Đây là một cuốn sử về 600 năm khai cơ lập nghiệp của một ngôi làng nay ở huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Làng được cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy về đây cắm trại, gọi là Trại Đầu từ thập niên thứ nhất của thế kỷ XV. Bản thân tên gọi làng Ân Phú về sau này, theo tác giả cho biết, là nói gọn của bốn chữ "Dân Ân Quốc Phú" (Dân no đủ, Nước giàu có). Làng nằm trong vòng ôm của hai con sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi, dựa lưng vào dãy Trường Sơn, hướng mặt ra biển cả. Làng nằm trên các cơ tầng địa chất đứt gãy tạo thành những huyệt đạo thiêng của trời đất. Có phải vậy chăng mà Ân Phú là một trong những nơi có thể nói là địa linh nhân kiệt của non nước xứ núi Hồng sông La?
Nguyễn Thế Phiệt bắt đầu cuốn sử làng mình bằng việc đi tìm nguồn cội từ di chỉ các tên gọi làng thời xưa đến những tộc người đã từng sinh sống trên mảnh đất này, rồi khảo sát cách tổ chức quản lý cộng đồng làng qua các thời kỳ và nói tới hai biểu tượng quê hương của làng là núi Mồng Gà và sông Ngàn Sâu. Tác giả đặc biệt ghi rõ công lao của hai vị sáng lập làng là Nhập nội hành khiển Sử Hy Nhan và Á hiệu quận quân Ngô Thị Ngọc Điệp (Chương 1).
Tiếp đến là các chương về Xã hội làng; Lệ tục làng; Trò chơi dân gian ở làng; Trí thức làng; Dòng họ trong làng; Tín ngưỡng tôn giáo ở làng; Kinh tế làng. Cuối cùng là 16 phụ lục với các tư liệu lịch sử, các bài văn tế văn cúng, các bằng sắc phong… Mỗi trang mỗi dòng anh đều muốn khắc ghi công trạng của các bậc tiền bối để nhắn gửi với con cháu người làng hôm nay. Ví như khi anh đề cao những người "trí thức làng" đã khiến cho Ân Phú trở thành một làng có học, có văn hóa. Theo tác giả: "Trí thức làng gồm những ông quan về hưu, những người chức sắc, nhiều nhất là những thầy đồ, thầy thuốc, và những học trò đệ tử của các vị ấy. Ngoài ra còn phải kể đến cả các lão nông tri điền, các ông thợ lành nghề, các bà, các chị tuy không học hành gì, nhưng đã dạy dỗ con cháu biết cách sống và biết ăn ở với trong họ ngoài làng cho phải đạo" (tr. 80). Một cách hiểu trí thức làng như thế là một cách biết ơn những người đã vun đắp cho các kiến thức sống và các giá trị nhân văn, đạo lý của con người ở làng quê.
LÀNG ÂN PHÚ
Tác giả: Nguyễn Thế Phiệt
Nhà xuất bản Đại học Vinh, 2020
Số trang: 301
Số lượng: 450
Giá bán: 150.000đ
Cuốn sách "Làng Ân Phú" là một cuốn sử làng được viết công phu với nhiều tư liệu, tranh ảnh. Đọc nó mới thấy tấm lòng của Nguyễn Thế Phiệt với làng quê mình sâu nặng thế nào và cũng tự hào biết bao đủ khiến anh bỏ nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, khảo cứu để dựng lên được cả lịch sử xưa nay của một đơn vị làng trong cấu trúc cổ truyền xã hội nông thôn Việt Nam xưa. Và ngược lại, người dân Ân Phú cũng biết ơn Nguyễn Thế Phiệt đã cấp cho họ một cuốn sử làng cụ thể, chi tiết về làng mình để họ truyền dạy cho con cháu và giới thiệu với người ngoài. Đọc cuốn "Làng Ân Phú" người đọc sẽ biết về một cái làng Việt ở miền Trung và chắc cũng sẽ ao ước, mong muốn làng mình có một cuốn sử như vậy. Nhiều làng đã có những cuốn sử của làng mình. Và khi mỗi làng đều có sử làng thì mỗi người dân làng đều biết sử làng và từ đó biết sử nước.
