Donald Trump và Joe Biden đã về đích trong cuộc chạy đua giành quyền làm tổng thống. Chiến dịch tranh cử độc đáo này xảy ra trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, nguy cơ khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra và bạo loạn chủng tộc trên khắp đất nước. Sputnik tìm hiểu về cơ hội thắng cử của các ứng cử viên và nhân tố nào quyết định điều đó.
Lập lại trật tự
Các cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng 5 sau cái chết của phạm nhân da đen bị cảnh sát bắt giữ George Floyd đã thay đổi kế hoạch của cả hai ứng viên lọt chung kết cuộc đua. Mỗi người đều đang kéo cử tri về phía mình: Trump hứa hẹn duy trì luật pháp và trật tự, Biden cam kết ủng hộ yêu cầu của những người biểu tình. Các thị trưởng và thống đốc và dân chúng cũng có sự phân rẽ: một số ủng hộ việc đưa Vệ binh Quốc gia vào các thành phố và sử dụng vũ lực chống nổi loạn, những người khác thì phản đối gay gắt.
Mặc dù là tổng tư lệnh, Trump không thể phái quân đội đến các bang, mà các thống đốc phải yêu cầu ông làm điều này. Quân đội đã vấp phải sự phản đối dữ dội ở Portland. Tình hình thành phố vẫn căng thẳng.
Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục ở Kenosha do việc sĩ quan cảnh sát người Mỹ gốc Phi Jacob Blake bị thương. Vệ binh Quốc gia đã đến đó với sự cho phép của thống đốc, nhưng điều này không khiến người dân nguôi giận. Trump đã tự mình đến Wisconsin, nhưng ông không gặp gia đình Blake, không trả lời câu hỏi của các nhà báo về nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống ở Mỹ, mà chỉ tập trung vào "cuộc bạo loạn mà các nhà chức trách sẽ trấn áp, nếu họ dược trao cơ hội như vậy."
Biểu tình và xếp hạng
Trump muốn các cuộc biểu tình được coi là bạo loạn, Biden coi đó là biểu tình ôn hòa. Hồi tháng 5, thăm dò dư luận cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ có ưu thế hơn một chút: 47,7% so với 42,4. Trong tháng 6, khoảng cách này đã tăng gấp đôi. Các đảng viên Dân chủ ủng hộ yêu cầu cải tổ cảnh sát, chống phân biệt chủng tộc và điều tra vụ giết người Mỹ gốc Phi, điều này gây được tiếng vang với cử tri.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình khởi đầu là ôn hòa đã nhanh chóng biến thành bạo loạn.
Mùa hè bất ổn làm cho người Mỹ mệt mỏi và khiến tâm trạng của họ thay đổi. Trong tháng 6, khoảng 62% số người được hỏi coi các hành động trên đường phố là hợp pháp, đến tháng 8 – chỉ còn 53%. Nhưng số người coi hành động của người biểu tình là hành vi phạm pháp đã tăng lên: từ 28 lên 38%.
Đến mùa thu, khoảng cách về xếp hạng của các ứng cử viên đã thu hẹp xuống còn 7 điểm. Lãnh đạo Đảng Dân chủ lo lắng rằng do mệt mỏi vì tình trạng bất ổn, vào thời điểm quyết định người Mỹ sẽ ủng hộ tổng thống đương nhiệm.
Khủng hoảng ủng hộ
Trong cuộc trò chuyện với Sputnik, ông Yuri Rogulev, giám đốc Quỹ Nghiên cứu về Hoa Kỳ mang tên Franklin Delano Roosevelt tại Đại học quốc gia Moskva giải thích rằng trước đây bạo loạn chủng tộc đã từng xảy ra, kể cả dưới thời Obama.
"Quy mô hiện tại gắn liền với sự bất bình của người dân, hoàn cảnh khó khăn mà họ phải lâm vào do đại dịch", chuyên gia lý giải.
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái - 14,7%. Cách ly chống dịch đã khiến hơn 20 triệu người mất việc làm. Hỗ trợ tài chính cho các gia đình và doanh nhân đánh mạnh vào ngân sách. Theo dự báo chính thức, GDP đã giảm kỷ lục 40% trong quý II và sẽ phải mất đến 10 năm để phục hồi. Nhưng bốn năm trước, Trump đã hứa với người Mỹ về một nền kinh tế mạnh mẽ.
Ông Yuri Rogulev cho biết: “Việc chi trả liền trợ cấp gói đầu tiên sẽ sớm kết thúc, và chính phủ sẽ không đồng ý về gói thứ hai. Điều này sẽ gây ra sự bất bình và khiến dân chúng quay lưng lại với chính quyền.”
Nền kinh tế vẫn đang phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp giảm dần nhưng rất chậm.
