Nhận thấy lợi thế về địa hình, điều kiện thời tiết thuận lợi, diện tích đất đồi của địa phương phù hợp với mô hình nuôi ong lấy mật. Năm 2010, ông Nguyễn Vĩnh Điều trú tại xóm 15, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) đã quyết định nuôi 10 đàn ong dưới tán cây vải trong gia đình để phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Vĩnh Điều, chia sẻ: "Ong là loài dễ chăm sóc, đặc biệt rất thích hợp ở vùng đồi núi như khu vực gia đình tôi đang ở vì có nguồn thức ăn phong phú từ các loài hoa tự nhiên. Nuôi ong rất đơn giản, bình thường ong tự kiếm ăn, phát triển tốt từ nguồn hoa ngoài thiên nhiên. Tuy nhiên, vào mùa đông, tôi thường che chắn để giữ ấm cho ong, bổ sung thêm nước đường, phấn hoa để ong để giữ đàn, sang mùa xuân ong sẽ tự đi kiếm ăn".
Clip: Ông Nguyễn Vĩnh Điều, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) thu hàng trăm triệu đồng nhờ mô hình nuôi ong mật.
Theo kinh nghiệm nuôi ông của ông Điều, trước đây, người dân đa số nuôi ong theo kiểu truyền thống, thường khoét lỗ tròn trong thân cây gỗ để nuôi, nhưng cách nuôi này bất tiện, khó chăm sóc đàn ong, cũng như kiểm soát được chất lượng mật.
Hiện nay, người nuôi ong đóng thùng nuôi thành các hộp hình chữ nhật đã lâu để chứa các cầu ong có thể tách rời, thuận tiện hơn khi kiểm tra đàn ong, cũng như chất lượng mật.
Hiện nay gia đình bác Điều đang nuôi 40 đàn ong lấy mật. Với 40 đàn ong, mỗi năm gia đình bác thu hoạch được hơn 360l mật, giá bán 230.000 đồng/lít. Ngoài ra, mỗi năm gia đình còn bán được từ 40-50 đàn ong cho các hộ dân, với giá từ 1-1,3 triệu đồng/đàn. Trừ hết các chi phí, mỗi năm nghề nuôi ong lấy mật mang lại cho gia đình 120 triệu đồng.
Theo ông Điều, mỗi đàn ong nên đặt cách nhau từ 1-2m. Mỗi năm đàn ong cho thu hoạch 4 lần/năm từ tháng giêng đến hết tháng 6 (Al), nếu có nguồn thức ăn phong phú thì có thể cho thu hoạch mật 5-6 lần/năm. Vào mùa Xuân, đàn ong phát triển tốt nhất, số lượng quân trong đàn đông, nguồn thức ăn phong phú nên có chất lượng mật tốt nhất và cũng thích hợp để tách đàn.
Trao đổi với chúng ôi, ông Nguyễn Văn Thịnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thành, cho biết: "Nghề nuôi ong lấy mật được xem là nghề truyền thống của người dân xã Mỹ Thành. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 60 hộ nuôi ong lấy mật, nhưng đa số quy mô nuôi còn nhỏ, khoảng từ 10-20 đàn ong/hộ/năm. Mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình bác Nguyễn Vĩnh Điều là mô hình tiêu biểu của xã, được chính quyền địa phương quan tâm và tạo điều kiện để phát triển.
Ông Thịnh cho biết thêm: "Không chỉ bán mật ong, bác Điều còn cung cấp con giống và chia sẻ chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cho bà con. Hội Nông dân xã đang tích cực xây dựng thương hiệu mật ong của địa phương để giúp mật ong của bà con đến tay người tiêu dùng rộng rãi hơn".