thế giật ngã xuống đất, tỷ lệ thương tích nặng. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng nam sinh này đã không qua khỏi.

Ngày 26/5, một vụ tai nạn thương tích hy hữu khác đã xảy ra tại Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM. Cụ thể, một cây phượng vĩ tại sân trường đã bật gốc, đè vào người một nhóm học sinh khiến cho em N.T.K tử vong. Ngoài em K, nhiều học sinh khác cũng bị thương nặng, trong đó có 4 em bị gãy xương.

Đầu tháng 12/2019, em N.P.Q.B (học sinh lớp 7, học Trường THCS Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM) cũng tử vong tại trường do bị bạn học đá bóng trúng ngực.

Báo động tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp

Cảnh báo tai nạn thương tích trong trường học: Những bài học không thể để lặp lại - Ảnh 3.

Hiện trường vụ tai nạn khiên 3 trẻ em tử vong ở Lào Cai. Ảnh: I.T

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Hội đồng đội T.Ư nhận được 289 báo cáo của các tỉnh, thành đoàn phản ánh về các vụ việc liên quan đến trẻ em. Đáng lưu ý trong số đó, có 160 vụ đuối nước, 52 vụ tai nạn thương tích, 77 vụ xâm hại trẻ em. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo an toàn cho trẻ em, tuy nhiên đây vẫn là con số đáng lo ngại.

Theo ông Phạm Hùng Anh -Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT) cho biết, thời gian qua, do một số trường học được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, hư hỏng nên dẫn đến một số sự việc như: Sập nền nhà vệ sinh, sập sàn của phòng học, sập lan can…

Để đảm bảo an toàn, Bộ GDĐT đã có công văn về việc cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trường học đảm bảo an toàn cho học sinh và nhiều văn bản, hướng dẫn khác liên quan đến đảm bảo an toàn trường học.

Qua sự việc tại Lào Cai, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn cơ sở vật chất trường học; kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng các trường học; kiểm tra việc cải tạo các công trình trường học đã xuống cấp.

Đặc biệt, kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải cạo, sửa chữa, nâng cấp.

Tại Hà Nội, mới đây, Sở GDĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các trưởng phòng GDĐT quận/huyện/thị xã và hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở về việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học, giáo dục an toàn giao thông năm học 2020 - 2021. Trong đó Sở đề nghị các đơn vị, nhà tường tăng cường kiểm tra cơ sở vật chất (tường bao, móng, tường, cống rãnh, cây xanh, bàn ghế, hệ thống điện...), kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn để khắc phục ngay, không để xảy ra tai nạn thương tích trong trường học.

Bên cạnh những quy chuẩn về mặt cơ sở vật chất, thì không thể thiếu các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của giáo viên, phụ huynh và đặc biệt là nâng cao kỹ năng tự bảo vệ mình cho học sinh.

Chị Trần Hoài Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết con gái học lớp 2 tại Trường Tiểu học Nghĩa Tân (Hà Nội) được nhà trường cho tham gia các buổi học để phòng, chống tai nạn học đường. Bên cạnh đó, chị cũng luôn theo sát, chỉ bảo con tự bảo vệ mình. "Những tai nạn tại học đường tới từ các rủi ro khách quan như mưa bão, cháy nổ thì các con khó có thể đối phó. Tuy nhiên, bố mẹ cũng phải tự trang bị cho các con để tự bảo vệ mình bằng cách tránh xa những vật liệu, công trình nguy hiểm, có nguy cơ gây tai nạn. Tôi không bao giờ cho con tới trường quá sớm, dễ dẫn tới việc kích thích trí tò mò, đùa nghịch ở những nơi nguy hiểm trong trường. Bên cạnh đó, gia đình liên tục nhắc nhở cháu phải chơi ở những nơi được phép dưới sự hướng dẫn của giáo viên, tuyệt đối không tự tiện đùa nghịch ở những vị trí không được sự cho phép".

Nói về sự hiếu động của trẻ nhỏ, cô Bùi Thị Hương- giáo viên cấp 1 Trường TH Tân Sơn, TP.Thanh Hóa cho rằng, việc trẻ nhỏ đùa nghịch tại trường là khó tránh khỏi. "Trẻ nhỏ, đặc biệt là học sinh mới vào lớp 1 chưa hiểu được nền nếp, thói quen tại trường học, vì vậy giáo viên cần phải có sự quan tâm đặc biệt tới học sinh. Tuy nhiên, ngoài giờ học, rất khó để giáo viên có thể theo dõi, chăm sóc các em, nên cần phải có sự phối hợp của cả gia đình để cùng nhau định hướng cho các em. Ngoài thời gian trên lớp, việc hình thành nề nếp, thói quen và kỹ năng tự phòng tránh nguy hiểm của học sinh được hình thành một phần bởi sự rèn luyện của gia đình. Sự việc đau thương xảy ra tại Lào Cai một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc dạy cho trẻ em kỹ năng tự bảo vệ mình khi không có sự quan sát của người lớn".

Cô Hương cũng cho rằng sự chủ động giám sát của cha mẹ, giáo viên nhắc nhở các con hàng ngày, hỗ trợ con có hiểu biết đúng về các kỹ năng an toàn trong trường học, đặc biệt là đảm bảo môi trường an toàn trong gia đình là yếu tố quan trọng giúp phòng, chống tai nạn đối với đối tượng trẻ em.