"Tình hình vẫn rất bất ổn. Và nếu tình hình được cải thiện, Trump sẽ ghi nhận thành công cho chính mình", nguồn tin cho biết.
Lỗi do ai?
Tuy nhiên, Trump cũng phải chịu trách nhiệm cho các thất bại. Đảng Dân chủ đổ lỗi cho những hậu quả thảm khốc của đại dịch. Tổng thống đã phản ứng quá chậm: cho đến giữa tháng Ba, Trump nói rằng tình hình với virus đã được kiểm soát, không cần đeo khẩu trang và các biện pháp cách ly chống dịch.
Sau khi đắc cử, Trump đã đóng cửa Obamacare, chương trình được cho là giúp người dân dễ tiếp cận hơn với dịch vụ y tế. Do đó, trong tình trạng khủng hoảng, nhiều người Mỹ nhận thấy mình không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Hồi tháng 7, Trump nói rằng sở dĩ có bức tranh khủng khiếp về tỷ lệ mắc bệnh như vậy là do kết quả xét nghiệm quy mô lớn trong nước. Trong những tuần trước bầu cử, Nhà Trắng đã áp dụng chiến lược mới: chỉ xét nghiệm những người có nguy cơ. Điều này khiến các bác sĩ và các nhà quan sát bối rối cho rằng chính quyền chỉ đơn giản là muốn chuyển hướng chú ý khỏi những con số thống kê đáng sợ.
Các nhà xã hội học chỉ ra rằng những người ủng hộ Trump và Biden dường như sống trong các vũ trụ khác nhau - các ưu tiên của họ rất khác nhau.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Phe của Biden trẻ hơn: 67% ở độ tuổi từ 18-29 tuổi, 59% - trên 50. Đảng Dân chủ được người gốc Tây Ban Nha, châu Á và da đen ưa thích. Người Mỹ gốc Phi được coi là nòng cốt của cử tri Đảng Dân chủ: 89% ủng hộ Biden.
Xương sống khối cử tri ủng hộ Trump là cư dân các thị trấn nhỏ và làng mạc. Điều này được giải thích là do những người ở đó cảm thấy mất việc làm, họ cảm thấy thiếu công bằng trong việc phân chia "chiếc bánh Mỹ" từ ngân sách nhà nước. Sự thất vọng và cảm giác bất công khiến khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" trở nên đặc biệt thu hút họ.
Những người chỉ trích muốn nhấn mạnh một đặc điểm khác của khu vực cử tri ủng hộ Trump là trình độ học vấn thấp. Nhưng đây là sự phóng đại: 53% cử tri không có trình độ đại học bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng hòa, 45 - cho đối thủ cạnh tranh của ông ta. Mặc dù những người có bằng cấp cao thường ủng hộ Biden hơn: số này chiếm tới 67%.
Trận chung kết đã tới gần
Trong trận chung kết cuộc chạy đua tranh cử, bất kỳ cách nào để làm mấy uy tín của đối thủ đều tốt. Biden bị chỉ trích vì động chạm không phù hợp với phụ nữ. Ông viện cớ rằng không nhớ gì về sự phù phiếm đó. Và tính hay quên này cũng được đối thủ lợi dụng: Biden đã 77 tuổi, quá già đối với Nhà Trắng. Trên mạng lan truyền đoạn video, trong đó ứng viên dân chủ nhầm lẫn từ ngữ, lãng quên và không phân biệt được vợ với em gái.
Dân mạng cũng nhắc tới ông và những phát biểu kỳ lạ. Hồi tháng 5, ông Biden tuyên bố rằng những người Mỹ gốc Phi hoài nghi về việc bỏ phiếu cho ứng viên không phải là người da đen. Trước đó, hồi tháng 2, ông gọi cô gái đặt câu hỏi cho mình là "người lính ngựa mặt chó dối trá".
Trump cũng bị không ít lời chỉ trích. Nhiệm kỳ tổng thống của Trump gắn với những bê bối quấy rối, nước ngoài can thiệp vào bầu cử, lăng mạ các nhân viên chính quyền. Một trong những vụ bê bối mới nhất liên quan đến cụm từ được cho là Trump đã thốt ra trong chuyến thăm Paris hai năm trước, khi ông ta gọi những người lính Mỹ tham gia Thế chiến I là “những kẻ bại trận”.
Cuối cùng, người thắng cử sẽ được xác định không phải bởi những trò đùa trên Internet hay thậm chí bởi vấn đề chủng tộc, mà bởi tình hình dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế. Nếu không phải vì đại dịch và hậu quả của nó, Trump có thể đã thắng cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, bây giờ cơ hội gần như ngang nhau, và không thể đoán được ứng viên nào sẽ về đích trước.