Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nhắc tới tên người nhạc sĩ này, hẳn bạn sẽ nhớ ngay đến một bài hát nổi tiếng của bà. Đó là ca khúc "Huế tình yêu của tôi" do bà phổ nhạc bài thơ của Đỗ Thị Thanh Bình. Bà còn có những bài hát khác được nhiều người biết đến như "Xe ta ơi lên đường" (phổ thơ Huy Cận), "Đừng nhìn em như thế"…
Nhưng ít người biết ngoài làm nhạc, Trương Tuyết Mai còn làm thơ. Tập thơ này của bà là tập thứ sáu xuất bản, kể từ tập đầu "Một nửa cho anh" ra năm 2006. Nhạc và thơ là đôi cánh tâm hồn của bà như bà đã viết trong bài "Thả":
"Buồn – ta làm thơ – thả hết vào đó
Vui – ta làm nhạc – cũng thả hết vào đó
Thơ nhạc là những chú chim Hồng Hạc
Gồng gánh tình ta thả khắp đất trời" (tr. 30)
Người đàn bà gồng gánh tình cảm của mình bước đi trên đường đời để rồi bước lại gập ghềnh nỗi đau. Đầu đề tập thơ hẳn đã được tác giả lựa chọn kỹ. Bà dùng "khúc đau" sau hai chữ "gập ghềnh" để nói mạnh cái đau từng khúc trên con đường đời không bằng phẳng của mình, cũng là để nói từng cái đau quặn khúc trải qua trong cuộc đời. Dùng "nỗi đau" hay "cơn đau" ở đây chừng không nói hết được nỗi lòng tâm tư nhà thơ trong tình yêu.
Say đắm vì tình, hạnh phúc vì tình, đau khổ vì tình, sống vì tình – đó là nhà thơ, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, "ta vì tình đắm đuối / chết một đời chưa thôi" (tr. 32). Những bài thơ của bà trong tập này, cũng như ở các tập trước đó, thường ngắn, nhiều khi chỉ hai câu (nên tác giả còn gọi đây là "mini thơ"), nhưng chất chứa và gói ghém rất nhiều tâm sự, nỗi niềm. Và cũng chính vì thơ ngắn như vậy nên tác giả phải tạo ra nhiều hình ảnh mới lạ để neo được cảm xúc của mình vào lòng người đọc, tạo được cộng hưởng trong tâm hồn người đọc.
Một chiếc gối đơn không ướt vì nước mắt mà vì "những giấc mơ còn đẫm trên đó" (tr. 9). Một ví mình ngọn cỏ dại "khô khát chết rồi vẫn thèm mưa" (tr. 13). Một dáng nằm "ngày càng lõm sâu thêm" (tr. 18) về phía người nằm một mình. Một nỗi niềm "chăn chiếu lệch xô nghiêng nỗi nhớ" (tr. 23). Một xót xa cảnh trăng nước "tan hòa nhau mà vẫn xa xôi" (tr. 24). Một gối mộng "nên mơ bạc đầu" (tr. 41)… Có cảm giác nhà thơ nói bao nhiêu cũng không đủ, không cạn tình yêu của mình thời con gái, thời đàn bà, với tất cả các cung bậc của tình yêu. Bà làm thơ ngắn như một cách nén lòng để khi người đọc chạm đến thì câu thơ bùng vỡ mọi cảm xúc.
-"Đau tình ta khóc trong mơ
Đau đời ta hóa lơ ngơ giữa đời" (tr. 11)
-"Trốn thực tại nàng ẩn mình vào ảo
Đâu ngờ trong mơ cũng lắm bẽ bàng" (tr. 37)
-"Tựa vào bóng – bóng giống ta xiêu đổ
Tựa vào mơ – mơ đã vỡ từ lâu" (tr. 50)
Đó là một sự cô đơn sâu thẳm. Cô đơn đến lạnh người khi tự biết "đã tàn thì rơi" như hoa kia để dặn lòng chớ ngậm ngùi chi nữa. Nhưng dẫu thế, đã rơi vẫn còn mãi tỏa hương (tr. 54). Cô đơn của người biết mình bị mắc cạn: "Đã biết giếng không sâu mà vẫn thả dây dài / Sợi dây tôi mắc cạn giữa muôn vàn rỗng không" (tr.77). Hai câu thơ nay nối liền với hai câu ca dao xưa "Em tưởng nước giếng sâu em nối sợi gầu dài / Ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây" càng làm sâu hun hút một tình yêu hụt hẫng, một trao gửi vô vọng. Người xưa cứ tưởng, còn người nay đã biết. Vậy nên nỗi đau càng đau.