Ở làng Ân Phú có ba nhân vật nổi tiếng được Nguyễn Thế Phiệt kể đến trong sách. Người thứ nhất là nhà sử học Sử Hy Nhan (? – 1421). Ông đã phục vụ dưới ba triều vua: Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và làm quan đến chức Nhập Nội Hành Khiển. Khi nhà Minh xâm lược nước ta, ông cùng con trai đã không theo giặc làm quan mà tìm về khai khẩn mảnh đất nay là làng Ân Phú. Ông có để lại bài "Trảm xà kiếm phú" nổi tiếng (có ở phần phụ lục sách) với tư tưởng "đề cao đường lối vương đạo – cai trị bằng lòng nhân ái, hòa phục, mà phê phán lối cai trị bằng bá đạo – lấy vũ lực làm phương tiện. Tư tưởng ấy của ông so với đương thời và cả trường kỳ lịch sử quả thực rất táo bạo, tiến bộ, mang đậm tính chất nhân đạo" (tr. 215).
Người thứ hai bà Ngô Thị Ngọc Điệp (1410 – 1490) với tước hiệu Lê triều Hoàng hậu Ngô Thị Quận Quân, con Dụ Vương Ngô Từ - Khai quốc công thần nhà Hậu Lê. Bà được tôn là người lập ra làng Ân Phú cùng với Sử Hy Nhan. Lịch sử gia đình bà được tác giả để ở Phụ lục 2.
Người thứ ba là nhà thơ Huy Cận (1919 – 2005). Ông họ Cù, một dòng họ lâu đời ở làng Ân Phú. Nguyễn Thế Phiệt đã để khá nhiều trang cho người con vẻ vang thời hiện đại của làng mình. Chương 9 dành riêng cho Huy Cận nói về hoạt động, gia đình, sáng tác, danh hiệu và mấy bài thơ gắn với quê hương của nhà thơ. Phụ lục 16 mang tên "Người Ân Phú nói về Huy Cận" thực chất là bài viết đưa ra một số nhận định, đánh giá của Nguyễn Thế Phiệt về nhà thơ đồng làng. "Người ta có thể đã tôn Huy Cận lên tận trời xanh, so sánh Huy Cận với Lý Bạch, với Đỗ Phủ… trong chén rượu sầu, với Thôi Hiệu trong "Hoàng hạc lâu". Những hình ảnh của "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc", hay "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp" đã ẩn náu đâu đó trong Đường thi ngàn năm trước. Nhưng tôi không nghĩ như thế; đấy là hình ảnh trời mây sau núi Mồng Gà trước cơn mưa, là sóng cả của sông Ngàn Sâu khi mùa lũ đến… để "bèo dạt về đâu hàng nối hàng" (tr. 298). Kể ra tự hào với làng và người con nổi tiếng quốc gia và quốc tế của làng cũng là điều đáng tự hào! Mấy bài thơ của Huy Cận gắn với quê hương được Nguyễn Thế Phiệt đưa vào sách đều ở dạng chép tay, có lẽ đó là thủ bản của nhà thơ. Trong đó có bài "Mẹ ơi" ông viết cho em trai và các cháu ngày 16/9/2000 khi xây mộ mẹ ở quê:
"Mẹ yên giấc mẹ nhé! Đây lưng núi Mồng Ga
Đầu gối núi sau một đời vất vả
Ngoảnh nhìn về quê mẹ bến Tam Soa
Thời con gái mẹ dệt bền lụa Hạ" (tr. 199)
Nhà thơ viết đúng cách nói của người Hà Tĩnh gọi "Gà" là "Ga".
Như thế, viết "Làng Ân Phú" Nguyễn Thế Phiệt đã trả được món nợ lời nguyền đối với quê hương, như ở bài thơ để đầu sách anh đã viết: "Ta vẫn nợ đời chép sử sáu trăm năm / Dựng lại miếu thờ Tiên hiền mở cõi / Hỡi anh linh ngàn năm cố quận / Cho lòng con thương, được thanh thản mỗi chiều về" (tr 12).
Người đàn ông tuổi đã ngoại sáu mươi này hiện sống ở Sài Gòn nhưng vẫn luôn trở về quê hương, vẫn miệt mài tìm trong từng trang sử trang văn dấu quê và hồn quê. Từ quê mình làng Ân Phú, anh còn mở rộng đến cả một vùng núi non Hương Sơn, Hương Khê, căn cứ địa của Phan Đình Phùng năm xưa mà cái tên Vũ Quang đã trở thành tên gọi cuộc khởi nghĩa. Anh viết sử làng vì yêu quê, hẳn rồi, nhưng còn là để cho các thế hệ về sau không quên quê, mất quê. Tôi nghĩ cuốn sách "Làng Ân Phú" có thể dùng làm sách dạy sử cho các lớp học ở chính làng quê ấy. Và nếu mỗi trường học ở vùng quê nào cũng có một cuốn sử của chính nơi đó như cuốn này, và nhiều cuốn khác tương tự, thì sẽ rất có ích cho việc nuôi dưỡng tình quê hương đất nước trong mỗi học sinh.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Hà Nội 10/9/2020