GẬP GHỀNH KHÚC ĐAU
Tác giả: Trương Tuyết Mai
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020
Số trang: 105
Số lượng: 1000
Giá bán: 79.000đ
*
Kẻ thù của Nàng là đây: "Vô duyên – ngộ nhận – bẽ bàng / Chúng xếp thành hàng cùng quật ngã tôi" (tr. 88). Nên nàng phải khoác cho mình chiếc áo giáp làm bằng "giá băng - hững hờ - vô cảm" (tr. 89) để chống lại. Nàng chỉ mong sao có người (đàn ông, hẳn thế) dám liều mạng đến gỡ phăng chiếc áo giáp đó giúp mình. Nhưng Nàng - người thơ của Trương Tuyết Mai không đau khổ đến tuyệt vọng để tro tàn nguội lạnh cõi lòng mình. Nàng coi mình như chiếc đồng hồ đã cũ, dây cót đã chùng, nhưng vẫn gắng để chạy nhịp nhàng (tr. 61). Nàng hối thúc người "có thương nhau mau tìm đến cùng nhau" (tr. 72) khi thấy thời gian đã rượt đuổi sau lưng. Nàng vẫn giấu trong tim một góc khuất vừa đủ cho "người ấy náu mình" (tr. 75). Nàng vẫn có "lá hoa khoe thắm ngát tình tôi say" (tr. 76) dù trong cảnh một thân một chốn "lui thui một mình". Nàng "vẫn say nghiêng ngửa vẫn sầu đầy vơi" (tr. 103) mặc đã uống cạn ly đời từ lâu. Nàng vẫn biết giữ cho hồn mình lung linh tỏa sáng bằng cách lượm những chùm hoa nắng thả vào (tr. 86). Nàng "vẫn vẹn nguyên non mởn thanh tao" (tr. 65) khi thả hồn quay trong mưa bão (ôi cái từ "non mởn" phải bạo tay lắm tác giả mới đặt nhẹ được vào đây). Nàng vẫn muốn là viên cuội trắng ngời, không bị lấm bẩn theo dòng đời trong đục (tr. 104). Nàng vẫn muốn là ngọn đèn cháy hết mình dù đã cạn dầu lụi bấc để "dẫu không đủ sưởi trái tim cũng ấm được bàn tay" (tr. 105). Những ý thơ, câu thơ tha thiết đến quặn lòng.
Và rồi Trương Tuyết Mai đã từ tình riêng sang tình chung, từ tình yêu đến tình đời. Từ "ta đi mót lại tình xưa" (tr. 49) đến "nàng đi gom nhặt chuyện đời" (58). Nhà thơ không chỉ nói chuyện phận mình mà cả chuyện những phận người trái ngang, gian nan. Dùng những vần thơ "tươi màu huyết" để "bện dệt buồn vui thẳm phận người" (tr. 64), theo tác giả, đó là bổn phận của nhà thơ. Cho nên "gập ghềnh khúc đau" trong tập thơ này của Trương Tuyết Mai không chỉ có tâm tình cá nhân, mà cả chuyện nhân quần xã hội. Giữa những câu thơ tình ái xót buốt tác giả vẫn không thể giấu một tiếng kêu đau xót: "Sao mãi tồn tại nhiều bất công, oan trái / Sao nhiều nỗi đau và nước mắt ngược dòng" (tr. 83).
Như thế đọc hết cả tập thơ, Trương Tuyết Mai nhạc sĩ, nhà thơ, hiện lên trước mắt ta là một Nàng thế này:
"Ôm trái tim mình cùng mối tình mộng mị
Trong gió thốc sấm rền nàng vẫn đi… vẫn đi…"
Một bức họa chân dung. Một khái quát cuộc đời. Người đàn bà gốc Phú Yên ấy đã yêu và được yêu, đã "trút cạn một đời" trong yêu. Người đàn bà ấy giờ đã vượt qua cái tuổi xưa nay hiếm mà vẫn hồn nhiên, trong trẻo tâm hồn của cô gái thuở mười tám, đôi mươi, ôm ấp trong tim mình những bóng hình tình yêu cả tươi đẹp, cả trắc trở, vẫn tiếp tục làm nhạc làm thơ tặng cho đời những tâm tình dâng hiến. Lời thơ tiếng nhạc của người đàn bà vẫn tự thấy mình "nông nổi trái tim" ấy đủ sức cộng hưởng xao xuyến với tâm tư tình cảm của nhiều người.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 7/9/2020
Vui lòng nhập nội dung bình luận.